16/11/2007 06:05 GMT+7

Nước mắt hèn nhát

MINH TÂM
MINH TÂM

TT - Hầu như những bị cáo phạm tội danh “cố ý gây thương tích cho người khác”, “cướp tài sản”đều ở độ tuổi khá trẻ. Tại tòa, hầu hết những người trẻ ấy đã khóc. Nhưng những gì họ gây ra thì còn nhiều người phải khóc...

NSq2qad7.jpgPhóng to
Từ một lao động chính, giờ ông Kiển trở thành tàn tật, là gánh nặng cho gia đình mình
TT - Hầu như những bị cáo phạm tội danh “cố ý gây thương tích cho người khác”, “cướp tài sản”đều ở độ tuổi khá trẻ. Tại tòa, hầu hết những người trẻ ấy đã khóc. Nhưng những gì họ gây ra thì còn nhiều người phải khóc...
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Khoảng 19 giờ ngày 24-5-2006, Nguyễn Văn Thanh chở cha vợ là ông Nguyễn Văn Kiển về nhà. Đến quãng đường hẹp, một bên là ruộng lúa, ao cá, một bên là kênh, trời lại mưa, tối đen nên khi nghe tiếng còi môtô của Trương Văn D. chở Lê Phương T., Nguyễn Tuấn E. hối thúc rất rát phía sau Thanh vẫn không dám nhường đường vì sợ hai xe chạy song song nguy hiểm, có thể bị rớt xuống kênh. Đến đoạn đường rộng, Thanh mới dám nhường.

Vụ án thứ nhất: yêng hùng hay hèn nhát?

Vượt qua được vài mét, D. đột ngột quay đầu xe lại, xe Thanh ở phía sau trờ tới thắng không kịp quẹt vào đuôi xe D.. Lập tức E. nhảy xuống đánh Thanh, còn T., D. đấm, đá ông Kiển tới tấp mặc ông đang nằm lăn dưới đất. Những cú đấm đá tàn bạo khiến mắt phải của ông Kiển bị mù vĩnh viễn, gãy cả răng, gây thương tích tổn hại đến sức khỏe 41%.

Những người dự khán phiên tòa ngày 25-10-2007 tại TAND TP Cần Thơ ngỡ ngàng đến phẫn nộ khi thấy các bị cáo ở độ tuổi khá trẻ, chỉ vì lý do hết sức vô lý mà đánh người đáng tuổi cha mình đến tàn phế. Chủ tọa xót xa: “Chỉ vì anh Thanh sợ nhường đường nguy hiểm cho cả hai xe mà bị cáo lại đánh hội đồng một người đáng tuổi cha mình. Giờ bị cáo có cảm thấy mình là yêng hùng hay hèn nhát khi có hành động như thế?”. Các bị cáo gục mặt ê chề.

Ông Kiển làm nghề thợ mộc, kiếm được 40.000 đồng/ngày, cộng thêm một công vườn do vợ chăm sóc đủ gói ghém ba miệng ăn. Những ngày nằm viện, gia đình phải vay mượn trên chục triệu đồng lo thuốc thang. Ông có bốn người con, dựng vợ gả chồng ba người, các con cũng làm thuê làm mướn nên không thể giúp cha trong cơn khốn đốn. Điều kinh khủng nhất là giờ ông không còn sức lao động, từ trụ cột chính của gia đình trở thành gánh nặng. Cô con gái học lớp 10 xót ruột khi thấy cơm ngày hai bữa không đủ ăn nên xin nghỉ học đi may gia công phụ giúp mẹ. Vợ chồng ông nhất quyết không cho nhưng làm sao để con được học tiếp lên cao là bài toán khiến ông nhức nhối...

Vụ án thứ 2: bần cùng sinh đạo tặc

iDXLFIGL.jpgPhóng to
Với phần đầu phập phù vì thiếu sọ, anh Long vẫn hành nghề xe ôm để nuôi vợ, con mỗi ngày - Ảnh: M.Tâm
Ngày 26-7-2007, TAND TP Cần Thơ mở phiên sơ thẩm xét xử Tô Văn L. (sinh 1980) và Nguyễn Thị T. (sinh 1984) về tội “giết người” và “cướp tài sản”. Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, 20g30 ngày 26-11-2006, hai vợ chồng L. và T. thuê anh Tô Văn Long chở xe ôm đi và về từ quận Bình Thủy đến chợ Ba Se (quận Ô Môn). Đến hơn 21 giờ xe chạy đến đoạn đường vắng, T. kề dao vào cổ anh Long bảo ngừng xe, khi anh Long vừa cho xe chậm lại, L. dùng búa từ phía sau đập vào đầu anh khiến xe ngã, anh Long tri hô. L. tiếp tục đập vào trán anh làm rớt búa. T. dựng xe lên định chạy thì anh Long trườn đến xô T. để giữ xe lại. L. nhào đến rượt đánh anh bằng tay. Cùng lúc, người dân nghe tiếng kêu cứu ào đến...

Tại tòa, hai bị cáo tỏ ra ăn năn hối hận và chỉ nhận mình tội “cướp tài sản” chứ không “giết người” và cũng vì nghèo quá mới đi ăn cướp. Lời cuối cùng trước khi tòa nghị án, T. xin được giảm nhẹ án: “Xin tòa xử nhẹ để bị cáo về nuôi hai con nhỏ, đang gửi ngoại chăm sóc”. Tòa tuyên mỗi bị cáo 20 năm tù, bị cáo T. khóc nức nở. 20 năm ấy, hai đứa trẻ con của họ sẽ đi đâu, về đâu khi bà ngoại đang ở cái tuổi gần 60 lại quá nghèo khó.

Đồng nghiệp cho biết anh Long rất chịu thương chịu khó, cần cù chạy xe ôm. Vợ anh làm thuê, họ chắt chiu từng đồng nuôi con ăn học. Gia tài lớn nhất là chiếc xe Trung Quốc cũ kỹ mà anh Long mua bốn năm trước với giá 5 triệu đồng. Khi bị L. dùng búa đập đầu máu ra lai láng, xây xẩm mặt mày nhưng anh vẫn cố lết đến ghì giữ xe lại bởi nó là nguồn sống của cả nhà.

Lúc nhập viện, bác sĩ bảo phần sọ bên trái bị lõm, nếu không phẫu thuật dẫn đến động kinh, rất nguy hiểm tính mạng. Nhưng cần chục triệu đồng để làm phẫu thuật, trong khi 2 triệu tiền thuốc men cả vợ chồng còn phải chạy vạy mượn giờ chưa trả dứt. Từ ngày kinh hoàng ấy đến nay đã một năm, không tiền cho ca mổ nên anh cứ để cái sọ phập phù như thế dãi dầu nắng mưa chở khách kiếm 30.000-40.000 đồng/ngày. Hôm nào trời nắng gắt hoặc trở lạnh là đầu anh nhức buốt, để giảm đau anh mua viên Alaxan uống.

Anh tâm sự: “Tôi sợ mình chết, vợ con không biết sống ra sao. Với bản án tử treo lơ lửng thế này, tôi trăng trối, dặn dò vợ con trước, sợ không còn dịp...”. Vợ anh nước mắt ràn rụa, giọng nấc nghẹn: “Phải chi cho sọ được thì chị cũng cho ảnh, ảnh sống còn nuôi được con, chứ chị làm thuê sao nuôi nổi thằng bé ăn học. Nghe nói bán thận có tiền lắm, nhưng không biết bán ở đâu!”. Đứa con trai 12 tuổi khóc rấm rứt: “Mẹ con mình cùng bán thận để chữa bệnh cho ba, nha mẹ...”.

Ở hai phiên tòa đều thấy nhiều nước mắt. Vị quan tòa đã nói đúng: khi D. hùng hổ đấm đá ông Kiển ở tình huống một kẻ thắng thế thì y không phải là một tay hảo hớn hay kẻ yêng hùng mà chính là một tên hèn nhát, không chế ngự được mình. Còn vợ chồng T. - L., nếu ai cũng vì nghèo mà đi giết người cướp của thì liệu anh em, bà con, cha mẹ và chính họ hoặc con cái họ rồi có ngày yên ổn để được làm ăn, học hành hay không?

MINH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên