16/09/2011 08:05 GMT+7

"Ông chú" bên chồng

DinhThang
DinhThang

TTC - “Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng”. Không biết tự bao giờ câu nói ấy lại trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều người, nhất là các cô gái sắp về nhà chồng.

Điều này vô hình trung đã khiến cho các cô dâu quan niệm rằng sẽ thoải mái hơn khi sống chung một mái nhà với những “ông chú” bên chồng. Nhưng thực tế hoàn toàn không phải như vậy.

<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

EyKXh9Hd.jpgPhóng to

Yêu nhau 5 năm trời, lăn lóc từ nhà trọ này sang nhà trọ khác, chị Đinh Thái Vân (phường Hiệp Thành, quận 12) mới quyết định lấy chồng khi cùng người yêu dành đủ tiền mua được một căn nhà như mơ ước. Chưa kịp vui được bao lâu thì chị Vân phải liên tục phiền lòng khi có cậu em chồng dưới quê lên chung sống.

Lúc đầu, cảm giác có hơi bất tiện vì nhà quá chật nhưng chị nghĩ: thôi thì “ăn nhiều chứ ở bao nhiêu”. Dù bận rộn công việc cơ quan chị vẫn cố gắng thu xếp việc nhà thật tốt, nhưng chị nào đâu phải có trăm tay. Cơ quan cách nhà gần 20km. Ngày nào hết giờ làm chị cũng phải “đua tốc độ” để về kịp lo cơm nước. Nhiều hôm kẹt xe, tắc đường, về tới nhà đã hơn 6 giờ tối, không kịp thay quần áo, chị một tay bồng con, một tay nấu cơm trong khi cậu em chồng đang bận... chơi game từ 4g30.

Là nhân viên ngân hàng, thu nhập cũng khá, nhưng ở với anh chị ngót hai năm, cậu em này không những chẳng hề chia sẻ một khoản chi tiêu nào với chị mà còn khiến chị phải tá hỏa mỗi khi nhìn vào hóa đơn tiền điện mỗi tháng (gần 500.000 đồng) bởi ngày nào cậu cũng luyện game đến gần 2 giờ sáng.

Chị Lâm Vân Dung (giáo viên Sử ở quận 10) thì chỉ biết chép miệng mỗi khi nhắc đến cậu em chồng: “Là thầy giáo hẳn hoi mà sao cậu ta bê bối thế” - chị than thở. Quần áo cậu ấy mặc cả một tuần không giặt, lại còn vứt lung tung khắp nhà, chỗ nào cũng có.

Ngày nào chị để phần cơm hay bất cứ món ngon gì cho “chú” thì lại phải lục đục đi dọn rửa sau khi “chú” dùng xong. Có lúc giận quá, chị để mặc thì y như rằng mấy ngày sau, cái tô hay đôi đũa ấy vẫn nằm nguyên một chỗ với bao nhiêu là mốc meo và sực nức mùi chua. Sợ các con bắt chước chú, chị nhẹ nhàng nhờ chồng nhắc nhở giùm thì lập tức bị trách móc: “Ba cái việc cỏn con, cô làm có chết ai. Chú ấy là đàn ông con trai, ai lại...”.

Chị Phùng Thị Loan (nhân viên phòng thuế) thì thường xuyên phải đi “lánh nạn” vào các ngày nghỉ cuối tuần. Đơn giản chỉ vì một tháng đôi ba lần, cậu em chồng lại kéo đám bạn công ty về nhà lai rai giải trí. Hôm đầu tiên, thấy “ông chú” đưa các đồng nghiệp đi tham quan mọi nơi trong nhà với điệu bộ rất giống chủ nhà chị đã thấy không vui.

Càng ngày chị lại càng thấy khó chịu mỗi khi mời bạn đến, “ông chú” xem như không có anh chị ở nhà, tự tung tự tác mọi thứ. Ăn uống xong lại mở karaoke hát hò đến tận khuya. Khéo léo nhắc nhở em không xong, chị phiền lòng điện về quê “thẽ thọt” với mẹ chồng, mong cụ nói hộ chú ấy một tiếng, thế là bị cụ dỗi: “Tôi không có phúc có phần, để con trai phải ăn nhờ ở đậu như thế. Thôi để tôi bảo nó thuê lấy cái phòng mà ở riêng, khỏi động chạm ai”. Sợ chồng buồn, lo mẹ chồng xách mé, chị làm ngơ cho qua chuyện mà trong lòng chỉ mong “chú” mau lấy vợ, nếu không chị còn phải đi “lánh nạn” dài dài.

Những câu chuyện tưởng chừng hết sức đơn giản ấy lại khiến không ít chị em đau đầu vì không có cách nào giải quyết cho “trong ấm ngoài êm”. Thôi thì họ chỉ biết nhìn nhau mà than ngắn thở dài: “Chú em chồng... liệu có bằng giặc bên Ngô?”.

KIM CHUNG (TP.HCM)

165B3UqG.jpgPhóng to

Tuổi Trẻ Cười số 435 (01-09-2011) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái!

DinhThang
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên