21/04/2013 05:57 GMT+7

Ở chung, ăn riêng

PHƯ CHU
PHƯ CHU

TTC - Vậy cho gọn, khỏi đụng chạm. Đó là nguyên tắc của các mẹ chồng nàng dâu thời nay. Văn minh quá chứ! tuy nhiên, tưởng chừng đã riêng, mọi chuyện sẽ yên, nhưng “thiên tai” vẫn diễn ra.

BD7O4gNj.jpgPhóng to

Khi cậu con trai đầu học đại học, bà Lê Thị Thắm bán căn nhà ở quận 3, mua miếng đất to ở Gò Vấp rồi xây một căn nhà lớn. Khi con trai lấy vợ, chồng con mới biết rõ ý đồ của bà. Bà giao cho đôi vợ chồng trẻ một cái nhà nhỏ trong khuôn viên nhà lớn. Bà hể hả nói với chồng: “Tôi biết thế nào chúng nó cũng đòi ra riêng nên tính trước rồi. Bây giờ con tha hồ riêng, chỉ chung sân chung cổng với bố mẹ thôi”. Vợ chồng cậu con trai cũng sung sướng tự do trong căn nhà riêng, muốn ăn muốn ngủ lúc nào tùy ý. Vợ chồng đi làm, gởi chìa khóa cho bố mẹ, vợ chồng đi công tác, đi du lịch… có người giữ nhà, muốn gì nữa?

Bà mẹ cũng vui, con dâu thỉnh thoảng chạy qua nói chuyện vui, hỏi thăm tặng quà cho mẹ… Nhưng một lần con bà đi làm, nhờ mẹ mở cửa để thợ vào sửa cái ống nước, bà mới phát hiện hai đứa ở bẩn khủng khiếp. Phòng ngủ thì quần áo đầy giường, phòng bếp thì đầy chén bát chưa rửa, toa-let dơ cứ như lâu ngày không ai chà rửa… Tự nhiên bà thấy bực mình, bà giao cho chúng một cái nhà ngon lành, bây giờ thấy gớm quá. Bà giận cô con dâu, phụ nữ gì mà lười biếng, ra đường thì sạch sẽ thơm phức nước hoa chỉ để lòe thiên hạ, còn nhà cửa thì để như cái tổ quạ. Bà lựa lời góp ý với con trai, không dè cậu con trả lời tỉnh bơ: “Kệ tụi con, biết vậy hồi đó má đừng bán nhà, cứ để tụi con ở xa hẳn ra…”.

Cưới dâu một nên vợ chồng con trai vẫn ở chung với bà Nguyễn Tố Oanh. Lúc đầu cả nhà ăn chung, mấy năm sau, ông bà đề xuất với con trai con dâu: “Ba má muốn ăn riêng, răng yếu rồi, nên món gì cũng phải nấu cho nhừ hết, vả lại ba má cũng ít ăn. Các con cứ nấu ăn bình thường nghen”. Vậy sáng sáng ông bố đi chợ mua đồ ăn tươi cho hai vợ chồng già, cô con dâu cả tuần mới đi siêu thị mua thức ăn cho gia đình trẻ.

Cũng từ đó, bà mẹ chồng thấy con dâu toàn cho con cháu mình ăn đồ hộp, đồ chế biến sẵn, đã vậy toàn thức ăn để cả tuần trong tủ lạnh. Thì ra, cô con dâu bận rộn, chẳng còn thời gian chăm sóc chồng con. Bà mẹ chồng xót xa cho con trai, cháu nội, lại hì hục nấu cho con cháu món này món kia và thế là cô con dâu hờn mát bảo rằng: “Chuyện của con sao mẹ lo, bộ mẹ tưởng con không biết chăm sóc chồng con sao? Ảnh thích ăn, con mới nấu chứ!”. Bà mẹ tâm sự với chồng: “Tôi thấy cho tụi nó nấu riêng cũng nguy hiểm ông à. Vợ chồng gì mà để cái bếp lạnh tanh vậy, vợ gì mà không thích nấu cho chồng ăn. Kiểu này phải xét lại, có khi ăn chung với bố mẹ chồng, mới dạy dỗ được con dâu”.

Bà M., sau khi con trai lấy vợ, bà đã đề nghị ở chung, nhưng ăn riêng. Mô hình này, theo bà nhằm để phòng chống sự xuất hiện của “giặc bên Ngô” khi hai cô em chồng ỷ có chị dâu, đùn hết mọi chuyện trong bếp cho chị dâu. Thế là, bếp chung bị xẻ ra cho hai gia đình. Cái bếp ga là của má, bếp điện là của chị dâu. Muối, đường, bột ngọt, nước mắm, nước tương… đều hai hũ, hai chai, hai lọ… Mọi việc đều êm đềm khi trong bếp mạnh ai nấy nấu, rồi mạnh ai nấy ăn.

Vậy mà nhà bà vẫn cứ nổ ra xung đột. Đó là lúc cô em chồng méc với má: “Chị dâu nấu chè, có mời má ăn không? Không hả! Trời, bà này keo thiệt. Hôm trước, má nấu bún riêu kêu cả nhà chị ăn, mà nấu nồi chè chỉ múc đủ ly cho vợ chồng con cái không mời ai ăn”. Bà mẹ cũng chướng, vậy là bà để ý, mới thấy con dâu chẳng bao giờ quan tâm đến bố mẹ chồng. Bố mẹ đau ốm, nó chẳng biết nấu miếng cháo, hay pha ly sữa. Chuyện âm ỉ, rồi có lúc cũng nổ tung. Bà mẹ nói thẳng với con trai: “Vợ chồng bây sống như khách trọ, về nhà không cần biết bố mẹ sống chết ra sao. Thì ăn riêng, chứ vẫn phải sống chung một gia đình chứ”. Cô vợ trẻ phân bua với chồng: “Em thấy má ở nhà lúc nào cũng nấu ăn đầy đủ, nhà lại có hai cô em gái gần gũi với má rồi nên em dòm ngó vào làm gì nữa. Vả lại vợ chồng mình trưa ăn cơ quan, chiều có khi ăn tiệm, ở nhà có bao nhiêu thời gian đâu mà biết má cần gì”.

“Ở chung mà ăn riêng”, chuyện tưởng nhỏ mà không nhỏ đối với không ít nàng dâu. Như tâm sự của cô Trương Ngọc Hiếu: “Ở chung, dù bếp riêng thì vẫn là chung. Bà mẹ chồng cứ nhìn vào bếp mà đoán tình hình thời sự của vợ chồng con trai: Nó giận chồng nó nên chẳng nấu gì cả, vợ chồng lục đục nên nó treo niêu, treo nồi cả tuần này rồi. Ngay cả lúc vợ chồng vui vẻ đưa nhau đi ăn tiệm, mẹ chồng cũng thấy không vui: tiền bạc không lo dành dụm, tiêu xài hoang phí. Và người bị chê trách luôn là nàng dâu”.

dcLbeS2Q.jpgPhóng to

Tuổi Trẻ Cười số 474 ra ngày 15/04/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

PHƯ CHU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên