Phóng to |
Họa sĩ Marcelino Trương trao đổi với sinh viên mỹ thuật về tranh minh họa |
Marcelino Trương cho biết: “Đây là lần thứ sáu tôi trở lại VN. Những ngày ở Hà Nội tôi đã tìm thấy rất nhiều niềm vui, giúp tôi tiếp tục vẽ những cảnh đời sống thường nhật, phố phường Hà Nội. Tôi đã từng rất lo Hà Nội mất đi những nét đặc thù của mình, nhưng lần về này hóa ra về cơ bản Hà Nội vẫn chưa thay đổi.
Cái tôi thích nhất là Hà Nội đã kết hợp thành công đặc thù văn hóa địa phương và kiến trúc Pháp. Tôi vừa đi chợ mua đồ lưu niệm cho con gái. Thật bất ngờ khi thấy nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ rất đẹp của người dân tộc thiểu số. Nếu không phải vướng bận cuộc sống thì cả đời này tôi sẽ để dành vẽ tranh và chỉ vẽ về đất nước VN.
Mới đây, Nhà xuất bản Denoel Graphic của Pháp đề nghị tôi làm truyện tranh về thời thơ ấu, thời trẻ của tôi. Tôi đang suy nghĩ về đề nghị này, nếu có thể tôi sẽ kể về thời thơ ấu của mình ở Sài Gòn những năm 1960 - 1963 và sẽ cố gắng miêu tả không khí ở VN giai đoạn tôi đã trải qua”.
* Ông đã minh họa, vẽ bìa cho khá nhiều tác phẩm của các nhà văn VN có sách in ở Pháp như Tô Hoài, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Khắc Trường, Chu Lai, Dương Hướng, Hồ Anh Thái... Ông thể hiện theo phong cách Việt hay phong cách Pháp những tranh ấy?
- Theo phong cách của riêng tôi. Chủ đề các cuốn sách thay đổi nhưng phong cách của tôi không thay đổi. Tất nhiên khi minh họa những gì về VN dễ khiến tôi rung động hơn và tôi làm cũng tỉ mỉ hơn. Tôi minh họa những cuốn sách VN thì người đọc sẽ thấy được những nét gần gũi với VN hơn là các nhà minh họa người Pháp, đơn giản vì bố tôi là người Việt nên tôi có cách cư xử và tư thế hoàn toàn mang dáng dấp Việt.
Phong cách của tôi ít nhiều mang tính tả thực nhưng trong đó tôi cũng tìm đến sự tối giản, tinh lọc. Tôi muốn đưa vào tác phẩm chất thơ.
Phóng to |
Phố phường Hà Nội trong tranh của Marcelino Trương |
- Tôi luôn có công việc để làm. Tôi làm rất nhiều và nhanh. May mắn là những người đặt hàng cũng hài lòng về tranh minh họa của tôi. Có nhiều họa sĩ vẽ tranh minh họa rất giỏi ở Pháp, vì thế sự cạnh tranh là rất lớn. Các minh họa về châu Á như VN, Trung Quốc chiếm một nửa số tranh minh họa của tôi, và cuốn truyện tranh tôi làm gần đây nhất là về Nhật Bản. So sánh vui là tôi làm việc nửa ngày cho châu Á và VN.
* Trong những tranh vẽ và minh họa về VN, ông muốn nói điều gì về đất nước này?
- Khi đến xem tranh tại Bảo tàng Mỹ thuật VN, thú thật tôi không thích những tác phẩm mô tả chiến tranh mà thích những hình tượng nghệ thuật khi tiếng súng đã tắt, con người trở về với nhịp sống đời thường, khi đó trong tranh cả phái nam và phái nữ đều thể hiện những cử chỉ hiền hòa. Những hình ảnh thân thiện ấy làm tôi xúc động hơn nhiều và tôi cũng muốn tranh của mình đem đến cho người xem điều ấy.
* Qua những buổi trao đổi, ông có nhận xét gì về sinh viên VN và muốn nói điều gì với họ?
- Tôi vẫn thường nói với sinh viên rằng chính mỗi bạn cần tìm ra kỹ thuật và phong cách của riêng mình. Tôi nói về cách tôi vẽ, phương pháp thể hiện của tôi. Và tôi đã phải lăn lộn rất nhiều, như người ta thường nói trong nghệ thuật chỉ 1% là cảm hứng thôi, còn lại là mồ hôi nước mắt. Trong nghệ thuật không có chỗ cho người lười biếng.
Cách đây hai năm tôi đến Chile, cũng làm việc như với sinh viên VN bây giờ. Khi sinh viên cho tôi xem tranh của họ, tôi thấy khá giống nhau, không có nhiều dấu ấn về đất nước mà họ sinh ra và đang sống. Còn các bạn sinh viên VN mỗi người có nét riêng của mình. Thật thích khi trong tranh của họ có nhiều dấu ấn VN. Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, nhiều khi người ta dễ hướng về văn hóa phương Tây mà quên đi những gì làm nên bản sắc riêng. Ngay cả khi vẽ tranh minh họa cũng phải gìn giữ được phong cách của riêng mình, mà điều này chỉ có thể tìm được từ cội rễ gia đình hay đất nước mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận