22/05/2005 12:32 GMT+7

"Ông đồ" guitar tuổi 20

NHẬT LINH
NHẬT LINH

TTCN - Với chủ nhiệm CLB Guitar cổ điển Hà Nội Nguyễn Phương Hà (một trong mười cây guitar xuất sắc nhất tại Đại nhạc hội guitar toàn quốc lần 1, lứa tuổi 16-30), 13 năm học guitar cổ điển tại Nhạc viện Hà Nội đủ để hiểu được nỗi cực, sự bế tắc của một người trẻ đam mê guitar cổ điển, nhưng Hà quyết bứt phá để tiếng đàn của mình sẽ không còn xa lạ với công chúng trẻ.

NJpQhUyE.jpgPhóng to
TTCN - Với chủ nhiệm CLB Guitar cổ điển Hà Nội Nguyễn Phương Hà (một trong mười cây guitar xuất sắc nhất tại Đại nhạc hội guitar toàn quốc lần 1, lứa tuổi 16-30), 13 năm học guitar cổ điển tại Nhạc viện Hà Nội đủ để hiểu được nỗi cực, sự bế tắc của một người trẻ đam mê guitar cổ điển, nhưng Hà quyết bứt phá để tiếng đàn của mình sẽ không còn xa lạ với công chúng trẻ.

Hà đã khiến rất nhiều người ngạc nhiên vì một chàng trai trẻ lại tổ chức thành công một show guitar từ thiện xuyên các trường đại học ở Hà Nội thời gian qua để ủng hộ nạn nhân chất độc da cam. Sắp tới, Hà lại tiếp tục làm một show dài hơi hơn - xuyên các trường ĐH ở miền Bắc với mục đích đưa guitar cổ điển đến với sinh viên một cách rộng rãi.

Chín đêm diễn qua chín trường đại học và đêm tổng kết tại Cung Việt - Xô của show “Guitar xoa dịu nỗi đau chiến tranh” có lẽ là những đêm nhạc khó quên với sinh viên thủ đô. Những tiếng vỗ tay, những lời hát cùng tiếng đàn cho đến phút cuối của các đêm diễn và có rất ít khán giả về giữa chừng quả là điều hiếm thấy ở các chương trình “không mất tiền” tại các giảng đường. Đã lâu sinh viên thủ đô mới có dịp thưởng thức những đêm nhạc chuyên nghiệp và chính thống như thế và chính những đêm nhạc ấy đã xóa đi phần nào khoảng cách giữa lớp trẻ với nhạc cổ điển.

TiZ2T4if.jpgPhóng to
Tiếng đàn của Nguyễn Phương Hà bình tĩnh và già hơn tuổi, điêu luyện trong sự biến tấu độc đáo của thanh âm guitar ở các tác phẩm mang tính học thuật. Từ Bèo dạt mây trôi khắc khoải đến Hồi tưởng Tây nguyên hoang dã, Serenata Espanola lại bâng khuâng, thế rồi tiếng đàn lại da diết và trả khán giả về đồng quê VN với Người ở đừng về trong cùng một đêm diễn.

Ngay từ đầu, Hà đã thấy trách nhiệm của mình với một chương trình quá lớn: “Một ngày chạy xe máy tính sơ sơ gần trăm cây số quanh các trường để liên hệ chỉ là… chuyện vặt, cái chính là vai trò của một guitar độc tấu duy nhất của chương trình, nếu để sơ sẩy khán giả sẽ quay lưng lại, khi đó không chỉ nhục nghề mà còn làm tổn thương ý nghĩa đẹp của chương trình – đó mới là chuyện đáng nói.

Vì vậy, đêm diễn nào khi đã ngồi ôm guitar thì tôi chỉ biết “phiêu” theo tiếng đàn như nhập vào một thế giới khác. Đến phút cuối cùng khi tiếng vỗ tay vang lên, nhìn xuống thấy khán giả vẫn đông, tôi mới tự tin mà nói rằng đêm diễn đã thành công và lại chuẩn bị chịu áp lực tiếp với đêm diễn tới...”.

* Đến giờ này, khi số tiền ủng hộ nạn nhân chất độc da cam qua các đêm diễn đó đã được trao cho Hội Chữ thập đỏ Hà Nội chuyển đến các nạn nhân, nhìn lại bạn có thấy mình đã quá liều mạng khi ôm một chương trình nặng như thế và đòi hỏi nhiều kiên nhẫn đến thế?

- Nói tự tin thì đúng hơn. Với sinh viên, có thể âm nhạc cổ điển vẫn còn là một điều gì đó khó hiểu, nhưng cây đàn guitar lại là một người bạn gần gũi có thể cất lên những tâm sự của họ. Vấn đề là phải biết dùng chính “người bạn” ấy để giúp sinh viên hiểu hơn vẻ đẹp của nhạc cổ điển. Khi tôi lập đề án chương trình, đa số nghệ sĩ guitar đều ủng hộ.

CLB guitar cổ điển Hà Nội chúng tôi luôn coi trọng việc hướng dẫn thẩm mỹ âm nhạc cho sinh viên và đưa guitar cổ điển gần gũi hơn với đời sống sinh viên, nên chúng tôi thường xuyên biểu diễn miễn phí ở các trường ĐH. Chính vì thế, một chương trình có ý nghĩa, có thể tìm sự đồng cảm như các đêm guitar ủng hộ nạn nhân chất độc da cam chắc chắn được các bạn sinh viên nhiệt tình tham gia. Với các chương trình như thế, các thành viên trong CLB của chúng tôi luôn luôn sẵn sàng: 10 đêm chứ 20 đêm chúng tôi cũng có thể biểu diễn được.

* Bạn có tin rằng tiếng đàn guitar cổ điển sẽ không thể thiếu trong đời sống sinh viên và trí thức trẻ Hà Nội?

- Những người xây dựng CLB guitar Hà Nội như nghệ sĩ Hải Thoại, nghệ sĩ Phạm Văn Phúc đã xác định ngay từ đầu: trong đời sống tinh thần của giới trí thức không thể thiếu nhạc hàn lâm và họ đã kiên trì làm công việc giáo dục thẩm mỹ âm nhạc cho sinh viên nhiều năm qua.

Là một CLB phi lợi nhuận, hoạt động của chúng tôi chỉ nhằm tổ chức biểu diễn, đẩy mạnh phong trào guitar tại Hà Nội, cố gắng duy trì một góc guitar cổ điển trong đời sống âm nhạc thủ đô. Tiếc là CLB của chúng tôi không có kinh phí để tổ chức biểu diễn nhiều hơn, thường xuyên hơn. Anh em chúng tôi phải bù lỗ ở một số đêm diễn nhưng rồi bằng mọi mối quan hệ, chúng tôi vẫn quyết tâm liệu cơm gắp mắm.

Hiện tại CLB chúng tôi có 85 thành viên, hầu hết tuổi đời dưới 30, mỗi tháng sinh hoạt một lần theo các chủ đề; tất cả đến đây bằng tình yêu cây đàn guitar và tìm thấy niềm vui ở đó. Chúng tôi đã bắt tay nhau để làm mọi cách đưa tiếng đàn đến với sinh viên một cách hiệu quả nhất và chúng tôi tin tưởng sẽ có một ngày tất cả sinh viên Hà Nội đều hiểu và yêu thích nhạc cổ điển.

* Với tư cách chủ nhiệm CLB, bạn đang và sẽ làm gì để có được điều đó?

-Tôi làm chủ nhiệm mới được một năm khi CLB tưởng chừng không hoạt động được nữa. Ý tưởng thì nhiều nhưng hiện tại những việc làm được là tổ chức các chương trình biểu diễn, xây dựng một CLB guitar của Đại học Bách khoa như một lớp học cộng đồng miễn phí với 70 thành viên. Ở lớp này, một tuần tôi dạy một buổi, các bạn sinh viên đam mê lắm, học rất chủ động và sáng tạo, thậm chí tìm được bản nhạc nào mới và độc đáo họ trao đổi cùng nhau trong các lần tập.

Bên cạnh đó tôi phụ trách dạy tám lớp học tại nhà, mỗi lớp khoảng 10 thành viên, mỗi tháng phát 40 thẻ miễn phí và phụ trách một lớp chuyên sâu ở Nhạc viện Hà Nội. Lịch dạy của tôi kín cả tuần, thậm chí thời gian đi bơi cũng chẳng còn, nhưng bù lại tôi thấy vui vì mình đang làm một việc cần phải làm.

* Bên cạnh niềm vui đó, có chút buồn nào về chuyện cơm áo của những nghệ sĩ trẻ tâm huyết với guitar cổ điển?

- Chúng tôi thường nói đùa với nhau rằng CLB của mình vui vì… đánh đàn không ra tiền, mà làm chương trình bán vé thì mấy ai mua vé cả trong khi mất bao nhiêu năm theo học ở trường, khổ luyện là thế... Nghĩ cũng tủi. Nhưng thôi, đã mang cái nghiệp vào thân rồi, nếu thực trạng chưa khá hơn được thì hãy tìm niềm vui bằng cách mang lại niềm vui cho người khác như cách CLB chúng tôi đang làm.

Đó cũng là một hạnh phúc. Bạn bè tôi có người phải bỏ nghề, có người phải đi đánh đàn kiếm sống ở các nhà hàng nhưng lại không được chơi guitar dù đã nhiều năm gắn bó với nó. Tương lai của guitar cổ điển xứ ta xem ra còn mờ mịt lắm, chúng tôi dường như không có lối thoát.

Riêng tôi thì hơi bảo thủ trong việc giữ “đạo đàn”, dù mai này thế nào chưa biết nhưng chắc chắn đi đánh đàn ở nhà hàng thì không. Bao nhiêu thời gian và công sức mới tập thuần thục được một bài guitar cổ điển, hình như tôi quá yêu tiếng đàn của mình rồi nên không thể làm khác được!

NHẬT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên