![]() |
Arthur Rubinsteindanh cầm người Mỹ gốc Ba Lan
Trong ký ức tuổi thơ mịt mù của tôi, chẳng thể nào quên được những bài học âm nhạc đầu đời mà thầy tôi, một người có tâm hồn trong sạch như nước suối đã truyền thụ. Thứ âm nhạc của những bậc thầy cổ điển như Bach, Mozart, Mendelssohn, Scarlatti,… mà thầy tôi đã gieo vào lòng trẻ thơ thuở đó, là những âm thanh thuần khiết, êm đềm nhất đã nuôi dưỡng trong tôi tình yêu âm nhạc và lòng ngưỡng mộ với hòa âm êm ái, giai điệu du dương, tiết tấu nhịp nhàng, niêm luật chặt chẽ! Đó là những gì mà đầu óc non nớt của tôi biết về âm nhạc trong những tháng ngày xa xưa đó!
Cho đến một ngày…
Ngày đó, trường Y có một thói quen rất hay ho, chẳng biết giờ có còn hay không? Là mở nhạc cổ điển của đài FM trên loa phóng thanh trước giờ vào học. Trưa hè nắng như đổ lửa, rảo bước vào giảng đường, một giai điệu vang lên, lấp lánh, long lanh như ngọc… Cái giai điệu lạ lùng, lúc khoan lúc nhặt, tưởng như không có một quy luật nào cả, đã làm tôi sững người lại trong phút chốc, lắng nghe, ngẫm nghĩ mà vẫn không tài nào hiểu được cái quy luật của chùm âm thanh tuyệt đẹp đó, như đã từng được thầy tôi giảng giải về các niêm luật hòa âm hay tiết điệu.
Cho đến ngày tôi gặp Vũ, gã pianist lãng tử với chiếc Rebel cà tàng, tóc xõa bay trong gió. Vũ đàn cho tôi nghe những giai điệu đó, mặt tái xanh như chàm đổ, nghiêm trang như đang hành lễ, trầm ngâm như hiền triết… Vũ dốc cạn mình trong những Marche Funèbre, Fantaisie Impromtue, Valse d’Adieu, Polonaise, Mazurka… Những buổi chiều xưa cũ đó, Vũ đã chỉ cho tôi thấy một thứ âm nhạc khác, vượt lên trên những giai điệu cân đối, êm ái mà tôi đã được dạy dỗ. Một âm nhạc không kém phần chặt chẽ, quy tắc nhưng khoáng đạt và tinh tế vô song!
Âm nhạc của Chopin!
Điều lạ lùng là cho đến giữa thế kỷ XIX, Paris mới thật sự tỏa sáng như một thủ đô âm nhạc. Đến lúc ấy, kinh thành ánh sáng mới là nơi hội tụ của nhiều thiên tài âm nhạc. Rossini, Liszt, Wagner, Offenbach, Saint Saens, Fauré, Ravel, Debussy… Trong những cái tên bất tử đó, không thiếu những di dân, mang âm nhạc của họ đến tô điểm cho Paris hoa lệ. Mái đầu xanh của chàng trai Chopin, người con mang hai dòng máu Ba lan và Pháp, đã tung bay dưới bầu trời Paris thuở đó.
Dưới đôi tay tài hoa của người nghệ sĩ, những Nocturne, Polonaise, Berceuse… đã vang lên đầy mê hoặc trong các thính phòng, đến nỗi hậu thế phải tôn vinh Chopin là người đã “đội vương miện cho cây piano” khệnh khạng. Cây đàn to lớn dềnh dàng, nặng hàng trăm ký, với 88 phím đen trắng đan xen, với lực căng dây lên đến 52 tấn! Một nhạc cụ mà khi chạm tay lên phím đàn, phải truyền dẫn qua 25 cơ phận mới nghe thấy âm thanh. Làm sao một nhạc cụ to lớn, dềnh dàng như vậy có thể hát lên những cung bậc của tình cảm con người một cách tinh tế và đầy thấu cảm đến như vậy? Nếu không có Chopin, người được Lizst (1) xưng tụng là “nhà thơ của piano”!
Phần đóng góp của Chopin cho đàn piano thì vô cùng lớn lao và quá tầm hiểu biết của tôi. Nhưng trước hết, không thể không kể đến Chopin là cha đẻ của thể loại Nocturne (Dạ khúc). Thật ra, John Field, một nhạc sĩ người Ireland đã khai sinh thể loại này từ lâu. Nhưng với Chopin, thể loại này mới thật sự tỏa sáng, cây piano mới thực sự vang lên những giai điệu đêm, huyền ảo và tinh tế lạ thường. Vi diệu đến mức, khi lò mò tìm được một cuốn sách trên mạng dạy chơi Chopin, tôi đọc được những chỉ dẫn đại để như thế này:
“Hãy chọn một đêm hè, trăng khuyết, ngồi dưới một khóm tử đinh hương, hít thở cái không khí tịch mịch và ngát hương đó, nghe tiếng họa mi thổn thức giữa đêm thâu, tắm mình trong ánh trăng non thượng tuần…, rồi hãy chơi hay lắng nghe bản Nocturne cung Đô thăng trưởng bất hủ của Chopin”.
Có loại âm nhạc nào đòi hỏi sự lắng đọng và thăng hoa của tâm hồn như thế không?
Cuộc sống tình cảm đầy sóng gió của người nhạc sĩ tài hoa, mối tình bão tố và đầy u uẩn với George Sand, hậu thế đã tốn nhiều giấy mực. George Sand, người phụ nữ lớn hơn Chopin 6 tuổi, viết tiểu thuyết, mặc trang phục đàn ông, hút thuốc bằng tẩu, bạn tình của Prosper Mérimée(2), Alfred de Musset(3). Và có lẽ còn là kẻ đồng tính luyến ái, qua mối quan hệ với nữ diễn viên Marie Dorval. Chính người phụ nữ phóng túng này đã chủ động chinh phục Chopin để trải qua bốn năm chung sống ở lâu đài Nohant của mình.
Trong những năm tháng đó, một phần lớn âm nhạc của Chopin đã nở hoa, như một kết quả tất yếu của một mối tình thơ mộng và đầy sóng gió. Từ chiếc piano hiệu Pleyel của Chopin ở Nohant, đã vang lên những giai điệu u buồn, thơ mộng đến nao lòng. Cái tố chất melancholic u buồn đầy tao nhã của bậc thiên tài đã ghi dấu lại trên những kỹ thuật mà người chơi piano nào cũng phải lè lưỡi lắc đầu. Những đoạn arpège khoáng đạt, lả lướt bằng tay trái, những khúc prestissimo, lấp lánh như pha lê và cực kỳ khó bằng tay phải, những luyến láy hay tremolo sang trọng, những thời điểm đạp pédale để giữ độ ngân của âm thanh cực kỳ chính xác và hợp lý. Tất cả những kỹ thuật đó, dễ dàng làm nản lòng bất cứ người nào ngồi trước piano.
Nhưng chưa hẳn thuộc được, chơi chính xác là xong. Còn phải biết rubato, chơi sao cho ngập ngừng mà không ẻo lả, lúc khoan lúc nhặt nữa. Chính cái tiết điệu tempo rubato, ngập ngừng khẽ khàng đầy vi diệu này làm nên chất thơ tuyệt diệu không gì sánh nổi của Chopin. Cũng chính cái giai điệu khi như khựng vấp lại, khi thoảng nhanh như gió, tưởng chừng như phá hỏng những quy luật về tiết điệu, đã làm nên sự khác biệt giữa các danh cầm và với kẻ tập tành.
Nhiều khi, thuộc lòng từng nốt, chơi không sai một giai điệu, nhưng chơi rubato không xuất thần, âm nhạc Chopin bị biến dạng ghê gớm, giật cục, máy móc không thể tưởng được. Ngược lại, với bàn tay thần kỳ và cảm thụ âm nhạc tinh tế của các danh cầm, cái kỹ thuật khó khăn đó lại long lanh và tỏa sáng hết vẻ đẹp vô song của nó.
Tôi không tả được, không diễn đạt được vẻ đẹp thanh nhã và cao quý của âm nhạc Chopin. Chỉ biết rằng nó tắm gội lòng ta, nó dẫn ta về một nơi chốn thanh khiết, u sầu nhưng không bi lụy, cuồng nhiệt và đắm say nhưng không buông thả. Nó dẫn ta đến những cung bậc tình cảm rất lạ lùng mà tưởng chứng trước giờ ta chưa bao giờ biết tới. Nó “làm tan vỡ lòng ta” trong những “đêm mờ trăng úa” như trong Nguyệt cầm bất hủ của Cung Tiến.
Trong một buổi chiều hè lang thang, tôi lại nghe văng vẳng một giai điệu Chopin từ một góc phố Paris, vụng về, lỗi nhịp, có lẽ từ một người mới tập, nhưng không hề thấy khó chịu. Ai cũng có quyền yêu và chơi Chopin theo cách của mình phải không? Không phải ngày một ngày hai, có thể diễn đạt được cái đẹp và sự tinh tế vô song đó. Thế nên, Vladimir Askhenazy, danh cầm người Nga, phải bỏ công làm một bộ 25 CD study work cho lũ hậu sinh tập tành nghiên cứu.
Cũng trong một buổi ngồi thưởng thức cà phê với anh T., một nhà báo được nhiều người yêu mến và kính trọng, tôi đã được nghe một sự so sánh ngộ nghĩnh đầy thú vị. Trong phút cao hứng, anh T. cho rằng cái sự đi Trung Quốc thì giống như về quê nội, vì nó thâm nghiêm, kín cổng cao tường. Sự đi Mỹ thì giống như qua chơi với thằng bạn nhà giàu, xa hoa, tráng lệ, nhưng vẫn là thứ tình thân đầu môi chót lưỡi đầy thực dụng. Chỉ khi đi Pháp, mới có cảm giác thân thuộc khi về ngoại, thoải mái và dễ dàng. Lời anh T. quả tình là chí lý, vì Paris nơi tôi đến, có một địa chỉ vô cùng thân thuộc!
Thế nên, trong lần trở lại Paris năm rồi, tôi đã hăm hở nhảy metro, lò mò đến nghĩa trang Père Lachaise, nơi người nhạc sĩ tôi yêu mến yên nghỉ. Như Montparnasse, Père Lachaise là một nghĩa trang rộng mênh mông, rợp bóng cây và lọt thỏm yên ả giữa lòng Paris náo nhiệt, nơi yên nghỉ của vô số danh nhân. Chỉ cần bước vào, đã thấy lòng thanh tĩnh lạ lùng giữa trùng điệp mộ chí rêu phong nhưng không kém phần mỹ thuật. Thời gian như dừng lại ở đây, chỉ có tiếng lá rơi, gió xào xạc, thoảng chút tiếng ve sầu mùa hạ.
![]() |
Nơi yên nghỉ của Chopin luôn ngập tràn hoa tươi - Ảnh: L.Đ.P. |
Thời gian cho tôi ba tiếng đồng hồ để lần tìm đến một ngôi mộ bằng đá hoa cương trắng, có tượng thiên thần bên trên và một bức chân dung bằng cẩm thạch. Ngôi mộ không bao giờ vắng hoa tươi, kể cả trong những ngày đông tháng giá khắc nghiệt, là nơi an nghỉ của Chopin. Nơi chốn này, mọi âm thanh đều bị xóa nhòa, kể cả tiếng lá rơi nhẹ như hơi thở. Chỉ có những giai điệu của bậc thiên tài cứ mãi vang lên trong tâm tưởng.
Lần chần hồi lâu, tôi thấy bao nhiêu khách thập phương đủ mọi màu da cũng đến, cũng nhẹ nhàng đặt một nhành hoa với vẻ thành kính. Có đi đến chốn này mới thấy, mới hiểu Chopin đã và đang sống mãi với người yêu nhạc như thế nào.
Nhưng điều cảm động nhất, trước lúc ra về, tôi nghe một lời chào khẽ khàng từ một cô Tây balô đỏ au rám nắng: “Salut, Chopin”! Tự dưng, tận đáy lòng một gã lữ khách da vàng cũng thì thầm bật lên một câu chào, ngập tràn yêu mến và ngưỡng mộ: “Salut, mon Chopin!” (4).
Trước giờ lâm chung vì bệnh lao phổi, Jean Baptist Clesinger, một nhà điêu khắc đã đổ khuôn bàn tay và khuôn mặt của người nghệ sĩ thiên tài để lưu giữ cho hậu thế. Quả tim Chopin, nơi bắt nguồn của những bản Polonaise da diết lòng thương nguồn nhớ cội, được mang về Ba Lan, quê hương bản quán của người nhạc sĩ tài hoa. Sẽ có một ngày, tôi ao ước được dừng chân ở nhà thờ Kosció Swi tego Krzyza, nơi yên nghỉ của quả tim vĩ đại đó, để nghiêng mình và chiêm ngắm một thánh tích âm nhạc.
Vì Chopin của tôi, vì tuổi hoa niên và tình yêu âm nhạc trong tôi đã được nuôi dưỡng từ trái tim nhạy cảm và rất đỗi dịu dàng đó!
--------------------------
(1). Franz Liszt. Nhạc sĩ dương cầm người Hungary, bạn thân của Chopin.(2). Prosper Mérimée. Nhà văn Pháp, tác giả của tiểu thuyết Carmen nổi tiếng, là cảm hứng cho vở nhạc kịch cùng tên của Bizet.(3). Alfred de Musset. Nhà văn Pháp mang bệnh tim. Một tiếng thổi bệnh lý trong tim mạch học đã được mang tên ông.(4). Xin chào, Chopin của tôi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận