07/06/2006 08:03 GMT+7

Nuôi mầm sống từ nỗi đau da cam

TUẤN PHÙNG - ĐẮC LAM
TUẤN PHÙNG - ĐẮC LAM

TT - Chúng tôi đến nhà người cựu binh Phạm Xuân Sang ở xã Thanh Mai (Thanh Oai, Hà Tây) cùng lúc ông kéo chiếc xe cải tiến chở mấy bao gạo về. “Qua nhà người quen xát ít lúa để mang gạo cho mấy anh em nó dùng. Nhà có sẵn lúa nên đỡ đần cho chúng nó được đồng nào hay đồng ấy” - vừa tiếp chuyện nhưng ông vẫn thoăn thoắt chuyển mấy bao gạo vào nhà.

pwbvrudw.jpgPhóng to
Gia đình ông Phạm Xuân Sang
TT - Chúng tôi đến nhà người cựu binh Phạm Xuân Sang ở xã Thanh Mai (Thanh Oai, Hà Tây) cùng lúc ông kéo chiếc xe cải tiến chở mấy bao gạo về. “Qua nhà người quen xát ít lúa để mang gạo cho mấy anh em nó dùng. Nhà có sẵn lúa nên đỡ đần cho chúng nó được đồng nào hay đồng ấy” - vừa tiếp chuyện nhưng ông vẫn thoăn thoắt chuyển mấy bao gạo vào nhà.

Mệt thân cha mẹ, ấm lòng con

Đặt chân đến chiến trường Quảng Trị vào tháng 12-1967, người lính trẻ Phạm Xuân Sang (trung đoàn 64, sư đoàn 320) chứng kiến những cánh rừng già chết khô vì chất độc. “Một lần cùng đồng đội đi trinh sát ở đồi Mâm Xôi ( phía tây Quảng Trị) chúng tôi bị máy bay T28 phun xuống người chất nước trắng như sương mù.

Lúc đó chỉ thấy ho và tức thở. Sau này thấy con dị tật, mình đi khám mới biết là nhiễm chất độc da cam”. Sau chiến dịch Nam Lào (1971), ông được thưởng tám ngày phép về thăm quê và được bố mẹ hỏi cưới cô thôn nữ Nguyễn Thị Lợi.

Ngày 30-4-1975, người con trai cả Phạm Xuân Trường chào đời trong niềm vui ngày đại thắng. To khỏe, hồng hào nhưng càng lớn lên đôi mắt của Trường cứ mờ dần. Lúc Trường lên 4, thấy bà nội mách: “Nó toàn dắt tao vào bụi, bờ ao”, ông đưa con đi khám mới biết một mắt không nhìn thấy, mắt còn lại thị lực chỉ 1/10.

Cuối năm 1976, người con trai thứ hai Phạm Văn Sơn ra đời cũng mang phải dị tật bẩm sinh như anh. Mắt Sơn cứ mờ dần. Đến năm Sơn học lớp 9, thị lực chỉ còn 1/10 và mấy năm sau thì mù hẳn.

Hai người con gái Phạm Thị Thu Hà (1980) và Phạm Thị Thu Thủy (1981) may mắn có đôi mắt bình thường, nhưng người con gái út của ông là Phạm Thị Hồng (1984) - SV năm 3 khoa thông tin thư viện Trường ĐH Khoa học xã hội - nhân văn (ĐHQG Hà Nội) - lại kém may mắn, cũng tật nguyền như hai anh.

Để nuôi năm người con ăn học, vợ chồng ông Sang đã không từ chối bất cứ việc gì. Sau ngày phục viên ông Sang làm kế toán hợp tác xã nhưng thời gian rỗi là “ai thuê gì làm nấy”. Vợ vừa làm ruộng vừa chạy chợ buôn bán lặt vặt.

Còn chồng buổi tối xin đi gác sân kho hợp tác xã, 4 giờ sáng đi đóng gạch thuê, đến trưa lại đi đóng gạch, đóng than. Để có hàng cho vợ đi chợ, ông bà mua củ sắn đen (gác trên giàn bếp) của người dân tộc thiểu số về ngâm nước, lấy ruột xay bán. “Bán cho người nuôi lợn nhưng mình dùng thay cơm...”. Năm 1985, ông Sang, bà Lợi chuyển ra bán hàng ở Bệnh viện Đa khoa Thanh Oai nhưng “ai thuê đào mương, chở phân cũng thay nhau làm.

Có người thuê khâm liệm, đào huyệt cũng không từ chối. Mãi đến năm 2000, bốn bố con mới được chế độ hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam. “Giờ nghĩ lại thấy ngày đó mình cực như thân trâu bò” - bà Lợi nói vui về những ngày vất vả đã qua.

xW4gt9Gx.jpgPhóng to
Phạm Văn Sơn đang đọc lại Việt Nam dược tính diễn ca
Phạm Văn Sơn đã bỏ ra hai năm chuyển dịch quyển Những cây thuốc và vị thuốc VN của GS Đỗ Tất Lợi sang chữ nổi. 400 vị thuốc trong quyển này được Sơn chuyển thành những tập thơ mang tên Việt Nam dược tính diễn ca. “Nó không có ý nghĩa văn chương nhưng để cho người đọc dễ nhớ các bài thuốc theo kiểu câu ca dân gian”. Đoạn viết về tác dụng chữa bệnh của cây sung (nhựa sung) được Sơn chuyển như sau:

"Mụn nhọt rửa sạch, lau khô/Nhựa sung trực tiếp bôi vô nhiều lần/Hoặc giã nhựa với lá non/ Đắp kín mụn nhọt nếu còn chưa tan...".

Hiện Sơn đang dịch tiếp bộ sách về phương pháp xoa bóp bấm huyệt của Nhật Bản (bằng tiếng Anh) mà anh mang về từ năm 2004 sau khi hoàn thành khóa học sáu tháng về xoa bóp bấm huyệt tại Nhật Bản (Tổ chức JICA tài trợ).

Quả ngọt

Nuôi con cực nhọc nhưng điều làm ông bà ấm lòng là những người con không hề mặc cảm vì hoàn cảnh mà vẫn nỗ lực vươn lên tạo dựng cuộc sống.

Vượt qua những khó khăn của người khiếm thị, người con cả Phạm Xuân Trường đã tốt nghiệp khoa văn Trường CĐ Sư phạm Hà Tây và tốt nghiệp khoa văn ĐH Huế (hệ đào tạo từ xa).

Hiện nay, anh đang là giáo viên của Trung tâm Đào tạo và phục hồi chức năng của T.Ư Hội Người mù nhưng nhắc đến anh, ông Sang vẫn nghẹn ngào khi kể về chuyện anh giấu gia đình đi bán máu ở bệnh viện để lấy tiền đóng học phí. “Để được nên người cháu phải đổi bằng máu và mồ hôi của mình”.

Với Phạm Văn Sơn, hành trình học tập gian nan hơn. “Vì không nhìn được bảng nên từ năm lớp 1 đến lớp 4 mình toàn học vẹt chứ không biết chữ. Năm nào cũng thi lại, năm lớp 4 thì lưu ban. Lúc học lưu ban thì nhà chuyển ra bệnh viện bán quán nên được các bác sĩ dạy lại chữ bằng cách cho ngồi ở chỗ có ánh sáng tốt, học một thời gian thì đọc được sách báo”.

Từ đó, đến lớp Sơn xin cô cho ngồi gần cửa sổ nên vươn lên học nhất nhì lớp. Đến năm lớp 9 thì Sơn không đọc được sách nữa vì thị lực chỉ còn 1/10 nhưng vẫn đi đóng gạch thuê, bán kem phụ giúp bố mẹ.

Lên cấp III, Sơn phải nhờ bạn bè đọc giúp. Nhưng lúc thi viết Sơn toàn bị điểm 1, 2 vì không thể viết chữ đúng vị trí. Vì thế thi tốt nghiệp THPT đến lần thứ ba Sơn mới đỗ. Không chịu khuất phục,

Sơn đến hội người mù của tỉnh xin học chữ nổi rồi cặm cụi đạp xe bất chấp bao lần bị ngã, bị tai nạn (mắt còn 1/10) lên Trường mù Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) và Trung ương Hội Người mù mượn sách chữ nổi về đọc.

Được thầy giáo cho một ít sách tiếng Anh cùng băng cassette, Sơn mang về luyện đọc, luyện nghe. Cùng lúc này, Sơn chuẩn bị thi tiếp đại học bằng cách làm một bảng tôn lót xốp, căng dây thay dòng kẻ ở phía trên rồi luồn tờ giấy phía dưới, ghim lại để viết cho thẳng hàng.

Tốt nghiệp Viện ĐH Mở Hà Nội, đi xin việc nơi đâu cũng không nhận, Sơn thi tiếp vào Viện Y học cổ truyền Việt Nam (hệ trung cấp). Tốt nghiệp, Sơn về dạy ở hội người mù của tỉnh một năm rồi về mở phòng khám bốc thuốc châm cứu tại nhà.

Năm 2003, Sơn (lúc này mắt đã mù hẳn) luyện tay nghề xoa bóp, bấm huyệt, rồi cùng bốn người bạn đồng cảnh ngộ mở cơ sở khám chữa bệnh mang tên Đức Sơn tại 604 Quang Trung (Hà Đông).

Hiện mỗi ngày có khoảng 30-40 lượt người đến kê đơn và xoa bóp bấm huyệt tại cơ sở, đem lại thu nhập cho chín lao động (phần lớn là người khuyết tật) ở đây từ 800.000đ - 1,5 triệu đồng/tháng. Sơn cũng tạo dựng thêm một cơ sở tại Xuân Mai (Hòa Bình) cho bốn người mù làm việc...

Vợ chồng ông Sang càng tự hào hơn khi cô con gái Phạm Thị Thu Hà thi đỗ vào làm việc tại chuyên khoa nhi Bệnh viện Hà Tây sau khi tốt nghiệp ĐH Y Thái Bình.

Phạm Thị Thu Thủy tốt nghiệp khoa tiếng Nhật ĐH Ngoại ngữ và được nhận vào làm ở một công ty của Nhật (Suncall Technology) tại Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội). “Cả Sơn, Thủy đều lập gia đình vào năm 2005, nhưng các anh chị vẫn cùng nhau giúp đứa em út học xong đại học”.

Vẫn làm 1 mẫu ruộng, chăn nuôi lợn gà nhưng ông Sang, bà Lợi coi như mình đã được nghỉ ngơi sau bao năm vất vả nuôi con.

Dựng được ngôi nhà, ông lại xây thêm cái miếu nhỏ bên cạnh để thờ phụng người anh trai nhập ngũ cùng đơn vị hi sinh tại Cửa Việt. “Bác hi sinh chưa tìm thấy hài cốt nên phải thờ tự thế này cho các cháu nó hương khói khỏi quên”.

TUẤN PHÙNG - ĐẮC LAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên