Phóng to |
Ông Hoàng Ngọc Hiến - Ảnh: Nguyễn Đình Toán |
Vậy là người nói đó lại phải có một từ trường tư duy mạnh, một lực đúc kết, khái quát hóa cao khiến một câu nói quen thuộc, bình thường, phát ra từ trong từ trường đó chinh phục được người nghe, tìm được sự đồng thuận cao và được đám đông nhất trí sử dụng theo hàm nghĩa mới.
Người nói “Cái nước mình nó thế” là ông Hoàng Ngọc Hiến. Ông Hiến là ai mà phát ngôn được vậy? Ông Hiến trước hết là một nhà nghiên cứu văn học. Ông sinh năm 1930, quê Hà Tĩnh, đi Liên Xô làm tiến sĩ ngữ văn về thơ Maiakovsky từ đầu thập niên 1960, về nước dạy học và bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu của mình, trước là về văn học, sau là mở rộng sang văn hóa mà thực chất hướng nghiên cứu của ông là những vấn đề văn hóa - tư tưởng ở bình diện triết lý, triết học.
Đi vào cái nghề chữ nghĩa văn chương văn hóa này ông xác định rõ cách thức mình làm bằng hai chữ: đích đáng. Người nghiên cứu là người biết tìm ra vấn đề đích đáng, gọi tên nó ra bằng những từ đích đáng, viết về nó một cách đích đáng để tác động đến người nhận với hiệu quả đích đáng. Và ông đã làm được thế, nổi danh vì thế và cũng khổ sở do thế.
Năm 1979, trong một bài viết trên báo Văn Nghệ, ông đưa ra cụm từ “chủ nghĩa hiện thực phải đạo” để chỉ một đặc điểm của văn học nghệ thuật nước nhà trong giai đoạn trước đó. Bài viết rất sắc sảo và thẳng thắn, và tên gọi định danh một giai đoạn “chủ nghĩa hiện thực phải đạo” hay quá, đúng quá, lập tức lan rộng truyền sâu trong giới văn chương học thuật trong và ngoài nước.
Cũng lập tức ông bị phê phán quyết liệt, bị đấu tranh dữ dội. Nhưng thời gian đã chứng minh sức sống và giá trị cái tên gọi ông đưa ra cũng như thực chất hiện tượng ông gọi tên.
Hoàng Ngọc Hiến quả biết đúc kết đích đáng các hiện tượng, sự vật để nắm bắt chính xác bản chất của chúng và giúp găm chúng vào đầu người. Ông nói về người quê mình: “Dân Nghệ cái gì cũng biết, trừ hạnh phúc”. Ông nói về một kiểu nhà nghiên cứu nhai lại: “Con tằm ăn dâu nhả ra tơ, anh ta ăn dâu lại nhả ra dâu”. Từ nay ông không còn nhưng các câu nói đó còn lại cho ông mãi.
Còn lại mãi cho Hoàng Ngọc Hiến nữa là Trường viết văn Nguyễn Du. Ngôi trường do ông vạch đề án thành lập, phác thảo chương trình giảng dạy và trực tiếp làm hiệu trưởng từ năm đầu thành lập (1979) đã là cái nôi, cái lò ấp cho nhiều lứa nhà văn học tập và trưởng thành để hiện nay vẫn đang là lực lượng nòng cốt cho văn học nước nhà.
Vào Trường viết văn Nguyễn Du học văn hóa, học kiến văn, học tri thức, nhưng trên hết, và trước hết người thầy Hoàng Ngọc Hiến muốn truyền tải và trao gửi cho các nhà văn tinh thần sáng tạo chủ động, độc lập, niềm khao khát được học và được viết hết mình. 30 năm trôi qua, nhiều tên tuổi văn chương từ ngôi trường viết văn đã tỏa sáng trên bầu trời văn chương đất nước, với họ thầy Hiến luôn là người thầy, người đồng nghiệp biết sẻ chia và gắn bó trên con đường chữ nghĩa dằng dặc, cam go.
Bây giờ ngôi trường ấy đã thu lại thành một khoa trong Đại học Văn hóa Hà Nội, nhưng dù là quy mô khoa hay trường, tên tuổi thầy Hoàng Ngọc Hiến vẫn là niềm tự hào và biết ơn cho các lớp học trò đã học ông và dẫu không còn được học ông. Ông mất nhưng sự nghiệp trồng người của ông ở các thế hệ nhà văn đã và đang tỏa cành xanh lá.
Tuổi 80, ông Hiến không chịu đựng nổi một cơn mổ nặng và sau gần một tháng hôn mê, ông im lặng về cõi vĩnh hằng để lại dang dở những nghĩ suy về một Minh triết Việt Nam mà ông mới bắt tay vào nghiên cứu. Trí tuệ ông là vậy, luôn ham mê cái mới, luôn vận động tìm kiếm, luôn đặt ra câu hỏi và thử đưa ra câu trả lời.
Người biết hỏi là người biết sống với hiện tại. Tôi tin là khi thốt lên “Cái nước mình nó thế” là ông đau đớn, xót thương nhiều lắm cho xứ sở mình, là ông mong mỏi, ước muốn nhiều lắm cho nhân dân mình. Câu nói đó từ khi mang bản quyền ông là đã mang theo cả tinh chất và tính chất Hoàng Ngọc Hiến. Như thế, ông vẫn đồng hành cùng chúng ta trong cuộc sống này của đất nước mình. Ông Hiến đã hóa người hiền trong cõi nhân thế Việt Nam.
“Ông ấy đem theo phê bình văn học Việt Nam đi rồi. Còn ai thao thức với văn chương nước nhà nữa đây. Khổ thân quá. Thế là lão bắt đầu làm chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội bằng sự kiện cái chết của một người bạn lớn. Liệu mà làm đấy, gã đầu bạc. Không được phải đạo!” - nhà nghiên cứu phê bình Nguyễn Thị Minh Thái đã nhắn tin cho tôi như vậy khi biết tin ông Hoàng Ngọc Hiến qua đời.
Nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến từ trần Nhà giáo - nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến đã từ trần lúc 23g ngày 24-1-2011 trong cái giá lạnh tê buốt của Hà Nội sau một thời gian dài chống chọi với tuổi già và bệnh tim, thọ 81 tuổi. Ông sinh ngày 21-7-1930 tại Nam Định, quê gốc ở Đức Thọ, Hà Tĩnh. Gia đình ông vừa Tây học vừa Hán học nên ông lĩnh hội được tinh thần của cả hai nền văn minh. Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ văn học tại trường đại học danh giá nhất của Liên Xô lúc bấy giờ là Đại học tổng hợp quốc gia Matxcơva, ông về nước và giảng dạy tại Đại học Sư phạm Vinh, Đại học Văn hóa, Trường viết văn Nguyễn Du. Ông xuất bản không nhiều tác phẩm, nhưng những nghiên cứu, khảo luận và sách dịch của ông đều rất có giá trị trong từng thời điểm đối với lý luận văn học VN. Các tác phẩm chính đã in gồm: Ngọn gió thổi những chiếc lá bay qua đại dương (bút ký), Maiakovxky - con người, cuộc đời và thơ; Maiakovxky - hài kịch; Văn học Xô viết đương đại; Văn học và học văn và các tác phẩm dịch: Xác lập cơ sở cho đạo đức, bàn về tính hiệu quả; Minh triết phương Đông và triết học phương Tây (đều dịch từ tác phẩm của Francoise Jullien). Lễ viếng bắt đầu từ 12g30-13g30 ngày 28-1-2011 tại 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, an táng cùng ngày. TH.H. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận