Công đâu công uổng công thừaCông đâu gánh nước tưới dừa Tam QuanCông đâu công uổng công oanCông đâu gánh nước Tam Quan tưới dừa
![]() |
Đậu hũ kho nước mắm dừa |
Chắc hẳn bạn từng nghe đến những món ngon đặc sản xứ dừa như: lẩu dừa, cơm dừa, bánh tráng dừa, tôm hấp dừa... Nhưng có một món đặc biệt ít ai biết đến là: nước mắm dừa. Nước mắm dừa có từ lúc nào thì thật khó xác định, chỉ biết trong những năm kháng chiến gian khổ ác liệt, đường vận chuyển bị cắt đứt thì đây là món không thể thiếu trong các bữa cơm đạm bạc của người dân.
Cách chế biến nước mắm dừa cực kỳ đơn giản, không dụng công cầu kỳ mà chỉ cần chịu khó và kiên nhẫn. Các bạn hãy thử làm một lần xem sao nhé. Lấy khoảng 20 lít nước dừa già cho vào xoong, đun sôi, để lửa liu riu và giữ độ sôi thật đều, chú ý mở vung nồi. Khi nước dừa còn khoảng 2 lít và ngả dần sang màu vàng thì cho muối vào vừa đủ mặn. Nhắc xoong xuống để nguội, cho vào chai dùng dần.
Thoạt nhìn nước mắm dừa cũng giống các loại nước mắm khác làm từ cá biển: có màu vàng, vị mặn, mùi thơm ngon đặc trưng. Không chỉ được dùng làm nước chấm, nước mắm dừa còn được dùng như một loại gia vị đặc biệt trong các món ăn, nhất là các món chay. Đậu hũ kho nước mắm dừa vừa mềm, vừa thơm. Ăn một miếng với gạo tháng 10 trắng tinh, nóng hổi thấy mịn tan nơi đầu lưỡi, ngon cơm không gì bằng. Bát canh riêu cua ngày hè nếu nêm thêm một ít nước mắm dừa sẽ làm cái vị ngọt thanh, trong mát thêm đậm đà.
Nhớ khi còn sống, vào những ngày cúng giỗ bà tôi thường lặng lẽ rót một chén nước mắm dừa kính cẩn đặt lên mâm cơm cúng gia tiên. Ngày nay, do sự phát triển của ngành thủy hải sản địa phương, có nhiều loại nước mắm cá khác nhau nên ít ai còn chế biến mắm dừa. Tuy vậy, nước mắm dừa vẫn không bị lãng quên hẳn mà vẫn hiện diện trong mái bếp từng nhà như một hương vị không thể thiếu của quê hương đất võ.
Chai nước mắm dừa cất giữ lâu ngày vẫn được các bà, các mẹ đem ra dùng trong những bữa cơm mời khách. Đó chính là tình cảm chân thật, tấm lòng hiếu khách của người dân Bình Định cần cù, mộc mạc và chất phác.
Áo Trắng số 12 (ra ngày 1/7/2010) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận