15/09/2008 16:28 GMT+7

Ở thế giới ảo Trung Quốc, Tencent là số 1

Theo HÀ LAN - Báo Bưu Điện VN
Theo HÀ LAN - Báo Bưu Điện VN

Nhiều người nói Baidu hoặc Sohu sẽ trở thành Google của Trung Quốc. Nhưng hiện nay, Tencent vẫn là công ty dot com có doanh thu cao nhất với 3.033 tỉ nhân dân tệ vào nửa đầu năm nay, tăng 84,8% so với cùng kỳ năm ngoái, và bỏ xa các đối thủ cạnh tranh.

ZTfcmSIH.jpgPhóng to
Mã Hóa Đằng - tỉ phú châu Á, CEO công ty dot com lời lãi nhất Trung Quốc Tencent
Nhiều người nói Baidu hoặc Sohu sẽ trở thành Google của Trung Quốc. Nhưng hiện nay, Tencent vẫn là công ty dot com có doanh thu cao nhất với 3.033 tỉ nhân dân tệ vào nửa đầu năm nay, tăng 84,8% so với cùng kỳ năm ngoái, và bỏ xa các đối thủ cạnh tranh.

Thu nhập quý II-2008 của Tencent cao hơn Baidu 99% và cao hơn Sohu 128%. Lợi nhuận ròng của Tencent cao hơn Sohu 136% và cao hơn Baidu 146%.

Tencent là công ty cung cấp dịch vụ tin nhắn QQ (tương tự Zing chat ở VN) cùng nhiều dịch vụ trực tuyến khác, trụ sở đóng tại Thẩm Quyến. Một dấu hiệu cho thấy sức mạnh của Tencent đang gia tăng là hơn 50% người dùng web Trung Quốc cập nhật tin tức mới nhất về Thế vận hội Bắc Kinh từ Tencent trong cuộc cạnh tranh với Sohu - nhà tài trợ chính thức Thế vận hội Bắc Kinh với tất cả lợi thế tiếp cận nguồn tin, và Sina - một cổng thông tin điện tử lớn khác.

Doanh thu của Tencent gia tăng chủ yếu dựa vào các trò chơi trực tuyến và việc giới thiệu các trò chơi mới. Song doanh thu từ mảng dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng và di động của công ty cũng tăng mạnh.

Tencent thành công nhưng kín tiếng

Mã Hóa Đằng là chủ tịch kiêm tổng giám đốc điều hành (CEO) Tencent. Anh là đồng sáng lập công ty vào năm 1998, vừa được tạp chí Forbes xếp vào danh sách các tỉ phú trẻ châu Á với tổng giá trị tài sản 541 triệu USD.

Mã Hóa Đằng có khuôn mặt trẻ con và là một người lặng lẽ, nhưng là một trong những doanh nhân được kính trọng nhất của Trung Quốc. Khi anh xuất hiện ở các hội nghị Internet ở Trung Quốc, luôn có đám đông những người trẻ tuổi nôn nóng được chụp hình với anh hoặc cố nhét danh thiếp của họ vào túi của anh.

Thế nhưng, anh cũng như công ty của mình đều rất kín tiếng với báo chí. Bởi khi tìm thông tin trên Internet, người ta chỉ thấy các thông tin rất sơ sài về anh như sinh năm 1971, nhận bằng tốt nghiệp khoa học máy tính của Trường đại học Thâm Quyến năm 1993. Trước khi gia nhập Tencent, anh đã phụ trách bộ phận nghiên cứu và phát triển các hệ thống gọi điện Internet của nhà cung cấp sản phẩm và dịch vụ viễn thông Shenzhen Runxun Communications Co, Ltd.

Theo Thời báo Bắc Kinh, Mã Hóa Đằng sinh ra ở đảo Hải Nam và chuyển đến thành phố Thâm Quyến khi đang tuổi niên thiếu. Năm 1998, anh cùng bạn học thành lập Tencent và giành được vốn đầu tư từ Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG).

Đầu tiên, anh tập trung vào tin nhắn văn bản nhưng chẳng lâu sau đó biến Tencent thành một câu trả lời Trung Quốc đối với dịch vụ AIM của AOL (Mỹ), đem đến cho người dùng Trung Quốc khả năng liên lạc với người khác tức thời khi đang trực tuyến. Với QQ, Tencent nhắm đến đối tượng độc giả trẻ. Dịch vụ nhắn tin này đã trở thành một “hiện tượng văn hóa” ở Trung Quốc. Sự ra đời công cụ chat bằng tiếng Hoa với logo chim cánh cụt đã làm thay đổi thói quen liên lạc của người dân Trung Quốc, bắt đầu một thời kỳ “văn hóa QQ”, theo nhận định của báo giới Bắc Kinh.

Trong khi người sử dụng Internet ở Mỹ gửi email và lướt web tìm thông tin trên máy tính cá nhân của mình, những người trẻ tuổi ở Trung Quốc chơi game, tải video và nhạc vào di động, máy nghe nhạc MP3 của họ và tham gia thế giới ảo, nơi họ có thể trao đổi hàng hóa ảo và sống cuộc sống ảo. Tencent kiếm lời từ các dịch vụ giải trí họ bán qua Internet và di động.

Dịch vụ tin nhắn tức thời, chơi game và mạng xã hội phổ biến rất nhanh ở Trung Quốc. Có thể nói “những gì thiên hạ có, Trung Quốc có”. Và Tencent, với sự nhanh nhạy bản năng của người Trung Quốc, đã biết kết hợp các yếu tố của trang mạng xã hội MySpace, trang web chia sẻ video YouTube và thế giới ảo Second Life.

Mới đây, Tencent còn giành huy chương vàng trong việc đưa tin Thế vận hội Bắc Kinh, vượt Sohu và Sina. Số người vào thăm trang Thế vận hội của Tencent tăng đến 10 lần với tổng số 10 triệu người mỗi ngày.

Ông lớn Google, Yahoo, eBay khó thành công ở Trung Quốc

Tờ New York Times trích lời nhà phân tích Richard Ji thuộc Ngân hàng Morgan Stanley: “Nếu người Mỹ ưa thông tin, thì ở Trung Quốc, ưu tiên số một đối với người dùng Internet là giải trí. Đó là lý do tại sao Google thống lĩnh thị trường Mỹ, nhưng Tencent trị vì thị trường Trung Quốc”.

Thực tế cho thấy sự lớn mạnh nhanh chóng của Tencent là một lý do vì sao các công ty Internet lớn nhất Mỹ như Yahoo, Google và eBay đã trượt chân ở Trung Quốc.

Nhiều nhà phân tích cho rằng các công ty Mỹ chật vật ở đây một phần bởi các cản trở về quy định, ưu đãi thiên vị doanh nghiệp nội địa. Song một lý do khác quan trọng hơn mà các công ty nước ngoài thất bại là chưa hiểu thị trường Internet Trung Quốc được đẩy mạnh chủ yếu nhờ vào giải trí và di động.

Google đã mất thị phần vào tay công cụ tìm kiếm Baidu. Yahoo đã chuyển giao hoạt động của mình cho Alibaba.com. Còn hãng đấu giá trực tuyến eBay, sau khi mua một trong những đối thủ lớn nhất của mình ở Trung Quốc, đã tiếp tục để mất chỗ đứng và phải giao hoạt động ở Trung Quốc cho Tom.com của Hong Kong dưới dạng một liên doanh.

Chiến lược “Lối sống online” và thách thức

Mặc dù thống lĩnh thị trường tin nhắn tức thời Trung Quốc, gần đây Tencent QQ cũng đang vấp phải nhiều rào cản từ đối thủ: MSN Messenger và Yahoo Messenger tuyên bố liên kế các sản phẩm của họ. Hơn nữa, các nhà cung cấp dịch vụ tin nhắn tức thời khác Netease, Sina và Sohu cũng bày tỏ mối quan tâm gia nhập liên minh này.

Trong gần 40 nhà cung cấp dịch vụ tin nhắn tức thời ở Trung Quốc, Tencent QQ giành vị trí dẫn đầu. Số người đăng ký dịch vụ QQ đã vượt 430 triệu, trong đó số lượng người đang sử dụng là hơn 170 triệu và số người online cùng một thời điểm kỷ lục là 16 triệu.

Tencent giành khoảng 70% thị phần này ở Trung Quốc. Tiếp đến là MSN Messenger của Microsoft với 15% thị phần và Sina, Netease giành được khoảng 10% chia đều cho cả hai. Yahoo Messenger, được biết có khoảng 80 triệu người dùng toàn cầu, đã không thể nổi trội ở Trung Quốc.

Nhưng chỉ trông cậy vào mỗi tin nhắn, Tencent coi như giậm chân tại chỗ. Cách đây hơn ba năm, Mã Hóa Đằng đã đưa ra chiến lược mới “Online Lifestyle”, tạm dịch: Lối sống trực tuyến. Cơ sở của chiến lược này là gì? Đơn giản, theo Mã Hóa Đằng trao đổi với phóng viên New York Times ở Thâm Quyến, là "người dùng Internet nào cũng muốn cá thể/cá nhân hóa".

Mã Hóa Đằng nói anh sẵn sàng đón thách thức. Công ty đã thành lập một liên minh với Google, tích hợp công cụ tìm kiếm số 1 thế giới vào cổng thông tin của mình. Công ty cũng đang đa dạng hóa sang game, đấu giá trực tuyến và Mã hi vọng sẽ giành được cảm tình của người dùng lớn tuổi với dịch vụ tin nhắn tức thời thiếu những cái chạm đáng yêu. Để tiếp tục phát triển, công ty của anh Mã có lẽ phải trưởng thành hơn chút nữa.

Nhưng những công ty phát triển nhanh như Tencent cũng là mối quan tâm của Chính phủ Trung Quốc với các quy định chặt chẽ về Internet và lo ngại khả năng web nuôi dưỡng các nền kinh tế ngầm.

Gần đây, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, cơ quan giám sát nền kinh tế 2,6 nghìn tỉ USD này, đã ban hành cảnh báo về tiền ảo của Tencent, Q-coin, loại cho phép khách hàng mua sắm trực tuyến đồ đạc ảo, game, nhạc.

Một quan chức Ngân hàng Trung ương Trung Quốc nói họ đang nghiên cứu liệu Q-coin có là mối đe dọa đối với đồng tiền thật nhân dân tệ hay không. Ông nói thêm các nhà chức trách sẽ trừng trị thẳng tay tiền ảo nếu nó được sử dụng để rửa tiền.

Điều đó đi quá xa so với dự định của Tencent. Họ đã là một trong những doanh nghiệp giàu có nhất Trung Quốc và Mã nhỏ nhẹ nói anh chỉ đơn giản muốn để người Trung Quốc dùng trang web theo cách họ muốn.

Theo HÀ LAN - Báo Bưu Điện VN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên