Phóng to |
Tổng giám đốc Công ty Vedan Yang Kun Hsiang (thứ hai từ phải sang) tại phiên họp- Ảnh: XUÂN LONG |
Hôm qua, trong buổi công bố báo cáo kỹ thuật kết quả xác định phạm vi, mức độ ô nhiễm và ảnh hưởng đến môi trường từ hoạt động sản xuất của Công ty Vedan đối với sông Thị Vải, phía Vedan vẫn chưa đồng ý mức độ gây 89% ô nhiễm trên sông Thị Vải do Viện Môi trường và tài nguyên công bố.
Chỉ nhận gây ô nhiễm 10-11km sông
Theo báo cáo kỹ thuật do Viện Môi trường và tài nguyên công bố, ngay từ năm 1996, tức sau ba năm kể từ khi Công ty Vedan đi vào hoạt động, nước sông Thị Vải đã bị ô nhiễm đáng kể, khoảng 8km tuyến sông này có hàm lượng DO (oxy hòa tan) dưới 2mg/l (tôm chịu đựng được nhưng không phát triển). Đến năm 1997, khoảng 25km tuyến sông này có DO dưới 1mg/l (mức tôm ngạt thở và chết). Mức độ ô nhiễm càng lúc càng tăng dần và đạt tới cực điểm vào tháng 8-2008, thời điểm phát hiện hành vi xả thải trộm của Vedan.
"Dựatheo những tính toán khoa học, chúng tôi lấy tỉ lệ trung bình là 89% để xác định “đóng góp” của Vedan gây ô nhiễm cho sông Thị Vải là quá nhẹ, nếu chọn mức tính toán lớn nhất, tỉ lệ còn lên tới 98%" PGS.TSKH Bùi Tá Long (Viện Môi trường và tài nguyên) |
Còn theo biên bản kết luận buổi làm việc được công bố cuối chiều 11-12, các cơ quan chức năng đã thống nhất phạm vi gây ô nhiễm do Công ty Vedan gây ra bao gồm các xã Phước An, Long Thọ (huyện Nhơn Trạch), xã Long Phước, Phước Thái (huyện Long Thành) thuộc tỉnh Đồng Nai; xã Mỹ Xuân, Phước Hòa, Tân Phước và thị trấn Phú Mỹ (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu); một phần xã Thạnh An (huyện Cần Giờ, TP.HCM).
Tuy nhiên, Công ty Vedan chỉ thừa nhận từng gây ô nhiễm nặng dòng chính của sông Thị Vải khoảng 10-11km, việc xác định phạm vi gây ô nhiễm của Vedan đối với các dòng nhánh và các khu vực có liên quan, phía Vedan đề nghị tiếp tục phối hợp với Viện Môi trường và tài nguyên làm rõ và xác định cụ thể tới đây.
Về mức độ ô nhiễm và ảnh hưởng đến môi trường, Công ty Vedan chưa đồng ý với con số 89% và đề nghị tiếp tục làm việc với Viện Môi trường và tài nguyên và các cơ quan có liên quan để xác định mức độ cụ thể, sau đó báo cáo Tổng cục Môi trường và UBND các tỉnh thành Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM để thống nhất.
Sẽ buộc Vedan tâm phục khẩu phục
Theo GS.TS Lê Quốc Hùng - Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam, từ đầu năm 2009 khi áp dụng những biện pháp cương quyết với việc xả thải của Vedan, chất lượng nước sông Thị Vải đã được cải thiện rõ rệt và đến tháng 11-2009, chất lượng nước tại đây đã phục hồi thậm chí tốt hơn năm 1996. GS Hùng khẳng định điều đó chứng tỏ rằng Vedan đóng góp phần chủ yếu trong thành phần ô nhiễm chất hữu cơ dễ phân hủy (BOD) và làm suy giảm DO trong một phạm vi rộng lớn.
Thạc sĩ Lê Thanh Hùng (Viện Môi trường và tài nguyên) cũng cho rằng riêng phần dịch thải sau lên men do Công ty Vedan lén xả ra sông Thị Vải bị phát hiện vào tháng 9-2008 đã chiếm tới 95% tổng tải lượng các chất ô nhiễm như BOD, COD, TSS, N-NH4, tổng phôtpho từ tất cả nguồn xả thải ra sông Thị Vải gộp lại và đây là nguyên nhân chính gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường sông Thị Vải nhiều năm qua.
Trước những số liệu do Viện Môi trường và tài nguyên công bố, tổng giám đốc Công ty Vedan Yang Kun Hsiang khẳng định ông kính phục nỗ lực về những việc Viện Tài nguyên và môi trường đã làm, nhưng ông khẳng định phía Vedan chỉ đồng ý về phạm vi gây ô nhiễm, còn tỉ lệ phần trăm gây ô nhiễm thì không đồng ý.
Trước những phản hồi của Vedan, phó chánh thanh tra phụ trách thanh tra Tổng cục Môi trường Lương Duy Hanh dẫn chứng năm 2006 trên sông Thị Vải chỉ có hai nguồn xả thải chính. Nguồn xả thải của sáu doanh nghiệp chiếm khoảng 6.000m3/ngày, còn Vedan xả khoảng 5.000m3/ngày.
Ông Hanh khẳng định mặc dù sau năm 2007 Vedan không còn sản xuất tinh bột từ khoai mì nhưng trước đó vẫn sản xuất và theo ông Hanh, kết quả thanh tra năm 2006 cũng kết luận Vedan đã xả ra cả chất cực độc là xianua silic vì chất này có trong vỏ củ khoai mì. “Tỉ lệ 89% phía viện đưa ra, tôi nghĩ là hơi thấp. Các số liệu từng năm, từng tháng chúng tôi đều có nên trong một vài tuần tới, chúng tôi sẽ đánh giá chi tiết để Vedan phải tâm phục khẩu phục về tất cả đánh giá đó” - ông Hanh khẳng định.
Vedan sẽ sớm bồi thường cho dân Đó là khẳng định của tổng giám đốc Công ty Vedan Yang Kun Hsiang khi trả lời phóng viên Tuổi Trẻ về trách nhiệm của Vedan đối với người dân những vùng bị ảnh hưởng từ nguồn nước ô nhiễm của sông Thị Vải. Ông Yang Kun Hsiang cho biết tới đây Vedan sẽ bàn bạc chi tiết với Viện Môi trường và tài nguyên về phạm vi ô nhiễm, để sau đó Bộ Tài nguyên - môi trường công bố kết quả chính thức cho các tỉnh, huyện căn cứ vào đó làm cơ sở tính toán thiệt hại kinh tế, công ty cũng căn cứ vào đó và sẽ làm trách nhiệm của công ty với người thiệt hại, còn ảnh hưởng của phạm vi ô nhiễm đến đâu, góc độ ở đâu thì trong báo cáo này cũng có nhưng công ty sẽ cùng Viện Môi trường và tài nguyên xác nhận lại những điểm đó. |
__________________
Phóng to |
Đầm tôm của các hộ dân ấp 1B, xã Phước Thái thiếu nước thay do nguồn nước bị ô nhiễm trở lại khi các chất độc hại nằm dưới đáy sông bị các sà lan khuấy động lên (ảnh chụp chiều 11-12) - Ảnh: Thuận Thắng |
Đến các ấp 1A, 1B, 1C của xã Phước Thái (huyện Long Thành, Đồng Nai) tìm gặp những nông dân nuôi tôm, cá từng đòi Công ty Vedan bồi thường, thấy họ không còn hào hứng như trước nữa. Những nơi này giờ chỉ còn người già và các bậc trung niên ngồi uống rượu, cười, nhìn khách lạ tìm đến. Hỏi chuyện môi trường, nhiều nông dân cười rồi buột miệng: “Nói hoài mà chưa thấy kết quả gì, ai cũng ngán. Dân nuôi tôm vẫn chết vậy thôi”.
Ở khu vực rạch Tre (ấp 1C), nơi cách đây vài tháng nông dân đã trở lại lấy nước làm đìa nuôi tôm, giờ lại trống huơ trống hoác, với hàng chục hecta bị bỏ hoang, trơ đáy. Nông dân Đỗ Bá Ngâm lắc đầu: “Dân thấy nước trong, quay trở lại làm tôm nhưng tôm chết. Tôi thả trên 2,6ha cũng gánh hậu quả nên bỏ đìa hai tháng nay rồi”. Ông Nguyễn Xuân Hán, chi hội trưởng Hội nông dân ấp 1C, ngao ngán: “Dân thả tôm xuống đìa sống được 20-30 ngày là chết. Ở ấp này có 34 hộ nuôi trên 50ha nhưng giờ đây có 70% số hộ bị thiệt hại, đổ nợ nên bỏ gần hết đùn, đìa”.
Đó cũng là tình cảnh ở khu vực có nhiều người nhận rừng khoán, nuôi tôm tự nhiên ở rạch Lá. Bà Trần Thị Em than thở: “Tui nuôi 30ha để kiếm sống. Mấy tháng trước sông Thị Vải bớt ô nhiễm thì tôm cá có sống trở lại nên mừng lắm vì có cái để kiếm sống. Vậy mà hai tháng trở lại đây, tôm cá tự nhiên ít đi. Thỉnh thoảng tui thấy nước tràn vào rạch có màu rất lạ, giống như nước cơm. Dân chỉ mong nước sông đừng ô nhiễm nữa để sinh nhai chứ đời sống vẫn còn chật vật lắm”. Tiền bồi thường chưa thấy đâu, nhưng vì bức bách kế sinh nhai, nhiều người bậm gan quay trở lại làm tôm nhưng tiếp tục thua lỗ, đổ nợ nên đã tứ tán khắp nơi kiếm sống.
Đáng ngại hơn, như lời ông Lương Văn Trường, chủ tịch Hội nông dân xã Phước Thái, vùng này giờ đây “không chỉ ô nhiễm nguồn nước nữa mà đã chuyển sang ô nhiễm không khí, gây thiệt hại cho cây trồng”.
Ông Trần Duy Ánh đang nuôi tôm trên rạch Phước Thái (còn gọi là rạch Nước Lộn) phía sau nhà máy Vedan nói: “Nước bớt đen rồi nhưng bốn ống khói từ nhà máy Vedan cứ phảng phất, cay nồng khiến những người nuôi tôm ở đây rất ngột ngạt”.
* Tin bài liên quan:
Sông Thị Vải bị ô nhiễm: Vedan góp 90%Chặn nguồn ô nhiễm, sông Thị Vải mới hồi sinhCứu sông như thể cứu người Phối hợp đánh giá thiệt hại do Vedan gây ra 1.530 hộ dân Cần Giờ thiệt hại do ô nhiễm sông Thị VảiVedan xả nước đen ra sông Thị Vải
====================================================================
Ý kiến bạn đọc
* Theo tôi, Bộ Tài nguyên và môi trường cùng các cơ quan chức năng nên giải quyết rốt ráo vụ việc. Việc Vedan gây ô nhiễm đã quá rõ, báo chí cũng đề cập vấn đề này quá nhiều. Chúng ta mở cửa kêu gọi đầu tư, nhưng không bằng mọi giá, chúng ta sẽ có tội với thế hệ mai sau.
* Thực tế cho thấy công ty Vedan đã xả nước thải xuống sông Thị Vải rất nhiều năm làm thiệt hại đến môi trường sinh thái, đến sức khỏe và đời sống kinh tế của người dân trong tỉnh Đồng Nai và khu vực lân cận. Tôi nghĩ cơ quan chức năng hãy mạnh tay xử lý hành chính thật nặng đối với hậu quả do Vedan gây ra.
* Tôi nghĩ là nhà nước đã quá nhẹ tay trong việc xử lý nhà máy Vedan. Cần phải dùng những biện pháp mạnh hơn nữa, chứ nếu tình trạng này cứ tiếp tục thì không những chúng ta mà thế hệ sau sẽ bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Vedan đã góp phần làm ô nhiễm và hủy hoại môi trường sống một cách trầm trọng.
-------------
Bạn có ý kiến ra sao về vấn đề này? Hãy chia sẻ với bạn đọc Tuổi Trẻ Online qua địa chỉ email tto@tuoitre.com.vn hoặc trong phần Ý kiến bạn đọc dưới đây. Cảm ơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận