05/08/2009 08:43 GMT+7

Ông thầy... "nghiến răng"

SƠN BÌNH
SƠN BÌNH

TT - Người thầy gầy còm chừng 35kg, đôi chân ngắn ngủn và bé tẹo như cổ tay người bệnh, bước thấp bước cao, đứng run run trên bục giảng. Thoáng, người thầy chững lại nghiến răng chau mày, đôi mắt cay xè vì cơn đau hành hạ… Đó là hình ảnh lạ ở buổi học miễn phí cho các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tật nguyền do anh Phạm Hoài Phúc đứng ra giảng dạy tại đường Lê Hồng Phong, Q.10, TP.HCM.

AV5FCwsN.jpgPhóng to

Một góc của lớp học - Ảnh: S.B.

Ngồi ở cuối lớp, Diệp Hồng An - sinh năm 1990, quê ở Sóc Trăng - xoa xoa cánh tay trái teo tóp kể: “Em bị chấn thương sọ não vì tai nạn, đầu óc cứ ngây ngây, bán thân tê liệt. Thầy Phúc đã liên hệ với Bệnh viện Chợ Rẫy nhận em về dạy nghề và chăm nom như em ruột của mình”.

Nhiều trung tâm lắp ráp, sửa chữa điện tử, công ty lắp ráp, sửa chữa điện thoại di động trong TP biết được khả năng đặc biệt về tay nghề và khả năng giảng dạy của thầy Phúc nên săn tìm và thu nhận tất cả học viên sau khi được cấp chứng chỉ.

Thầy Phạm Hoài Phúc, quê ở vùng Đức Chánh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Khi lên 9 tuổi, Phúc phát bệnh viêm đa khớp đặc biệt, tấm thân bé bỏng suốt ngày cứ nằm co ro bất động bên bộ ván tre mục nát. Thấy cha mẹ cơ cực nuôi em, Phúc gượng gạo ngồi dậy và làm quen với đôi nạng.

Rồi Phúc tự lê chân với đôi nạng chống đỡ xin cha cho đi làm quay tơ gần xóm để giúp mẹ mua gạo. Phúc mua sách vở mày mò tự học và đúng năm 15 tuổi xin học vượt lớp 5, xuất sắc được tuyển lên THCS. Những năm này, cậu bé “đa khớp” vừa đi học vừa học “trộm” nghề sửa chữa điện tử của các thợ sửa chữa điện tử gần trường. Đến năm lớp 8, Phúc tự mở cửa hàng sửa chữa điện tử tại nhà kiếm tiền nuôi em. Năm 2000, Phúc một mình gánh vác hoàn toàn việc nhà khi cha mẹ chuyển lên Gia Lai khai khẩn đất hoang, bởi ở nhà không thể đủ tiền lo cho con đến lớp. Nén những cơn đau, Phúc tự tập đạp xe đến “sứt đầu, mẻ trán” để có thể một mình vượt 15km đến tận Trung tâm Giáo dục thường xuyên của tỉnh học bổ túc THPT.

Học xong lớp 12, cha mẹ vẫn còn tha phương mưu sinh, Phúc thuyết phục em trai vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở lại học bổ túc lớp 9 và chăm nom hai em gái, còn anh vào TP.HCM lập nghiệp.

Vào TP.HCM, Phúc làm đủ nghề, từ gia sư, buôn bán điện tử ở chợ Nhật Tảo… Gom góp được bao nhiêu tiền là tìm đến những khóa học ở các trường ĐH dân lập Kỹ thuật công nghệ, ĐH Tôn Đức Thắng, Trung học dân lập Công nghệ thông tin Sài Gòn... để học nghề điện tử, vi tính và tự nghiên cứu thêm bằng sách vở.

Phúc đã có buổi kiểm tra năng lực giảng dạy ở Viện Công nghệ viễn thông Sài Gòn. Với kiến thức và nghị lực, Phúc đã được thầy Hoàng, viện trưởng, giữ lại làm việc. Gần hai năm gắn bó, ông thầy “đa khớp” đã thật sự có nơi trau chuốt tay nghề. Năm 2007, thầy Phúc tự đứng ra mở trung tâm sửa chữa và bảo trì điện tử, cưu mang hàng chục học viên cơ nhỡ.

Hoài Phúc cười lạc quan: “Học viên có khả năng thì đóng góp, không thì học miễn phí. Số tiền học viên đóng cũng như khoản thu được nhờ công việc bảo trì, sửa chữa tôi phân bổ làm từ thiện. Tháng nào cũng thâm hụt, nhưng lòng cảm thấy vui vì được làm điều gì đó giúp đời”.

SƠN BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên