23/06/2012 07:07 GMT+7

Nước miếng chuyện không nhỏ

BS. TỊT TUỐT 
BS. TỊT TUỐT 

TTC - Đi đường, đôi khi bạn xui xẻo lãnh nguyên đám mưa nước miếng của người chạy xe phía trước phun xuống đường. Ra khỏi miệng, nước miếng trở thành chất dơ bẩn mất vệ sinh khiến bạn thấy ghê ghê, nhưng khi còn ở đúng vị trí của nó, nước miếng lại rất quan trọng mà không phải ai cũng biết.

“Nhỏ mà có võ”

“Nhà máy” sản xuất nước miếng nằm ở ba đôi tuyến: 2 tuyến mang tai, 2 tuyến dưới hàm và 2 tuyến dưới lưỡi, trong đó thành phần chủ yếu là nước (98%), còn lại là chất nhầy mucine, calci, natri, bicarbonate, phosphate, men amylase và một số chất kháng vi khuẩn.

Chúng có khá nhiều nhiệm vụ, mà một trong những nhiệm vụ quan trọng là tham gia vào chất lượng giọng nói. Khi nào bị khô miệng, bạn sẽ thấy cơ quan “phát thanh” khó mà trơn tru, uốn éo hay hùng hồn được.

Khi chúng ta ăn, nước miếng làm thức ăn lỏng và mềm hơn giúp bộ răng nhai, nghiền, quyện lại thành viên dễ dàng nuốt qua thực quản. Trong nước miếng có men amylase giúp tiêu tinh bột sống (khi bạn ăn khoai sống, gạo sống chẳng hạn) biến chúng thành đường maltose. Nước miếng giúp trung hòa tính acid của thực phẩm nên bảo vệ men răng. Đồng thời nó chứa chất kháng khuẩn nên được coi như hàng rào phòng vệ, tráng bề mặt miệng nhằm tiêu diệt một số vi khuẩn có hại.

Thế thì tại sao sáng dậy miệng ai cũng hôi?

Là bởi điều hòa việc bài tiết nước miếng do các dây thần kinh tự chủ ở trên não. Ban đêm các dây thần kinh này cũng ngủ, chẳng còn nước miếng làm nhiệm vụ “tráng, rửa” nữa, bọn vi khuẩn cư ngụ nơi đây bèn lên men các thực phẩm còn dính trong miệng. Sự lên men này thường xảy ra ở kẽ răng, nếp gấp niêm mạc miệng, và khi chúng ta thở, luồng không khí sẽ đưa “hương” tỏa lan. Đây là lý do các bác sĩ nha khoa khuyên chúng ta đánh răng sáng và tối, càng làm sạch miệng thì “hương hôi” càng ít.

Khô miệng cũng mệt

Nhìn lượng nước miếng ít ỏi trong miệng vậy chứ mỗi ngày 6 “nhà máy” sản xuất từ 1,2 - 1,5 lít nước miếng. Tuy vậy, nhiều người vẫn bị khô miệng. Bạn bị khô miệng có hai nguyên nhân cơ bản: Một là “nhà máy” bị tổn thương như hóa trị vùng đầu, mặt, cổ, HIV/AIDS, tiểu đường hay bệnh của hệ thống tự miễn (cơ thể chống lại tuyến nước mắt, nước miếng khiến chúng ngưng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng). Những người uống thuốc hạ huyết áp, chống dị ứng, thuốc lợi tiểu…cũng ức chế hệ thần kinh chủ động nên bài tiết nước miếng kém, gây khô miệng. Chuyện cũng hay xảy ra với những trẻ hay người lớn bị nghẹt mũi phải thở bằng miệng, hơi thở ra ngoài rủ luôn nước miếng đi theo .

Khô miệng còn liên quan đến tâm lý. Bạn buồn bã, căng thẳng đều làm cho thần kinh tự chủ mệt mỏi, không muốn điều hành các “nhà máy” sản xuất nước miếng nữa.

Miệng ta ướt, ta không cảm thấy gì, nhưng khi nó khô thì việc ăn bắt đầu khó khăn từ động tác nhai đến nuốt, không còn cảm giác ngon nữa. Khô ở miệng cũng sẽ khô luôn họng nên viêm họng, khô cả dây thần kinh chỉ huy âm thanh nơi đây nên giọng khàn, hơi thở hôi, răng sâu, viêm nướu răng… Từ đó chấn động cả bộ máy tiêu hóa bởi “dây chuyền” bị trục trặc từ khâu đầu tiên thì các khâu kế tiếp cũng bất ổn.

Bảo vệ nhà máy sản xuất nước miếng

Cũng là bảo vệ răng miệng bằng cách đánh răng ngày 2 lần. Bạn nào thích nhai kẹo cao su hoặc kẹo không đường cũng có lợi là kích thích các tuyến sản xuất nước miếng nhiều hơn. Ngược lại bạn cần hạn chế các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá để thần kinh sản xuất nước miếng hoạt động thuận lợi. Còn bạn nào chẳng may bị bệnh vùng đầu, mặt, cổ hoặc bệnh ngay tuyến nước miếng thì cần gặp bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng để được dùng nước miếng nhân tạo.

Sq8MHoCe.jpgPhóng to

Tuổi Trẻ Cười số 453 (1-06-2012) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái!

BS. TỊT TUỐT 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Nước miếng