![]() |
Cựu ngoại trưởng Taro Aso họp báo sáng 2-9 - Ảnh: Reuters |
Quyết định của Thủ tướng Fukuda cũng khiến giới kinh doanh ở Nhật tức giận. Chỉ số Nikkei rớt khoảng 1,8% do các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại biến động sau sự kiện này. Theo Japan Times, nhiều lãnh đạo tập đoàn thậm chí kêu gọi chuyển giao quyền lực khỏi liên minh cầm quyền do Đảng Dân chủ tự do (LDP) đứng đầu.
Ông Fukuda ra đi đột ngột như người tiền nhiệm Shinzo Abe cách đây chưa đầy một năm. Giới doanh nhân Nhật khi đó hi vọng sẽ có một cuộc cải cách toàn diện dưới thời của ông Fukuda. Thật ra kể từ khi giành chiến thắng tháng 7-2007, đảng DPJ nắm được quyền kiểm soát thượng viện, gây tình trạng chia rẽ và tê liệt trong việc thông qua các dự luật mới nên chính quyền của Fukuda đã không thể thúc đẩy được cải cách.
Một số phân tích cho rằng việc ra đi của ông Fukuda đã có những tác động từ chính nội bộ LDP và vấn đề chỉ còn là thời điểm. Theo Yomiuri Shimbun, nhiều thành viên trong liên minh cầm quyền hiện tại lo ngại liên minh LDP-Komeito sẽ lại gặp thất bại trong cuộc tổng tuyển cử tháng chín năm tới nếu ông Fukuda tiếp tục nắm chức thủ tướng.
Hiện tại nhân vật số 2 của LDP, tổng thư ký Taro Aso được coi nhiều khả năng sẽ thay thế ông Fukuda. Cựu ngoại trưởng Taro Aso trong sáng 2-9 cũng tuyên bố sẵn sàng tham gia tranh cử chức chủ tịch LDP ngày 22-9. Các ứng viên khác được nhắc đến là cựu bộ trưởng quốc phòng Yuriko Koike và Bộ trưởng Kinh tế Kaoru Yosano.
Các nhà phân tích nói thủ tướng mới cũng sẽ đối mặt với các vấn đề tương tự như ông Fukuda trước tình hình bế tắc tại quốc hội cùng với bộ máy chính trị già cỗi và dính quá nhiều bê bối của đảng cầm quyền. Nhiều người cho rằng bầu cử sớm sẽ được tiến hành ngay khi đảng cầm quyền thấy niềm tin của cử tri được phục hồi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận