22/06/2012 08:07 GMT+7

Ông Kẹo Kéo

TRẦN THỊ LẬP (Tây Sơn, Bình Định)
TRẦN THỊ LẬP (Tây Sơn, Bình Định)

AT - Kẹo kéo… kẹo kéo… đây! Càng kéo càng dài, càng vặn càng dai, càng nhai càng ngọt… nào… nào… Mua đi… mua đi…

hzGT8Hnu.jpgPhóng to
Minh họa: La Nguyễn Quốc Vinh

Đến bây giờ tôi vẫn không quên được tiếng rao ngọt ngào của ngày thơ bé ấy, một tiếng rao quyến rũ đến mê mẩn không chỉ riêng tôi mà là của tất cả những mảnh hồn thơ bé. Còn nhớ, cứ mỗi trưa đến, khi câu mời chào dẻo quánh ấy cất lên từ đầu xóm, như là bắt được tín hiệu, những tiếng bước chân lịch bịch của lũ trẻ ở khắp các ngóc ngách sẽ cùng túa đến bên ông Kẹo Kéo (cái tên thân thương mà lũ trẻ tự đặt cho ông bán kẹo).

Ông Kẹo Kéo khoảng chừng bốn mươi tuổi, trông rất chân chất quê mùa, đầu đội mũ lá, mặc bộ đồ vải sờn, mắt luôn mỉm cười. Ông đi xe đạp đã cũ kỹ lắm rồi. Đó là bây giờ tôi chợt hình dung lại, chứ ngày ấy, cái thu hút được mọi sự quan tâm của tôi là cái hộp gỗ phía sau xe đạp của ông, cái hộp gỗ mà theo tất cả chúng tôi hồi đó là chiếc hộp thần kỳ. Vì hộp nhỏ thôi nhưng chúng tôi muốn bao nhiêu kẹo cũng có, càng kéo càng dài.

Khi lũ trẻ đã xúm xít đông quanh xe, ông Kẹo Kéo mới dựng xe cẩn thận, mở hộp thần kỳ ra. Ông rất biết cách tạo cảm giác chờ đợi, thèm thuồng của chúng tôi về cái thứ kẹo ngọt lịm đó, nên mọi hoạt động của ông không vội. Hai tay ông nhẹ nhàng bóc lớp vải phủ ra, chậm rãi chậm rãi, để lộ dần ra cái thứ vàng óng có sức cám dỗ mê hoặc. Và ông bắt đầu những động tác thật mềm mại, đầy “ảo thuật” của mình. Những tờ tiền 500 tới tấp chìa ra. Lần lượt những sợi kẹo đều, óng bắt đầu được kéo ra, to nhỏ ngắn dài tùy theo mức tiền mua. Nhiều lúc chúng tôi cứ mong có nhiều người mua để được xem đôi bàn tay kéo kẹo đầy điệu nghệ của ông. Chúng tôi ngưỡng mộ vì chỉ có mình ông là kéo được kẹo cho chúng tôi.

Tôi nhớ, có lần thấy chúng tôi nhìn với vẻ ngưỡng mộ ông Kẹo Kéo, chú Tám tôi cười bảo, đúng là lũ trẻ, có gì đâu mà trầm trồ dữ vậy, ai mà chả làm được. Chúng tôi không tin và chú đã xin phép ông Kẹo Kéo làm thử. Ông mỉm cười đồng ý. Cứ tưởng là dễ, nhưng thật ra người không có nghề không thể kéo được, vì nghệ thuật là phải kéo sao cho những viên nhân lạc lần lượt ra theo độ dài của cây kẹo. Chú Tám lắc đầu chịu thua, và sự ngưỡng mộ của chúng tôi dành cho ông Kẹo Kéo càng nhiều hơn nữa.

Ông Kẹo Kéo đã trở nên thân quen với chúng tôi vào mỗi buổi trưa hè. Trưa nào mà chưa nghe tiếng rao ấy, chúng tôi cứ cảm giác thiếu thiếu một cái gì đấy, khó chịu lắm, cứ đi ra đi vào cố gắng lắng nghe. Và những lúc như vậy, chúng tôi có nhiều thời gian nghĩ về ông nhiều hơn. Chúng tôi phát hiện ra, hình như chỉ có ông Kẹo Kéo, chứ chưa thấy có bà kẹo kéo nào.

Bán kẹo kéo có lẽ không phải là nghề cho người ta mưu cầu sự giàu có, vì tôi thấy những người đàn ông bán kẹo vẫn luôn mặc bộ đồ cũ kỹ đều đặn ngày lại ngày. Và chúng tôi ăn kẹo cũng không phải để lấy no mà như một phần của thói quen, để nhấm nháp vị ngọt trôi qua đầu lưỡi của từng cây kẹo vàng óng ánh.

Giờ lớn lên, đi nhiều nơi, tôi vẫn không tìm đâu ra những người bán kẹo kéo nữa. Có chăng chỉ là vài thanh niên hát dạo bán kẹo với bộ ampli, một micro. Một em hát những bản nhạc thị trường xập xình, em khác mời bà con xung quanh mua kẹo ủng hộ. Cây kẹo được bọc sẵn trong bì nilông chào hàng với giá 1.000 đồng một cây.

Lâu rồi không ăn kẹo kéo, không được nhìn những đôi bàn tay nghệ thuật kéo từng cây kẹo vàng óng, tôi chợt thấy thèm đến nao lòng cái hương vị tê tê nơi đầu lưỡi. Mua ủng hộ hai cây kẹo, bóc hết lớp bì nilông, tôi chưa ăn vội, ngắm nhìn cây kẹo như mong đợi một điều gì đấy thân quen lắm…

“Bụp”, tiếng kẹo gãy giòn tan khi răng tôi chạm vào cây kẹo. Kẹo cứng ngắt, khô rang, chứ không còn gây được cảm giác tê tê quấn vào răng, và vị ngọt thanh đọng mãi nơi đầu lưỡi ngày nào. Cảm giác buồn buồn, hụt hẫng, mong đợi tan đi đâu mất, như rơi vào khoảng không xa lắc... Ôi, nhớ quá, cái cảm giác ngọt lịm và mềm mại ngày nào. Và chợt thấy tiếc cho trẻ em bây giờ. Chắc không bao giờ chúng hình dung ra được có thứ kẹo nào mà lại có thể kéo dài ra bao nhiêu cũng được. Không bao giờ chúng biết được cái cảm giác mong chờ tiếng rao dẻo quẹo và mong chờ được thưởng thức vị ngọt lịm của kẹo vào những buổi trưa nông thôn…

Mỗi người lớn lên đều đã trải qua một thời thơ bé thơ ngây. Và rồi có một lúc nào đó chợt nhận ra tâm hồn mình đã trở nên già cỗi, cảm thấy trống vắng như thiếu thiếu một cái gì đó thân quen lắm, để rồi lại thầm ao ước trở về với thời thơ ấu không vướng bận lo âu. Như bây giờ đây, tôi thấy nhớ lắm và thèm lắm một lần nữa được nghe tiếng rao bán kẹo kéo ấy, để được cầm tờ tiền tranh nhau mua với lũ trẻ khác. Nhưng đã đi qua bao ngõ hẻm, tiếng rao của ông kẹo kéo rất riêng ngày nào không tìm đâu ra nữa. Chỉ còn trong tôi cái ngọt lịm của kẹo, từ bao giờ đã trở thành cái ngọt lịm của ký ức…

O3vSGgdI.jpgPhóng toÁo Trắngsố 11 ra ngày 15/06/2012hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

TRẦN THỊ LẬP (Tây Sơn, Bình Định)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: kẹo kéo Tuổi thơ