03/07/2018 11:52 GMT+7

Ở nơi 'phải chạy để giữ mạng sống'

TIẾN TRÌNH - CHÍ QUỐC - 
CHÍ HẠNH - KHOA NAM
TIẾN TRÌNH - CHÍ QUỐC - 
CHÍ HẠNH - KHOA NAM

TTO - Biển nuốt chửng nhà dân. Biển đánh bạt những vạt rừng phòng hộ, đánh tan tác những con đê… Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa sạt lở từ tháng 5 đến tháng 10 âm lịch thì người dân dọc vùng Biển Tây (Cà Mau, Kiên Giang) lại rơi vào cảnh điêu đứng.

Ở nơi phải chạy để giữ mạng sống - Ảnh 1.

Bà Bành Kim Hía ở ấp Cây Gõ, xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh (Kiên Giang) nhìn ra biển, nơi trước đây là nhà cửa của bà và chòm xóm nay đã bị nước biển cuốn trôi - Ảnh TIẾN TRÌNH

Dọc theo con đê phòng hộ Biển Tây vùng vàm Tiểu Dừa (xã Khánh Tiến, huyện U Minh, Cà Mau), trước đây những cánh rừng mắm, rừng đước ôm quanh kéo dài ra biển, như một lớp giáp che chở cho những ngôi làng, cây dày kịt đến mức đứng trên đê không nhìn thấy biển.

Bây giờ ngó ra biển chỉ thấy lốm đốm những vạt rừng da beo, biển lồ lộ thông thống vì rừng tan hoang hết rồi.

Một người dân ở đây chặc lưỡi: "Mấy chú làm việc nói mùa này mùa nọ, chớ dân tụi tui ở đây chỉ có 2 mùa: đó là mùa yên ổn và mùa… sạt lở!".

Giặc càn không chạy, biển đuổi phải chạy!

Cứ từ tháng 5 đến tháng 10 âm lịch là biển đổi tánh đổi nết, quay vào truy bức những cánh rừng, đánh đuổi nhà dân.

Theo chúng tôi đi qua một đoạn bãi trống, anh cán bộ trẻ của Đồn biên phòng Khánh Tiến nói rằng hồi anh mới về nhận công tác tại đây, vẫn còn những cánh rừng kéo dài thẳng tắp đằng kia, sau rừng là nhà dân.

Nhưng, theo từng năm rừng bị thất trận, bị sóng biển đẩy lui, đến nay chỉ còn là những khóm cây mỏng manh. Tiếp đó là nhà dân cũng bị biển đuổi. Năm rồi, nhà ông T., ông S., ông P. trước vàm Tiểu Dừa đã phải dời đi để chạy biển.

"Hồi xưa giặc giã có đuổi đi thì dân ở đây cũng bám trụ để giữ đất. Giờ hòa bình rồi không giữ được đất, phải chạy để giữ mạng sống. Nghĩ lạ đời!" - bà Bành Kim Hía (69 tuổi, ấp Cây Gõ, xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh, Kiên Giang) rầu rầu than.

Chỉ tay ra xa về phía biển, bà nói rằng trước kia nhà bà, nhà em bà, nhà chòm xóm biết bao người vẫn sống yên bình. Nhà thì nuôi tôm, nhà trồng lá dừa nước, nhà đi biển…

Cuộc sống sung túc. Vậy mà chỉ mấy năm lại đây, biển trở chứng đuổi dân. Lần lượt những căn nhà bị cuốn trôi, những vuông tôm bị ngoạm nham nhở…

Bà Hía trước đây có mười mấy công đất lá dừa nước, nhưng giờ chỉ còn lại mấy bụi. Còn ông Bành Văn Nơi (53 tuổi) nhà có vuông nuôi tôm, có của ăn của để nhưng cũng bị biển chiếm, phải dời nhà nhiều lần, giờ thì không còn nơi để dời nữa.

Chỉ về phía căn nhà gỗ bề thế chỉ còn trơ sườn xơ xác phía xa, ông Nơi nói đó là nhà của người anh em ruột ông, nhà ông Bành Văn Thắng Út.

Nhà ông Út trước đây xa biển hàng trăm mét, lại được gia cố chắc chắn nên trụ lại lâu nhất. Nhưng biển đuổi cả xóm, rồi đến nhà mình, ông Thắng Út đành bỏ lại cơ ngơi gây dựng cả đời tìm nơi ở mới.

Ở nơi phải chạy để giữ mạng sống - Ảnh 2.

Một đoạn đê Biển Tây, đoạn tiếp giáp giữa huyện U Minh, Cà Mau và huyện An Minh, Kiên Giang bị sạt lở nghiêm trọng đang được gia cố - Ảnh: CHÍ QUỐC

Trắng tay vì sạt lở

Từ Cà Mau ngược về hướng tây bắc, dọc theo bờ Biển Tây thuộc tỉnh Kiên Giang, người dân nhiều nơi cũng đang trong tình cảnh tương tự phía Cà Mau, màn trời chiếu đất do sạt lở.

Đã 30 năm sinh sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản ở ấp 6, xã Thổ Sơn, ông Bùi Chí Thanh (50 tuổi) cho biết ngày trước cả một vùng rộng lớn chạy dài ven biển nơi này luôn đông đúc, nhộn nhịp bởi ai cũng tề tựu về đào ao nuôi tôm cá.

Thế nhưng, tình trạng xâm thực lấn sâu vào đất liền ngày một dữ dội, sóng đánh trôi rừng phòng hộ, đánh trôi mất đất đai. Nhiều người còn mất cả nhà cửa nên đành bỏ xứ ra đi.

1.500tỉ là số tiền mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2018 cho các địa phương thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển vào ngày 29-6.

Theo đó, một số tỉnh có sạt lở nghiêm trọng như Cà Mau, An Giang, Trà Vinh, Tiền Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Bến Tre, Đồng Tháp… được phân bổ vốn để ứng phó tình trạng sạt lở nghiêm trọng.

Đây là tin vui đối với các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, đang trong thời gian chịu ảnh hưởng sạt lở nghiêm trọng nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Đứng bên bờ vuông tôm, ngay một lõm đất lớn hàng trăm mét vuông bị cuốn trôi, ông Thanh chỉ: "Đây, đây! Đất ngày xưa nằm xa ngoài biển gần một cây số. Nhưng theo thời gian, sóng đánh trôi mất 300m rừng phòng hộ, rồi cuốn trôi luôn hàng trăm mét đất vuông tôm của người dân.

Nơi này cứ trung bình mỗi năm lại mất thêm từ 10 - 15m đất". Cách tính của ông là tính theo chiều từ biển sâu vào đất liền.

Theo các bậc cao niên, từ thuở xa xưa, nơi này nhộn nhịp cảnh buôn bán, nhà ai cũng dư ăn dư để. Thế nhưng, vùng đất này đang bị tàn phá bởi những cơn sóng biển dữ, khoét từng mảng lớn vào bờ làm cho hàng trăm cảnh đời lâm cảnh khốn khó.

Như ông Nguyễn Đình Ngàn (47 tuổi), gia đình ông có 4ha đất vuông tôm ven bờ biển. Nhưng chỉ mới đây, sóng đã cuốn trôi tất cả, đến nỗi cái nhà tường làm nơi trú ngụ của gia đình cũng bị sóng đánh tan ra từng mảnh nhỏ.

"Từ một người có đất đai, giờ tôi lâm vào cảnh trắng tay. Để nuôi gia đình, tôi phải sắm chiếc xe đẩy, mua mớ quần áo rồi cày ải suốt ngoài đường mới có ăn.

Nhưng cũng còn chút may mắn là không phải ở ngoài đường, nhờ có người thân cho miếng đất nhỏ trên triền núi nên cất được cái nhà làm nơi trú ngụ" - ông Ngàn chua chát.

Ở nơi phải chạy để giữ mạng sống - Ảnh 4.

Ông Bành Văn Nơi, ấp Cây Gõ, xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh, Kiên Giang bên căn nhà bị sóng đánh trơ khung. Ông Nơi đã nhiều lần phải chạy sóng vì sạt lở trong nhiều năm - Ảnh: TIẾN TRÌNH

Gần đó, ông Đào Trọng Thân vốn có 6ha đất vuông tôm ở giáp ấp Hòn Me nhưng bây giờ chỉ còn lại hơn một nửa.

Ông nói: "Mỗi năm đầu tư 100 triệu vào việc cải tạo đất ao, rồi đổ thêm 100 triệu nữa nuôi tôm nhưng cứ như ngồi trên đống lửa. Ngoài biển cứ sạt vào, tôm thì ngày một mất giá, chi phí nuôi ngày một tăng. Làm ăn riết cảm thấy không có lời nên tôi đành bán tháo đất đai tìm kế sinh nhai khác".

Ông Trần Phan - phó chủ tịch UBND xã Thổ Sơn - cho biết: "Bốn trăm hộ dân, với cả chục ngàn nhân khẩu ở xã này sống chủ yếu nhờ vào nuôi trồng thủy sản. Nếu mất đất, mất vuông thì bà con chỉ còn biết leo lên triền núi để sống bám vào những vạt rừng xoài. Vùng đất này coi bộ ngày càng thêm hiu quạnh!".

Tình trạng sạt lở cứ kéo dài, kéo dài thêm những nguy hiểm, những cảnh đời điêu đứng, những cánh rừng mất đi, những xóm làng tan tác… Hình ảnh ấy cứ chất chồng thêm những mối lo dọc theo trên 200km bờ Biển Tây, đến nay vẫn chưa được giải quyết.

10 năm, Cà Mau mất 8.870ha rừng phòng hộ

0702-sat lo ca mau-tto

Thực trạng sạt lở tỉnh Cà Mau - Đồ họa: T.ĐẠT

Một báo cáo của UBND tỉnh Cà Mau cho thấy chỉ trong 10 năm trở lại đây, tỉnh này đã mất đến 8.870ha rừng phòng hộ ven biển. Đê Biển Tây bị xói lở đến 57km, Biển Đông bị xói lở đến 48km… Theo đó là cuộc sống của hàng ngàn hộ dân ven biển đang bị đe dọa.

Nhiều nơi, địa phương phải tính đến chuyện sơ tán dân để tránh những thiệt hại lớn hơn.

Ông Tô Quốc Nam, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, nói hầu như năm nào cũng vậy, cứ vào mùa mưa là tình trạng sạt lở diễn ra khắp nơi trong tỉnh Cà Mau. Tỉnh có ba mặt giáp biển thì cả ba mặt đều có nơi bị sạt lở nghiêm trọng.

"Chúng tôi đã tính nát nước để tìm cách ứng phó sạt lở. Từ các giải pháp phi công trình ở những nơi thích hợp, đến giải pháp công trình xây dựng kè, trồng rừng, tạo bãi… Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất vẫn là vốn" - ông Nam nói.

Tại huyện An Minh (Kiên Giang), ông Lê Ngọc Tùng - phó chủ tịch UBND huyện - cũng đứng ngồi không yên: Từ giữa cuối tháng 6, mức độ cảnh báo thiên tai luôn ở mức đặc biệt nguy hiểm và khẩn cấp.

Sóng biển đang tàn phá dữ dội đất đai ven biển từ rạch Tiểu Dừa (xã Vân Khánh Tây) đến vàm Kim Quy (xã Vân Khánh) và cũng đã đánh sập 7 căn nhà, đe dọa đến 42 hộ dân khác.

TS LÊ ANH TUẤN (Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ):

Chấp nhận mất chỗ này nhưng được chỗ khác


tuan

Từ việc công bố bản đồ sạt lở vừa qua cho thấy cả vùng ĐBSCL đang sạt lở và sạt lở rồi thì khó trở lại như cũ. Trong vấn đề cân bằng năng lượng, dòng chảy và phù sa đã thay đổi, những chỗ đã sạt lở thì phải chịu và chúng ta cần biết như vậy để tránh.

Nói vậy để thấy rằng chúng ta cần có một nghiên cứu tổng thể, chấp nhận mất đất chỗ này để lấy đất chỗ khác, tức chỗ nào thấy có khả năng bồi lắng được thì tiếp tục trồng cây, giữ phù sa, không cố gắng bằng mọi giá đổ tiền vào chỗ lở rồi, mà nên dành cho những chỗ đang bồi ra.

Phải xem lại vấn đề phù sa trên sông. Phải nhìn nhận phù sa đã giảm dần nên cần tiến tới giảm khai thác, sử dụng cát vì nếu móc lên nhiều cát chừng nào thì sạt lở gia tăng chừng ấy.

Để giảm khai thác cát thì có nhiều giải pháp như nhập khẩu cát, công trình trọng điểm giảm sử dụng cát san lấp, thay vào sử dụng khung thép, lắp kính hoặc làm đường giao thông trên cao, thay vì đổ cát làm nền đường rồi vài ba năm lại đổ cát tiếp do đường lún...

Riêng trong việc làm kè chống sạt lở nên nghiên cứu sử dụng kè rẻ tiền, mà tôi thấy các nước trên thế giới họ tận dụng vỏ bánh xe ôtô bỏ đi rồi cắm cọc kết lại với nhau phát huy hiệu quả rất tốt.

Mục đích chỉ là giảm sức mạnh của sóng biển, giữ được phù sa, thay vì làm bêtông thì hoàn toàn có thể làm bằng giải pháp này bởi nó đã được nhiều nước làm.

Ngoài ra, đối với những bãi biển sạt lở như ở Bạc Liêu đang phát triển mạnh điện gió, điện mặt trời, cần nghĩ ra giải pháp lấy năng lượng từ sóng biển bằng việc lắp thiết bị dưới nước để làm quay tuôcbin, vừa góp phần giảm sóng, hạn chế sạt lở vừa tạo ra năng lượng.

Muốn làm được việc này, chính quyền các địa phương cần đưa thành một chiến lược thì mới làm được, bởi chỉ có như thế mới có các chính sách như miễn thuế, mua điện giá cao... để khuyến khích nhà đầu tư. (CHÍ QUỐC ghi)

Đại diện Bộ NN&PTNT:

Phải xử lý được phía thượng nguồn và vùng ĐBSCL


chinh

Vụ trưởng Vụ Kiểm soát an toàn thiên tai (Bộ NN&PTNT) Tăng Quốc Chính cho biết việc xử lý bằng biện pháp công trình ở Cần Thơ và Kiên Giang nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung chỉ giải quyết được phần ngọn, còn để căn cơ thì phải xử lý được ở phía thượng nguồn và vùng ĐBSCL.

Đối với vùng thượng nguồn, phải quản lý vấn đề khai thác cát. Hiện Bộ NN&PTNT đang kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên - môi trường và các bộ ngành liên quan xác định lượng bùn cát là bao nhiêu để quản lý và cấp phép khai thác ở mức hợp lý.

Thứ hai, phối hợp với các quốc gia Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia có biện pháp hạn chế khai thác cát để giảm lượng bùn cát về ĐBSCL, cùng với đó là giảm thiểu việc trữ cát ở thượng lưu các hồ chứa và tránh thực hiện cùng lúc nhiều dự án hồ chứa gây ra đột biến cao.

Bộ NN&PTNT sẽ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng nghiên cứu vật liệu thay thế cát xây dựng để hạn chế khai thác cát trên lòng sông.

Xây dựng quy hoạch chỉnh trị bờ sông, lòng dẫn và bờ biển để làm cơ sở cho việc quản lý khai thác lòng sông, bố trí sắp xếp lại dân cư vùng ven sông, ven biển và xây dựng kế hoạch quản lý dân để chống lấn chiếm ra lòng dẫn của sông.

Tiếp tục rà soát các khu vực sạt lở trọng điểm, xung yếu, ảnh hưởng đến khu dân cư, quốc lộ, tỉnh lộ, công trình đê điều… thì ta phải xây dựng công trình để bảo vệ.

Về giải pháp phòng chống xói lở bờ biển, hiện Viện Khoa học thủy lợi miền Nam đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành 6 đề tài do Bộ Khoa học - công nghệ giao để đề xuất các giải pháp công trình và phi công trình trên từng khu vực bờ biển, qua đó hướng dẫn các tỉnh triển khai các biện pháp về kỹ thuật.

Về lâu dài, Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo các cơ quan chức năng và địa phương thực hiện xây dựng quy hoạch chỉnh trị để có cơ sở thực hiện kế hoạch dài hạn. (CHÍ TUỆ ghi)

Xuất hiện 3 đoạn sạt lở nguy hiểm trên bờ biển Tây Cà Mau Xuất hiện 3 đoạn sạt lở nguy hiểm trên bờ biển Tây Cà Mau

TTO - Hiện tại có 3 đoạn sạt lở nghiêm trọng với chiều dài 5,7km tại bờ biển Tây Cà Mau gồm đoạn Tiểu Dừa đến Ba Tỉnh, đoạn từ Ba Tỉnh đến Mũi Tràm và đoạn từ Sông Đốc đến cửa Bảy Háp.

TIẾN TRÌNH - CHÍ QUỐC - 
CHÍ HẠNH - KHOA NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên