13/10/2013 04:30 GMT+7

"Ông bụt" làm thuê

Ông Nguyễn Văn Út (chủ tịch UBND xã Phú Mỹ, huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre) 
Ông Nguyễn Văn Út (chủ tịch UBND xã Phú Mỹ, huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre) 

TT - Sinh ra trong một gia đình khó khăn, lại mồ côi nên ông Lê Văn Ý (74 tuổi, ngụ xã Phú Mỹ, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre) phải bỏ học giữa chừng. Sau này lớn lên ông thấm thía cái khó, cái khổ vì không được đi học đàng hoàng.

“Ông bụt” của người nghèo

fsSdftD5.jpgPhóng to
Ông Lê Văn Ý bên đứa cháu mà ông mới nhận chu cấp để được đi học - Ảnh: Trường Giang

Rời quân ngũ sau khi hòa bình lập lại với tỉ lệ thương tật vĩnh viễn tới 83%, thương binh Lê Văn Ý đã dành hầu hết thời gian để chăm lo cho những đứa trẻ nghèo không thể đến trường. Ông được người dân địa phương ví như là một “ông bụt” giữa đời thường. Hơn 30 năm nay ông đã một thân một mình chu cấp tiền học phí, mua sách vở, phương tiện đi lại cho nhiều học sinh nghèo từ tiểu học đến khi tốt nghiệp đại học ra trường.

Bọn trẻ thành tài như số độc đắc

"Điều mà tôi cảm thấy khâm phục ông Ý nhất là ông sống vì mọi người, không giữ lại một thứ gì cho mình hết. Tôi còn nhớ trước đây khi chính quyền địa phương muốn xây cho ông một ngôi nhà tình thương để ở nhưng ông không chịu mà nói rằng: “Mấy chú muốn xây nhà cho tui thì tui cảm ơn nhưng thật sự tui không cần nhà”"

Chạy quanh co một hồi trên những con đường làng ở ấp Mỹ Sơn Đông, xã Phú Mỹ, chúng tôi cũng đến được nhà của ông Lê Văn Ý. Đó là một ngôi nhà tình thương rộng chừng 35m2 hướng ra bờ sông Hàm Luông. Chính quyền địa phương phải đến vận động ba lần ông mới chịu nhận căn nhà này vì ông không muốn mang ơn Nhà nước. Bên trong ngôi nhà dường như không có gì đáng giá ngoài một chiếc radio cũ kỹ đặt trên đầu giường để theo dõi tin tức.

Nhắc tới chuyện học của bọn trẻ, mắt ông Ý sáng lên: “Tui chỉ nghĩ một chuyện thôi, bằng mọi giá phải để cho trẻ con được đi học tới nơi tới chốn. Không thể để tụi nhỏ thất học phải đi làm thuê làm mướn như những bậc cha chú đi trước”. Rồi ông cười khà nói: “Tui đã nuôi tám tờ vé số trong suốt hơn 20 năm. Cuối cùng có năm tờ tui trúng được lô nhỏ nhỏ, hai tờ trúng lô khá khá và một tờ trúng giải đặc biệt”. Thấy chúng tôi “ngẩn tò te” không hiểu, ông phá lên cười rồi giải thích: “Tám tờ vé số đó là tám đứa trẻ nghèo mà tui nuôi ăn học chứ có mua vé số đâu mà trúng. Mà tám đứa nhỏ thành đạt thì còn hơn trúng số nữa đấy chứ”.

Ông Ý kể về tám học trò nghèo mà ông cưu mang, nuôi dưỡng từ năm 1978 trở về sau. Trong đó, năm người tốt nghiệp THPT và hiện nay đã có công việc ổn định. Ba người còn lại đều tốt nghiệp đại học và có việc làm. Người mà ông cho rằng trúng số độc đắc là anh Nguyễn Văn Tài ở xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách (Bến Tre), hiện là giảng viên của Trường đại học Cần Thơ và đang học thạc sĩ tại Hàn Quốc.

Anh Tài tốt nghiệp ngành cơ khí tại Đại học Cần Thơ và được nhà trường ngỏ ý giữ lại làm giảng viên. Trong lúc phân vân không biết phải chọn hướng nào thì ông Ý khuyên hãy theo nghề giảng viên vì đó là nguyện vọng của ông. Nghe lời ông Ý, anh Tài quyết định chọn nghề giảng viên mà từ bỏ những lời mời của các doanh nghiệp với mức lương hậu hĩnh. Ông Ý cười tươi: “Thằng Tài nó có hiếu lắm. Thật không uổng công tui nuôi nó ăn học. Bây giờ tui mong nó sẽ là một giảng viên giỏi để đào tạo nhân tài cho đất nước sau này. Tui thấy mãn nguyện về điều đó lắm”.

Những người được ông Ý cưu mang, giúp đỡ ăn học thành tài đều có nguyện vọng gửi tiền phụng dưỡng, giúp đỡ ông nhưng đều bị ông từ chối. Ông nói thẳng: “Các con hãy đem tiền đó giúp những đứa trẻ nghèo khác để chúng có cơ hội đến trường”. Ông bảo ông thích cuộc sống đạm bạc và tận hưởng hạnh phúc từ việc chăm lo cho trẻ nghèo chứ không màng tới cái tivi, chiếc xe máy mới hay tiện nghi gia đình. “Cuộc đời tui sướng nhất là được nghe mấy đứa nhỏ báo tin: Ông ơi, con đậu đại học rồi. Ông ơi, con đạt học sinh giỏi”.

Làm thuê để lo cho bọn trẻ

Sẽ có người hỏi: “Ông thương binh Lê Văn Ý lấy đâu ra tiền để nuôi bọn trẻ ăn học? Gia đình ông có của ăn của để hoặc ông có nguồn tài trợ ở nước ngoài?”. Ông trả lời: “Đó là tiền công tui đi làm thuê và làm đủ thứ việc mà có”.

Sau ngày đất nước thống nhất, dù cuộc sống khó khăn vô cùng nhưng hễ nghe ở đâu có trẻ sắp phải bỏ học vì nghèo thì ông Ý tìm đến thuyết phục, vận động gia đình cho chúng đi học lại. Chuyện học phí, sách vở, bút mực thì ông lo. Hứa cái rụp như vậy, nhưng nhiều lúc trong túi ông không có tiền. Thế là ông phải hái từng trái dừa trong vườn để bán, rồi đi làm thuê đủ thứ công việc nặng nhọc như đào mương cuốc đất. Rồi lấy tiền trợ cấp thương binh ít ỏi để giúp bọn trẻ như đã hứa. “Nhiều khi thiếu phải chạy đi vay mượn của người khác rồi đi làm trả lại dần. Nhìn thấy tụi nhỏ được cắp sách đến trường, tui lại có thêm động lực để đi làm, tích góp lo cho tụi nhỏ vào đầu năm sau” - ông Ý kể.

Mấy người hàng xóm cho biết ông Ý ăn uống kham khổ lắm. Ít khi họ nhìn thấy ông mua thức ăn ngon để tẩm bổ cho tấm thân thương binh vốn không có đầy đủ bộ phận của mình. Về chuyện này, ông Ý giải thích: “Mỗi lần ra chợ muốn mua cái gì đó ngon một chút thì tui lại thấy tiếc tiền. Nghĩ đến cảnh mấy đứa nhỏ gọi điện về bảo cần mua cái này cái kia mà trong túi không có tiền thì tội nghiệp nên tui thà tiện tặn mà còn chút ít để lo cho tụi nhỏ”.

Anh Bùi Minh Long gọi ông Ý là cậu dù chẳng có bà con thân thuộc gì. Anh bảo: “Cậu Ý sống rất khác người. Cậu sống vì tất cả mọi người mà không giữ lại một cái gì hết cho mình. Nếu không có cậu Ý thì tôi chắc sẽ không có ngày hôm nay. Ơn nghĩa của cậu đối với tôi to lớn đến mức tôi không thể dùng một từ ngữ nào có thể diễn tả được...”.

Anh Long nhớ rất rõ lúc anh chuẩn bị vào lớp 6 thì gia đình quá khó khăn nên phải nghỉ học. Nghe tin, ông Ý xuất hiện tại nhà anh bảo cha mẹ anh phải cho anh đi học, còn các chi phí học tập ông sẽ lo hết. Kể từ đó đến khi học đại học, anh Long đã được ông Ý chăm lo như con cháu trong nhà. Và cuối cùng anh cũng tốt nghiệp đại học, đi làm và được gọi là người thành đạt. “Giờ muốn trả ơn thì cậu gạt phắt đi nên tôi nghe lời cậu giúp đỡ những học trò nghèo như mình ngày xưa” - anh Long tâm sự.

Hiện nay ông Ý đang chu cấp tiền học phí, sách vở cho “thế hệ thứ hai” sau khi tám người ở “lứa đầu tiên” trưởng thành. Lứa mới này có 9 người, lớn nhất học lớp 12, còn nhỏ nhất chỉ mới học lớp 2. Nói đến đây, ông Ý lại hài hước: “Tui sẽ nuôi tiếp chín tờ vé số này. Và nguyện vọng lúc cuối đời của tui là tất cả phải trúng độc đắc”. Ông khoe tiếp: “Mấy năm nay tiền trợ cấp thương binh đã tăng lên nên tui cũng đỡ vất vả chạy tiền lo cho tụi nhỏ hơn thời gian đầu. Bật mí chú nghe, tui đã có một ít gửi trong ngân hàng. Từ nay trở đi tui cứ làm thêm để bỏ vô chứ hạn chế rút ra. Để những năm tới đứa nào cũng được vào đại học hết”.

Người đơn độc

Ông Ý sống đơn độc một mình không có vợ con suốt mấy chục năm qua. Hỏi chuyện vợ con, ông cười hiền hậu: “Tui đi kháng chiến từ năm 15 tuổi. Sau 20 tuổi thấy đồng đội lập gia đình, có con cái nhưng chẳng may hi sinh ở chiến trường, bỏ lại vợ con côi cút nên tui không nghĩ đến chuyện lấy vợ nữa. Khi hòa bình lập lại thì tui đã 35 tuổi và thương tích đầy mình. Hồi ấy mấy cô gái trong làng nhìn thấy tui là ái ngại rồi. Ai mà dám lấy một người thương binh thương tật hơn 80%, mất một chân, một bàn tay và một con mắt để làm chồng chứ! Tui tự biết mình nên ở một mình và làm việc gì có ích cho xã hội hơn là cưới vợ rồi làm khổ vợ con. Đến giờ tui vẫn thấy quyết định không cưới vợ là đúng”.

Ông Nguyễn Văn Út (chủ tịch UBND xã Phú Mỹ, huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre) 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên