10/01/2004 06:03 GMT+7

Núi Bân: ai bán, ai mua?

QUANG TIẾN - NGUYÊN PHƯƠNG
QUANG TIẾN - NGUYÊN PHƯƠNG

TT - Chúng tôi đến núi Bân (xã Thủy An, thành phố Huế) - nơi 215 năm trước diễn ra buổi tế trời đất lên ngôi hoàng đế của vua Quang Trung, người anh hùng áo vải đất Tây Sơn. Người thanh niên dẫn đường tỏ ra thông thạo: “Ở rừng còn có đường mòn, chứ ở đây chỉ có những con đường lắt léo men theo những ngôi mộ mới...”. Phía sau tấm bia di tích núi Bân là... mộ. Mộ chập chùng trên cao dưới thấp. Nhìn quanh, ở đâu chúng tôi cũng thấy mộ!

hwCTlTwn.jpgPhóng to

Di tích lịch sử núi Bân đã bị chia nhỏ để bán

TT - Chúng tôi đến núi Bân (xã Thủy An, thành phố Huế) - nơi 215 năm trước diễn ra buổi tế trời đất lên ngôi hoàng đế của vua Quang Trung, người anh hùng áo vải đất Tây Sơn. Người thanh niên dẫn đường tỏ ra thông thạo: “Ở rừng còn có đường mòn, chứ ở đây chỉ có những con đường lắt léo men theo những ngôi mộ mới...”. Phía sau tấm bia di tích núi Bân là... mộ. Mộ chập chùng trên cao dưới thấp. Nhìn quanh, ở đâu chúng tôi cũng thấy mộ!

Nghề không cần vốn

Như hai người đang tìm đất chôn cất người thân sắp mất, chúng tôi vào thôn Xóm Hành (xã Thủy An, thành phố Huế). Theo lời chỉ dẫn của cư dân trong xóm, chúng tôi tìm ngay được nhà cu E. - người được xem là có nhiều đất huyệt nhất nhì trong xóm.Vừa mới ngỏ lời, cu E. đã nhanh nhảu: “Đất huyệt hả, tôi có mấy miếng”. Thấy chúng tôi nhìn ngờ ngờ, cu E. tiếp lời: “Ở đây người nào cũng có mấy đám. Dân vùng nghĩa địa mà anh. Núi đấy, dân làng chia nhau xí phần. Ai nhanh có chỗ tốt, ai chậm thì chịu thiệt. Đất đây rẻ, không như ở nghĩa trang thành phố. Nghĩa trang chỗ tốt đáng giá 1-2 triệu đồng/huyệt, đây tôi lấy 500.000 đồng thôi. Còn huyệt đôi giá 2 triệu”.

Đất sẵn trên núi, người dân chỉ việc cầm cái cuốc, cuốc vài cái là đã có 500.000 đồng! Chính quyền hỏi, họ trả lời: “Chuẩn bị cho người thân”. Mấy năm trước khi đất còn nhiều, người xóm Hành ai cũng tranh thủ lên núi cắm đất. Bao nhiêu nghề ăn theo quanh dịch vụ ma chay đã hình thành ở đây. Hỏi người xóm Hành xóm mình có bao nhiêu thợ nề, thợ kép? Họ lắc đầu: “Nhiều lắm, đếm không xuể”.

Từ bao đời nay dân xóm chỉ sống dựa vào nghề trồng hành, tỏi, rau thơm các loại. Từ sau năm 1975 đến nay, đất ruộng một phần bạc màu, phần nữa dân lấn làm nhà, rồi ảnh hưởng của việc đào kênh năm 1976 khiến người lao động lâm vào cảnh khó. Và di tích núi Bân trở thành cái cần câu cơm cho cả thôn.

Núi Bân có còn là di tích?

* Ngày 25-11 (âm lịch) năm Mậu Thân, tại núi Bân (thuộc xã Thủy An, thành phố Huế), Nguyễn Huệ lập bàn tế trời đất lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung.

Tại đây, ông đã tập hợp binh sĩ, xuất quân thần tốc đánh tan 20 vạn quân Thanh, giải phóng Thăng Long.

* Ngày 11-1-1988, núi Bân được Nhà nước công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

* Năm 1998, Bảo tàng Tổng hợp Thừa Thiên - Huế cho dựng bia di tích ở núi Bân, nghiêm cấm xây cất lăng mộ và mọi hành vi xâm hại đến di tích.

Đường lên núi Bân khá vất vả bởi chúng tôi phải men theo những ngôi mộ mới xây nằm vắt vẻo lưng chừng đồi. Để đến được đỉnh núi phải trèo lên thành lăng, đi trên những ngôi mộ. “Ở Huế mình, được chôn ở đất này là nhất rồi. Mới tháng trước, có thêm năm đám tang ở thành phố cũng về đây tìm chỗ chôn”. Vừa nói cu E. vừa đưa tay chỉ năm ngôi mộ sơn vôi trắng choán một diện tích không nhỏ trên sườn đồi, trên bia mang dòng chữ “phụng lập 2003”.

Chỉ vào những dãy mộ nằm xen kẽ bên nhau, cu E. tiếp lời: “Đất ngày càng hiếm, trước ai thích chỗ nào chôn chỗ ấy. Bây giờ phía trước núi hết rồi, có muốn chôn thì chỉ còn mấy đám ở mé phải thôi”. Nói rồi cu E. dẫn chúng tôi đến chỗ mấy ô đất còn trống nhưng đã được vun thành những ngôi mộ gió, chờ bán. “Nếu muốn chôn ở đây mà không qua anh thì anh sẽ làm thế nào?”.

Câu hỏi đùa của tôi làm cu E. nổi nóng: “Đất có thổ công, sông có hà bá. Anh thử chôn vào đấy xem!”. Tôi tỏ vẻ e ngại: “Nghe nói đây là đất di tích không được xây lăng mộ?”. Cu E. cười xòa: “Ôi dào, họ nói rứa cả chục năm ni rồi. Nghề chính của tôi là thợ nề. Tôi làm mộ cho người chết đã hơn chục năm rồi mà có ai hỏi gì đâu”.

“Ủy ban xã không cấm à?” - tôi hỏi tiếp. Cu E. thận trọng: “Không nói, người ta không biết. Anh chôn, anh chỉ biết có người địa phương thôi, đừng báo với xã làm gì. Báo họ không cho, không báo thì việc ai người ấy làm”.

Nói về xây cất phần mộ ở núi Bân, người dân ở đây chỉ cho tôi một kinh nghiệm là “chôn chui”. Nghĩa là lúc có đại sự, người nhà đến mua đất, đồng thời thuê người địa phương đào huyệt sẵn. Đào xong ngụy trang cẩn thận. Đến ngày chôn, cả nhà cứ thế chở nhau lên, lúc này chính quyền có biết cũng không làm gì được. Chính vì vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn cả ngọn núi Bân đã trở thành một “thành phố ma” với hàng nghìn phần mộ được xây dựng mới.

Cu E. bắt đầu tiếp thị: “Vừa rồi tôi làm cái mộ mười mấy triệu, đẹp lắm!”. Đúng thật. Ở núi Bân bây giờ đã xuất hiện nhiều phần mộ to và đẹp đến không ngờ. Trước lúc lên núi, chúng tôi gặp một nhóm khách du lịch người nước ngoài đang lúi húi trước tấm bia di tích không một dòng tiếng Anh. Họ xì xồ một lát rồi quay sang chụp ảnh với khu mộ gia đình Hoàng Văn. Đây là khu mộ đồ sộ vừa mới được xây dựng có giá trị hàng trăm triệu đồng.

Sau một hồi trao đổi về giá cả, chúng tôi ra về với lời hẹn sẽ quay lại sau. “Anh về bảo người nhà, đây là thế đất chân đạp núi. Với thế đất này, mười ông thầy địa lý gật đầu cả mười đó”, cu E. dặn với theo.Thế chân đạp núi, theo sách phong thủy của người Trung Quốc nghe đâu là thế đất tốt. Mà ở núi Bân chỉ một hướng là quay về đồng bằng, còn ba hướng, hướng nào cũng đạp núi. Có lẽ thế nên tấm biển cấm chôn cất lăng mộ nằm sờ sờ kia mất đi tác dụng?

Chính quyền địa phương nói gì?

BK6qTdel.jpgPhóng to
Năm 1988 núi Bân được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia
Khi được hỏi về thực trạng núi Bân, ông Nguyễn Thiến, Chủ tịch UBND xã Thủy An, cho biết: “Trên phương diện hành chính, xã chỉ quản lý về mặt địa chính. Còn quản lý di tích là trách nhiệm của Bảo tàng Tổng hợp Thừa Thiên - Huế. Hai đơn vị đã phối hợp với nhau để quản lý, song công tác này vẫn chưa được thường xuyên. Hơn nữa, lực lượng cán bộ xã lại mỏng, muốn nắm cũng khó nắm được”.

Ông Nguyễn Thiến cho biết thêm di tích núi Bân có diện tích 69.952m2 với địa hình đồi núi phức tạp. Do địa bàn trải rộng nên khó triển khai công tác quản lý một cách chặt chẽ, hợp tình hợp lý. Và ông Thiến đưa ra kiến nghị: Bảo tàng Tổng hợp Thừa Thiên - Huế và UBND xã cần có sự phối hợp thường xuyên. Thành lập đội quản lý từ 2- 3 người thường xuyên theo dõi giám sát; lập chế độ bồi dưỡng thích hợp cho đội bảo vệ khu di tích...

Dẫu sao đó cũng chỉ là những kiến nghị... Và núi Bân rồi sẽ không còn là núi Bân nữa. Mảnh đất, ngọn núi ghi khắc hình bóng oai phong ngày nào của Nguyễn Huệ, ai ngờ đâu đang trở thành một... nghĩa địa!

QUANG TIẾN - NGUYÊN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên