19/05/2006 04:13 GMT+7

"Nước mắm đâu?"

NGUYỄN LÊ BÁCH (nguyên đại sứ Việt Nam tại Ai Cập)
NGUYỄN LÊ BÁCH (nguyên đại sứ Việt Nam tại Ai Cập)

TT - Được cử làm đại sứ ở bất kỳ quốc gia nào thì một trong những công việc phải lo toan, chuẩn bị nhiều nhất, đó là tổ chức kỷ niệm ngày quốc khánh của nước mình. Ngoài những việc về mặt tinh thần còn có việc khá “nặng” là chuẩn bị một buổi chiêu đãi. Trong tiệc đó, dù thế nào chăng nữa cũng phải có một vài món VN để... khoe với thiên hạ.

NRfPScdq.jpgPhóng to
Một buổi chiêu đãi nhân dịp Quốc khánh VN của đại sứ quán VN tại Ai Cập
TT - Được cử làm đại sứ ở bất kỳ quốc gia nào thì một trong những công việc phải lo toan, chuẩn bị nhiều nhất, đó là tổ chức kỷ niệm ngày quốc khánh của nước mình. Ngoài những việc về mặt tinh thần còn có việc khá “nặng” là chuẩn bị một buổi chiêu đãi. Trong tiệc đó, dù thế nào chăng nữa cũng phải có một vài món VN để... khoe với thiên hạ.

Hai món chủ lực trong các tiệc quốc khánh - và có thể nói khá phổ biến ở các đại sứ quán (ĐSQ) VN tại nước ngoài - là món chả giò (miền Bắc gọi là nem rán) và món gỏi cuốn (miền Bắc thường gọi là nem cuốn).

Hình thức tiệc thông thường là tiệc đứng (buffet). Đương nhiên hai món chủ lực phải làm nhiều, bởi những món khác đặt ở khách sạn thì thiên hạ đã ăn nhiều, biết rõ. Vậy mà hai món này lại không thể... thuê ai, vì là món chỉ có ở VN! Xin bạn đọc của Tuổi Trẻ hình dung giùm: tiệc quốc khánh phải mời ít nhất là 250 khách, vậy là phải chuẩn bị tối thiểu khoảng 1.500 cái chả giò, chừng đó cái gỏi cuốn nữa, mà tổng nhân lực của ĐSQ chỉ gồm hơn chục người!

Vậy là sáng sớm ngày 2-9, từ đại sứ, phu nhân, tham tán, đến các bí thư, tùy viên, anh em nhân viên... đều phải xắn tay áo lo gói nem, còn anh bạn cấp dưỡng thì lo kiếm một chiếc ghế cao ngồi... ôm lấy cái chảo lớn trên bếp gas mà rán trong nhiều giờ liền! Gỏi cuốn lại có những “tiêu chí” riêng: gói đẹp, tươi, không khô quá mà cũng không nát quá...

Gần 20 năm công tác và xa xứ, tôi đã tham gia khoảng hơn mười lần chiêu đãi quốc khánh. Khách mời cũng đều thuộc hàng cao cấp: phó thủ tướng, tổng thư ký đảng cầm quyền, nhiều bộ trưởng, các đại sứ và phu nhân trong ngoại giao đoàn... nhưng trong tất cả những lần đó, điều kỳ diệu là hai món chủ lực chả giò và gỏi cuốn bao giờ cũng hết sạch, và hết sớm!

Một kỷ niệm vui vui: Quốc khánh 2-9-1998 tại Ai Cập. Hai vợ chồng đại sứ Indonesia mới sang nhận công tác, đến dự và chúc mừng ĐSQ VN rất sớm. Sau những thủ tục thường lệ: diễn văn, chúc rượu... rồi mời khách sang phòng ăn (thật ra ba phòng mở thông nhau, tận dụng cả hành lang với những bàn dài đặt thức ăn), ông bà đại sứ dừng lại ngay nơi để chả giò và gỏi cuốn.

Bà đại sứ nhanh nhẹn lấy một đĩa cho chồng và một đĩa cho mình, rồi hỏi một câu làm tất cả chúng tôi...bất ngờ: “Where is nuoc mam ?” (Nước mắm đâu?). Thật ra chúng tôi đã chuẩn bị nước mắm, nước mắm Phú Quốc hẳn hoi, pha chế đúng bài bản nhưng... không dám đưa ra trên bàn tiệc bởi biết rằng cái mùi nước mắm không dễ... thuyết phục đối với khách nước ngoài! Anh em vội vào bếp bưng ra một khay những chén nước mắm nhỏ, và ông bà vui vẻ nhận mỗi người một chén cho mình rồi chấm ăn một cách ngon lành!

Bà đại sứ còn kéo phu nhân các nước khác đến, hăng hái giới thiệu hai món này, và các phu nhân đều hưởng ứng bằng cách dùng... tay để nhặt, chấm nước mắm, không cần đến dao, nĩa gì hết! Đứng ở xa, vì còn dở câu chuyện với mấy khách VIP, tôi nhìn thấy bà đại sứ phu nhân chấm ngón tay vào chén nước mắm và đưa lên miệng mút ngón tay một cách thích thú nữa!

Một lúc sau, chúng tôi đến nhóm khách đó để chào và cụng ly, được nghe hai ông bà say sưa kể lại nguồn gốc của sự làm quen với hai món... khoái khẩu và chén nước mắm VN này. Thì ra cả hai ông bà đã có nhiều năm học và tốt nghiệp ở Trường ĐH Sorbonne, Paris.

Bà vui vẻ khoe: “Ngày chủ nhật nào chúng tôi cũng đến một restaurant VN ở Paris để nếm thức ăn VN, và sau đó là... mắc ghiền rồi!”. Bà còn “chứng minh” với chúng tôi bằng cách đưa chén nước mắm lên miệng để... húp, và thầm thì với vợ tôi: “Tuyệt vời! Hôm nào đó, tôi sẽ đến nhà ông bà để học gói món này và học pha chế nước mắm!”. Không biết ông bà “tuyên truyền” cho VN lúc nào, mà hai món chủ lực này đã được anh em phục vụ bưng thêm lên đến lần thứ... ba mà vẫn hết sạch!

Những bữa chiêu đãi tại các khách sạn năm sao ở TP.HCM thì quá... siêu rồi, nhưng tôi vẫn nghĩ hơi khác: các món được nêu trong dự kiến, sang thì có sang, ngon thì có ngon, nhưng với các quan chức SOM 2 chắc không phải là lần đầu được... nếm, mà có khi còn quá quen nữa! Tại sao ta không giới thiệu một số món ăn VN? Tôi đã đọc ở đâu đó một câu nói của một học giả: “Muốn tìm hiểu một nền văn hóa, cách tốt nhất để bắt đầu là bằng con đường ẩm thực!”. Càng suy ngẫm, càng thấy chí lý.

(*) Xem Tuổi Trẻ từ 12-5-2006.

NGUYỄN LÊ BÁCH (nguyên đại sứ Việt Nam tại Ai Cập)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên