03/10/2006 06:32 GMT+7

Nước giếng khoan "đóng chai"

TRẦN ĐÌNH TÚ
TRẦN ĐÌNH TÚ

TT - Trên thị trường Hà Nội có hàng chục loại nước đóng chai từ nước giếng khoan không có nhãn mác hợp lệ! Một đại lý trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) nói người mua biết “hàng” không có nhãn mác nhưng vẫn sử dụng vì giá chỉ bằng 1/4, 1/5 hàng chính hãng.

XA4Ibx8G.jpgPhóng to
Những bình nước loại 20l không rõ nguồn gốc bày bán "vô tư" trên vỉa hè - Ảnh: Đ.Tú
TT - Trên thị trường Hà Nội có hàng chục loại nước đóng chai từ nước giếng khoan không có nhãn mác hợp lệ! Một đại lý trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) nói người mua biết “hàng” không có nhãn mác nhưng vẫn sử dụng vì giá chỉ bằng 1/4, 1/5 hàng chính hãng.

Đánh phèn là xong tất!

Hùng - một chủ đại lý nước trên đường Tây Sơn - dẫn chúng tôi đến một cơ sở sản xuất nước đóng chai (NĐC) ở Cự Khối, Long Biên - một căn nhà hai tầng nằm sâu trong ngõ và lúc nào cũng cửa đóng sùm sụp, chỉ hé lên cho khách quen vào.

Chủ cơ sở nói các đại lý ở Thanh Xuân, Hoàng Mai vẫn lấy nước ở đây và đồng ý ngay cho mở đại lý tiêu thụ nhưng dặn “nên bán thêm các hãng NĐC có tiếng khác cho dễ có lãi”.

Ông chủ cho chúng tôi đi xem dây chuyền sản xuất nước đóng chai “giá rẻ nhưng rất chuẩn”. Tất cả dây chuyền chỉ nằm trong khu sân rộng chừng 40m2, phía trên là nhà ở và những lồng chim cảnh của chủ nhà.

Một bồn nước bằng ximăng khoảng 15m3 trong chứa nước giếng khoan, trên mặt vẫn còn đầy váng và có mùi tanh của sắt. Chủ xoa tay, cười nói: “Nước giếng được đánh phèn rồi nên sạch lắm!”. Nằm cạnh đó là những chai nhỏ 330ml, 500ml, 1,25l và một đống bình loại 20l nằm lăn lóc cáu bẩn.

Sau khi cho một chai nhỏ có chứa dung dịch clo vào bồn nước để... khử trùng, ba người làm trần trùng trục liên tục thay nhau vặn vòi cho hai bình lọc chuyên dụng 500l trơ gỉ sét xả nước vào các chai và bình. Hai người khác chờ sẵn đem ra vặn nút dán nhãn .

Chủ cơ sở khoe: cơ sở tuy nhỏ và chỉ cần đầu tư 50-60 triệu đồng vốn mua dây chuyền, nhưng mỗi ngày cũng bán được vài trăm thùng và chạy nhất vẫn là loại bình 20l. “Những cơ sở khác gần đây cũng thế cả thôi” - ông chủ trấn an khi thấy chúng tôi chần chừ. Hỏi giấy đăng ký chất lượng, cơ sở trả lời không có.

Nhảy cóc giữ "nghề"

Ông Phạm Bá Dục, chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, cho biết hiện trên thị trường có nhiều loại NĐC vô danh và giá rẻ nhưng khó kiểm soát. Nhiều cơ sở khi bị xử phạt đã “nhảy cóc” đi nơi khác và sản xuất tiếp. “Một số cơ sở còn cố tình nhập nhèm nhãn mác từ NĐC tinh khiết sang nước khoáng để tiêu thụ” - ông Dục cho biết thêm.

Bà Chu Thị Thu Hà, phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, nói các cơ sở sản xuất NĐC “chui” hầu hết sử dụng nguồn nước giếng khoan không đảm bảo, lọc chưa kỹ và không hợp vệ sinh, dễ tồn đọng lượng nitơric, nitơrat. Vào cơ thể, chất này kết hợp với hồng cầu ngăn sự phát triển của hồng cầu và gây thiếu máu, nhất là với trẻ nhỏ.

Bà Nguyễn Thị Khánh Trâm, cục phó Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết đợt kiểm tra liên ngành mới đây đã phát hiện tới 20% số cơ sở sản xuất thực phẩm và NĐC không đủ điều kiện vệ sinh cơ sở. Việc sử dụng NĐC không rõ nguồn gốc là không an toàn và dễ có nguy cơ ngộ độc mãn tính, suy nhược cơ thể. Bà Trâm khuyến cáo: Người tiêu dùng không nên sử dụng những loại NĐC không có nhãn mác và không rõ nguồn gốc để bảo vệ chính mình.

TRẦN ĐÌNH TÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên