Phóng to |
Tôi đánh có hay không? |
Hành trình “săn” giải tính tẩu
Nói về giải thưởng trong các cuộc thi tính tẩu của ông cũng có đôi phần lạ kỳ. Người ta thì đi từ giải xã, giải huyện lên tỉnh, toàn quốc. Còn ông thì ngược lại: từ toàn quốc xuống tỉnh, xuống huyện. Với ông, đã gần cái tuổi “xưa nay hiếm” thì chuyện giải thưởng chỉ như cơn gió thoảng qua so với cả cuộc đời đi cùng tính tẩu.
Tính tẩu là một loại nhạc cụ độc đáo của dân tộc Thái ở Tây Bắc. Cây đàn cấu tạo rất đơn giản, gồm có: mỏ đàn, cần đàn, bầu đàn, ngựa đàn, mặt đàn, tai đàn và dây đàn. Cần đàn được làm bằng gỗ vàng tâm, bầu đàn được làm bằng vỏ quả bầu nậm già, mặt đàn làm bằng gỗ lát, mỏ đàn cũng làm bằng gỗ vàng tâm được đẽo gọt cẩn thận thành hình con gà (vật tổ của dân tộc Thái). Cây đàn tính tẩu đạt được chuẩn mực hay không chính là bầu đàn - vì quả bầu đó chính là hộp cộng hưởng. Quả phải già, vỏ phải mỏng, tròn và lây đều..., có vậy âm thanh của đàn mới đạt. |
Năm 15 tuổi (1955), ông đã là đội trưởng đội văn nghệ bản Phiêng Đanh và Văng Pheo (huyện Mường So, Lai Châu). Hơn một năm sau ông phụ trách văn nghệ huyện Mường So. Ông được cử đi thi Hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn miền Bắc lần thứ nhất (4-1962) tại Hà Nội. Và trong lần tham dự giải đầu tiên của đời mình, chàng trai người Thái đã làm toàn hội diễn bất ngờ. Tiết mục độc tấu tính tẩu của ông đoạt huy chương vàng hội thi. Bây giờ nhớ lại, ông vẫn không khỏi xúc động: “Khi đi thi mình chỉ có duy nhất một tâm niệm là cho mọi người biết đến tính tẩu người Thái Mường So quê mình”.
Sau giải thưởng bất ngờ, Nông Văn Nhay được cử vào làm ở Đoàn văn công tỉnh Lai Châu. Cùng với tính tẩu ông đã đi khắp miền Tây Bắc để đàn cho bà con dân bản nghe. “Những hôm đoàn diễn bà con tới đông lắm. Người Giấy, người Hà Nhì, người Mông vượt hàng ngày đường tới xem văn nghệ...”. Đến năm 1966, ông được cử đi Hà Nội học lớp chiếu phim.
Sau ba năm học xong, suốt 18 năm sau đó ông gắn bó với chiếu phim. Hành trình vào bản chiếu phim phục vụ bà con bao giờ cũng có tính tẩu. Mỗi đợt chiếu phim dân bản tổ chức văn nghệ, ông góp vui với bà con bằng những tiết mục tính tẩu của mình. “Người Tây Bắc mê tính tẩu lắm, không như bây giờ đâu. Mỗi khi nhìn thấy bà con có những nốt nhạc, những điệu đàn hay là mình hỏi tỉ mỉ, học từng động tác. Đó là khoảng thời gian quí báu để tôi hoàn thiện và bổ sung những điệu tẩu dân gian Thái” - ông bồi hồi nhớ lại.
Năm 1985, trong Hội diễn công nông binh toàn tỉnh Lai Châu ông lại cùng tính tẩu đăng ký dự thi. Tại hội diễn, sau khi xem xong phần trình bày tính tẩu của ông, ban giám khảo nói: “Nông Văn Nhay thì khỏi chấm giải”. “Tưởng mình bị đánh trượt tôi buồn lắm! Sau khi công bố kết quả giải thưởng, thấy tên mình được giải xuất sắc” - ông cười khi kể về những kỷ niệm vui của mình.
Năm 1994, tại Hội diễn văn nghệ nông dân toàn huyện Mường So ông đoạt giải đặc biệt.
Người Thái khóc thương tính tẩu
Phóng to |
Đang làm tính tẩu |
Thử đàn |
Thanh niên Phong Thổ bây giờ vẫn còn biết tính tẩu, nhưng để đánh được tính tẩu theo bài bản thì hiếm hoi lắm rồi. Nguy cơ mất tính tẩu là có thật, mà đau lòng hơn là nó lại mất từ ngay trong chính nhà nghệ nhân” - ông Nhay trăn trở. Nhìn thấy tính tẩu sắp mất đi, đi đến bản thanh niên đàn cho ông nghe những bản organ xa lạ với người Thái quá.
Bao đêm suy nghĩ, bao lần vắt tay lên trán, ông cũng vỡ ra: “Mình chơi tính tẩu cả đời rồi, cha ông mình cũng chơi. Nay nhìn thấy tính tẩu sắp mất đi sao mà buồn quá, cứ nghẹn trong cổ họng. Thôi thì còn chút sức tuổi già mà thời gian cũng rảnh, mình vào bản dạy lại tính tẩu cho bà con. Làm được chút nào hay chút đó vậy...”.
Vì lý do thế mà ông trèo đèo lội suối vào những xã xa xôi như Thèn Xin, Nậm Xe, Bản Lang dạy tính tẩu cho bà con. Và cái triết lý đi của ông cũng thật giản đơn: “Mình cứu tính tẩu cũng như người ta cứu hỏa. Thấy ở đâu có lửa to thì cứu trước. Mình thấy ở đâu sắp mất tính tẩu thì mình vào đó khôi phục lại”. Chính vì triết lý này mà ông đi vào bản chẳng cần lệnh ai, giấy tờ gì ngoài... cây tính tẩu thân thuộc của mình. Vì thế mà cái tên “ông tính tẩu” được dân bản gọi một cách trìu mến dành cho ông.
Có những bản trước khi vào được ông phải lội bộ hơn ngày trời. Và việc đầu tiên là ông phải làm thế nào truyền được sự đam mê tính tẩu trở lại. Sống cùng bà con, làm cùng bà con và... đàn cùng bà con là phương thức hoạt động của ông. Dân bản ra nương rẫy, gieo từng hạt ngô, trồng cây sắn thì ông đi cùng. Rồi gùi nước từ đầu nguồn về bản xa hàng cây số ông cũng làm. “Phải làm sao cho dân bản họ tin, họ quí mình thì mới mong được việc, mới dạy được cho họ” - ông bộc bạch.
Miệt mài đi, miệt mài dạy tính tẩu mà đôi lần mang lại cho ông không ít phiền phức. Người hiểu được chẳng nói làm gì, kẻ không hiểu thì bảo ông là hâm, ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Người đời ác miệng hơn còn xì xầm: ông đã già còn dan díu với ai đó... Trước những lời như vậy, ông chỉ nhẹ cười: “Việc mình làm, mình tự hiểu. Cốt sao mong mỏi của thân già này mà thành là được”. Được cái vợ ông, người bạn đời chung thủy, thì vẫn luôn sắt son: “Ông ấy như con chim ưng của núi rừng, đi nhiều rồi tôi cũng quen. Nếu cấm thì tôi đã cấm từ hơn 40 năm về trước cơ...”.
Đối tượng ông dạy đầu tiên là các em nhỏ. Vì theo ông: “Truyền vào thế hệ trẻ nhất lòng đam mê tính tẩu trở lại. Trẻ em dễ tiếp thu âm nhạc hơn”. Khi dạy tính tẩu bao giờ ông cũng đưa ra những cái thật giản đơn, ông viết nhạc cho những bài hát nổi tiếng mà ai cũng thuộc như: Cháu yêu bà, Năm anh em trên một chiếc xe tăng, Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng... Với những người lớn tuổi mất căn bản thì ông phải dạy lại từ đầu từng ly từng tí.
Biết đâu nơi mảnh đất Lai Châu xa xôi kia tính tẩu sẽ được cả thế giới biết đến như di sản văn hóa thế giới sánh ngang cùng cồng chiêng Tây nguyên và nhã nhạc cung đình Huế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận