Phóng to |
Các vị khách nhí của triển lãm Trẻ em thời chiến (kéo dài từ ngày 7 đến 14-9 tại 93 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội) - Ảnh: Hoàng Thu Phố |
Trước giờ triển lãm khép lại, các thầy cô giáo một trường tiểu học trên phố Pháo Đài Láng - cách nhà triển lãm hơn 5km - đã kịp đưa hơn 20 em nhỏ tới. Những đôi mắt tròn xoe, chăm chú dõi theo từng hình ảnh, từng lời thuyết minh.
Trước đó, hai cậu bé Lê Gia Bách và Nguyễn Hải Tường Linh (học sinh lớp 5C Trường tiểu học Tràng An, nhà ở khu tập thể 3B Đặng Thái Thân) mang theo chiếc máy ảnh kỹ thuật số bỏ túi mượn của mẹ, vừa đi vừa chụp, vừa xuýt xoa: “Lần đầu tiên cháu xem nhiều hình ảnh hồi chiến tranh đến thế. Cháu thấy hồi xưa các bạn khổ hơn bây giờ nhiều quá...”.
Dễ hiểu vì sao đến với triển lãm này lại đông người già và trẻ em. Những đứa trẻ hồi ấy, những năm 1960-1970 của thế kỷ trước, đến để sống lại một thời với những kỷ niệm vừa hồn nhiên vừa đắng chát. Mà vui. Vui vì tất cả đều có tuổi thơ “bình đẳng”. Tất cả cùng đồng lòng chia ngọt sẻ bùi. Tất cả cùng quần rách, áo vá, mũ rơm. Tất cả đều đứng chung dưới gầm trời bom đạn, sẻ chia từng tán cây, từng nắp hầm trú ẩn.
Họ đến, dẫn theo những đứa con, đứa cháu tuổi lên năm, lên mười. Đi bước một, chầm chậm lướt qua từng tấm ảnh, để kể lại những câu chuyện tưởng chừng như cổ tích, tưởng chừng như đã nằm yên đâu đó trong sâu thẳm cõi lòng.
Những khuôn mặt trẻ thơ đôi mắt tròn xoe, nhưng phần lớn đã phải đeo kính cận, mắt đăm đắm nhìn, tai chăm chú nghe những câu chuyện của ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo kể lại. Ngỡ như là chuyện bịa. Nhưng nay, những hình ảnh này, từng vật dụng chiến tranh đã không còn trong đời sống hằng ngày nữa này là có thật. Rất sống động. Rất hồn nhiên, nhất là những tấm ảnh màu do các nhà báo thuộc Hãng tin truyền hình Nihon Denpa News (NDN, Nhật Bản) chụp. Tất cả, đẹp như tranh cũng có, váng vất sự khốc liệt chiến tranh cũng có, đói nghèo và thiếu thốn thì nhiều và dễ nhận thấy, nhưng ảnh nào cũng đầy ắp thông tin và thấp thoáng như một tứ thơ.
Có những giọt nước mắt đã rơi khi xem triển lãm này. Những giọt nước mắt vì hạnh phúc, vì cảnh ấy, người ấy đã chạm vào một vùng sâu thẳm trong con người ta, để làm bừng dậy lòng ghét hận chiến tranh. Và những giọt nước mắt rơi để nhớ thương về bạn bè, người thân đã vĩnh viễn hòa tan trong lòng đất thấm đẫm máu xương một thời.
Từ nước Đức xa xôi, chỉ cần xem vài hình ảnh chụp lại vội vã trong triển lãm, nhà văn Lê Minh Hà, sinh năm 1962, đã chia sẻ tâm trạng cá nhân trên mạng xã hội: “Xem những tấm ảnh, suýt khóc cả nhà ạ...”. Còn có mặt tại triển lãm, nhà văn Lê Phương Liên tâm sự: “Tôi rất xúc động khi nhìn lại những hình ảnh “tuổi thơ của chúng tôi”. Cách chụp ghi lại sống động những nét đời thường sẽ còn lưu lại trong ký ức của người xem...”.
Thần đồng thơ Trần Đăng Khoa thuở nào, giờ bước vào triển lãm với tâm thế của người đàn ông 55 tuổi, bố của hai thiên thần nhỏ, vậy nhưng không khỏi bồi hồi. Ông ngồi viết vào sổ cảm tưởng: “Tôi được trở lại, được sống lại một thời đẹp nhất của cuộc đời mình”.
Riêng bà Huỳnh Ngọc Vân - giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (28 Võ Văn Tần, TP.HCM) - tha thiết mong “một ngày gần đây, triển lãm được tổ chức ở Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP.HCM) để nhân dân miền Nam hiểu thêm về cuộc chiến tranh đã qua...”.
Mong là thế, những bức ảnh còn có thể bày ở công viên, vườn hoa... để bất cứ ai cũng có thể xem.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận