Những liệt sĩ quốc tế ở Việt Nam, Kỳ 4:
Đã 60 năm qua, câu chuyện về người lính Pháp vô danh này có lẽ đã đi vào quên lãng bởi những người cùng thời biết về ông nay cũng chỉ còn vài người, tuổi tác đã cao.
![]() |
Bia mộ của người lính Pháp vô danh - Ảnh: D.T.Hùng |
Kỳ 1:Vào rừng theo Việt MinhKỳ 2:Một người Nhật ở miệt vườnKỳ 3:Chiến Đấu và Quyết Thắng
Bộ hài cốt khác thường
Ông Võ Văn Chiểu, 79 tuổi, nguyên xã đoàn trưởng thanh niên 3, xã Mỹ Quý những năm 1955-1956, sau đó là bí thư chi bộ B xã Mỹ Quý, kể rành mạch: “Tôi biết có một nấm mộ người lính Pháp là do anh em các đơn vị đóng quân gần đó thường đi công tác chung báo lại rằng đó là một người lính Tây đi với mình đã hi sinh. Nấm mộ nằm ở khu đất nhà ông Hai Lũ, con thím Sáu Chứ hiện giờ (thuộc ấp 2, xã Mỹ Đông). Nấm mộ nằm ở vị trí đầu tiên trong một dãy tám nấm mộ của anh em chiến sĩ mình hi sinh trong một đợt tấn công của địch. Lúc đó việc chôn cất còn sơ sài, chỉ bọc trong tấm nóp (còn gọi là chiếc đệm đan bằng lác dùng trải ngủ) đặt xuống hố rồi lấp lại”.
Ông Chiểu cho biết đến năm 1955, chính quyền Ngô Đình Diệm làm con lộ từ Mỹ An đi Phong Mỹ (qua hai huyện Tháp Mười và Cao Lãnh, mé phải kênh Nguyễn Văn Tiếp ngày nay) ngang qua miếng đất chôn những nấm mộ nói trên. Người dân thấy vậy sợ lộ lấn mộ trôi xuống kênh nên lấy cốt dời vô trong. Ông Chiểu xác nhận: “Bữa lấy cốt tôi có tới coi và chỉ chỗ cho anh em đào. Cốt người lính Tây dễ biết lắm. Trời ơi, ống xương nào xương nấy thiệt dài, của người Việt mình chừng sáu, của ông tới mười. Tôi nhớ lại lời kể của anh em đơn vị trước đó nói mộ người Tây ở đầu liếp, sau đó mới tới người Việt, đào lên đúng y chang. Sau đó cũng dời luôn tám nấm mộ vô cạnh bờ tre trên đất ông Hai Lũ”.
Một trong số ít người biết chuyện về “ông Tây theo mình” còn có ông Nguyễn Văn Thanh (thường gọi ông Tám Sạnh ở ấp 2, xã Mỹ Đông), nay đã 89 tuổi. Ông Tám Sạnh vẫn còn minh mẫn, kể lại: “Mấy năm đó tôi nghe nói xóm mình có một ông Tây tham gia kháng chiến với bộ đội. Ông này lúc đó độ chừng 29-30 tuổi, người ốm, cao lêu nghêu, biết nói vài câu tiếng Việt trọ trẹ. Ông cũng mặc quần áo bộ đội mình, lưng mang balô hành quân, nhưng ngặt nỗi ống quần cao tới bắp chuối, chắc ông cao quá mà đồ mình thì khổ nhỏ. Ông thường đi vô xóm, hễ ông đi tới đâu là con nít bu lại rần rần tới đó, chắc chúng thấy ông cao lớn, da trắng, thấy lạ. Có lần tôi thấy ông ghé thăm trường học chơi với mấy đứa học trò. Ông vò đầu tụi nhỏ rồi cùng ăn mía với chúng nó, cùng cười giỡn rất vui vẻ”.
Năm 1992, trong một đợt quy tập hài cốt liệt sĩ, Ban thương binh - xã hội xã Mỹ Đông đã phát hiện hài cốt của người lính Pháp này nằm chung một dãy với bảy hài cốt của các chiến sĩ cách mạng, đúng như lời kể của ông Võ Văn Chiểu. Ông Trần Quốc Thanh (thường gọi Út Khả Năng), nguyên trưởng Ban thương binh - xã hội xã Mỹ Đông, kể lại: “Lúc bốc cốt lên mọi người nhận ra ngay của người lính Pháp bởi các lóng xương đều dài hơn so với bình thường. Đặt bộ hài cốt vào trong quách, của người Việt còn dư từ một tấc tới tấc hai, của ông Tây vừa khít, thiếu điều không lọt”. Ông Út Khả Năng cho hay theo lời kể của các đồng đội đi trước truyền miệng tới bây giờ, biết rằng đây là một người lính Pháp da trắng nên các anh em trong ngành thương binh xã hội đặt tên trên bia mộ là Pháp Trắng và đưa vào nghĩa trang liệt sĩ tới nay.
![]() |
Ngôi mộ của người lính Pháp (bên phải) nằm chung một dãy với bảy liệt sĩ cách mạng VN - Ảnh: D.T.Hùng |
Bí ẩn về một cái tên
Trong quá trình đi tìm hiểu về thân thế người lính Pháp này, chúng tôi luôn thắc mắc ông quê quán ở đâu, thuộc đơn vị nào của Pháp, tại sao lại thuộc “biên chế” của tiểu đoàn 311, hi sinh trong trường hợp nào và dấu hỏi lớn nhất vẫn là: tên ông là gì?
Ông Nguyễn Thái Dũng (nguyên giám đốc Sở Lao động - thương binh & xã hội tỉnh) cho biết việc này ông Tư Hữu (Nguyễn Thế Hữu, nguyên bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp) biết rất rõ. Bởi vì thời điểm năm 1948-1949 ông Tư Hữu là bí thư xã ủy Mỹ An (huyện Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho thời đó, bao gồm luôn các xã Mỹ Quý, Mỹ Đông hiện nay). Trước khi mất (năm 2008), năm nào ông cũng nhắc lại chuyện “người lính Tây” này.
Ông Thái Dũng kể: “Sở dĩ ông Tây có mặt ở chiến trường miền Tây này là vì ông tham gia một đội quân của Pháp, đi trên đoàn xe hành quân qua Cổ Cò trên quốc lộ 30. Đoàn xe bị lực lượng Việt Minh phục kích đánh chặn và bắt sống 18 tên, trong đó có ông. Các tù binh được giáo dục, phóng thích, nhưng với riêng ông Tây này bộ đội Việt Minh thấy ông có khả năng về sử dụng hệ thống điện đài, vô tuyến thông tin liên lạc nên giáo dục, thuyết phục ở lại phục vụ cho cách mạng. Ông Tây đã đồng ý ở lại và được đưa về tiểu đoàn 311, trung đoàn 115, cùng đóng quân ở chùa Ô Môi (xã Mỹ Đông hiện nay). Ông đã cùng ăn cùng ở, cùng làm, cùng chiến đấu với bộ đội, đặc biệt khả năng sử dụng vô tuyến điện đài của ông đã được phát huy rất tốt, phục vụ hiệu quả cho đơn vị.
Một lần, ông Tây đang rà sóng điện đài thì phát hiện tín hiệu của đối phương đang lên kế hoạch tấn công bộ đội đóng ở chùa Ô Môi. Ông theo dõi, phân tích rồi báo về ban chỉ huy trung đoàn. Nhờ biết trước kế hoạch này mà trung đoàn rút lui bảo vệ an toàn lực lượng. Ngoài ra, trong những đợt tấn công bằng máy bay, tàu chiến của đối phương, nhờ biết sử dụng điện đài mà ông Tây đã nắm được lịch trình di chuyển của đối phương, làm tham mưu cho ban chỉ huy dàn quân đón lõng. Nhờ đó mà không ít lần các đợt tấn công của địch bị bẻ gãy bất ngờ.
“Năm 1949 - ông Thái Dũng kể tiếp - trong một trận đụng độ với đối phương trên kênh Nguyễn Văn Tiếp, một trái bom nổ cạnh ban chỉ huy trung đoàn, ông Tây chết trong trận đó cùng các đồng đội Việt Minh của mình. Thi thể của ông cũng được đem chôn cùng những đồng đội ấy rồi sau này được bốc mộ cải táng vào nghĩa trang liệt sĩ. Năm 1992, khi lấy cốt ông Tây này, tôi có tham khảo ông Tư Hữu về việc đưa vào nghĩa trang. Ông Tư Hữu chỉ đạo rằng dù trước đó là đối phương, nhưng sau này đã theo mình phục vụ và hi sinh trong khi làm nhiệm vụ với mình thì cũng nên công nhận là liệt sĩ”.
___________________
Ở các nghĩa trang liệt sĩ vẫn còn đó những ngôi mộ liệt sĩ quốc tế chỉ có hai dòng thông tin ngắn ghi quốc tịch và năm hi sinh. Thế thôi. Việc tìm lại tiểu sử những liệt sĩ này không hề đơn giản.
Kỳ cuối: Những mộ bia còn trống
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận