Ông Triệu Tuấn nhìn màu khói trên lò nung - Ảnh: VŨ TOÀN
Từ vai trò đạo diễn với các bộ phim Giã từ tội lỗi (1996), Chốn quê (1997), Gió qua miền tối sáng (1998), Lập nghiệp (1999) và Rừng chắn cát (2011)... ông Triệu Tuấn, 65 tuổi, trở thành cán bộ phụ trách kỹ thuật của nhà máy than hoạt tính mang tên ông.
Nhà máy rộng 1,5ha trong cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp thuộc địa bàn xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Nguyên liệu để sản xuất than hoạt tính là mùn cưa và phế liệu gỗ từ các làng nghề mộc.
Là đạo diễn tại Trung tâm sản xuất Đài truyền hình Việt Nam, nay về hưu ông chuyển hướng làm kinh tế bằng nghề sản xuất than hoạt tính.
Ông nói: "Tôi đủ sức cạnh tranh với các cơ sở sản xuất than hoạt tính ở Trung Quốc. Tôi đã xuất khẩu sản phẩm sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Kuwait, Canada và Mỹ".
Ông Tuấn cho biết thêm: "Nung than hoạt tính cũng giống như nấu cơm. Lửa non thì cơm sượng. Lửa già thì cơm khê. Lệch lửa thì cơm vừa nhão vừa sống. Nhưng nấu một nồi cơm chỉ mất mấy chục phút, còn nung một lò than mất mấy chục ngày. Có lò 18 ngày nung đã chín. Có lò phải 25 ngày mới chín".
Vì thế sau khi lò nung bén lửa, ông Tuấn phải thường trực lò suốt ngày đêm để khoảng hai giờ thì phải nhìn và ngửi khói một lần.
Ông kể tiếp: "Khi nhìn thấy sức lan tỏa của khói màu trắng, trắng nhạt, vàng, nâu nhạt, xanh rồi ngửi thấy mùi thơm, mùi khét, mùi ngai ngái và bàn tay cảm nhận độ nóng của lò nung là biết than đang ở "tuổi" nào, đã chín, đang sống hay đã hỏng".
Để có kinh nghiệm đó, ông Tuấn phải mất hai năm ròng trải nghiệm với học phí tiền tỉ.
Năm 2008, trong đợt sang Thượng Hải chọn cảnh cho bộ phim truyện nhựa Vượt qua bến Thượng Hải, ông có dịp đến nhiều làng nghề nổi tiếng ở Trung Quốc và bén duyên với các nhà máy sản xuất than hoạt tính từ mùn cưa và phế liệu gỗ.
Nghĩ mùn cưa từ nhiều làng nghề mộc ở Việt Nam bị đốt bỏ rất lãng phí trong lúc than hoạt tính là một dạng năng lượng tái tạo đang được cần đến bởi các công dụng lọc bỏ độc tố, lọc nước, lọc không khí, hỗ trợ tiêu hóa, giải độc, giảm lượng cholesterol... nên ông tìm hiểu kỹ về quy trình sản xuất than hoạt tính, giá cả các dây chuyền làm nên nhà máy rồi quyết định đặt cọc mua thiết bị máy móc và thuê thợ kỹ thuật sang vận hành, chuyển giao nghề.
Bà kanaee Aoki, tổng giám đốc Công ty nhập khẩu Nhật Bản (JIC), cho biết: "Công ty JIC nhập than hoạt tính của ông Tuấn đã bảy năm. Giờ có dịp sang Việt Nam là tôi đến thăm vợ chồng ông Tuấn chứ không cần kiểm tra chất lượng sản phẩm nữa.
Mẫu bao bì do chúng tôi gửi sang có cả chữ "Made in Việt Nam", ông Tuấn chỉ cần in trên bao bì, đóng hàng và chuyển xuống tàu biển là chúng tôi gửi tiền qua tài khoản ngay. Chúng tôi đang mong nhà máy ông Tuấn có thêm nhiều than để có thể nhập 3.000 tấn/năm".
Ông Tuấn cho biết với 40 lò nung hiện tại cho 600-700 tấn than hoạt tính/năm, nhà máy của ông thuộc cỡ lớn nhất miền Bắc nhưng với đặt hàng của bà Aoki thì ông chưa dám nhận lời.
Đạo diễn Triệu Tuấn quan niệm "nghề đạo diễn là nghiệp trọn đời", còn nghề làm than xuất khẩu là để dưỡng già. Với riêng ông, hai nghề này có duyên nợ với nhau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận