22/07/2018 13:13 GMT+7

Nữ sinh phát minh đèn pin, cốc sạc điện thoại thân thiện môi trường

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Từ năm 15 tuổi, vì muốn giúp một người bạn nhà nghèo không có điện thắp sáng ở Philippines, nữ sinh Ann Makosinski đã phát minh chiếc đèn Hollow Flashlight sử dụng thân nhiệt làm nguồn năng lượng phát sáng.

Nữ sinh phát minh đèn pin, cốc sạc điện thoại thân thiện môi trường - Ảnh 1.

Nữ sinh viên kiêm nhà sáng chế Makosinski - Ảnh: INDEPENDENT

Đầu năm nay, phát minh đó của Ann Makosinski đã được cấp bằng sáng chế tại Mỹ và đang trong giai đoạn chờ hoàn thành hợp đồng nhượng quyền cho nhà sản xuất.

Chẳng mấy chốc những chiếc đèn pin chiếu bằng thân nhiệt của nữ sinh viên 20 tuổi người Mỹ này sẽ được sản xuất đại trà.

Khi sinh viên văn khoa sáng chế

Không ai ngạc nhiên khi ở tuổi 20, Ann Makosinski đã có một công ty riêng của mình tên là Makosinski Enterprises. Nhưng nhiều người bất ngờ khi biết cô đang là sinh viên năm ba khoa văn học Anh tại Đại học British Columbia (UBC) ở Canada.

Chuyện này thoạt nghe "có gì đó sai sai" khi người ta biết ngoài chiếc đèn Hollow Flashlight, cô còn là người sáng chế chiếc cốc e-Drink có thể dùng nhiệt độ của cà phê hay trà nóng để sạc điện thoại.

Nhưng Makosinski tin rằng giữa khoa học và nghệ thuật luôn có những điểm giao nhau quan trọng. 

"Thế giới và truyền thông thường phớt lờ sự kết nối này và tách biệt chúng ra - cô nói - Nhưng có những kỹ năng ở cả hai lĩnh vực này là sự bổ trợ quan trọng lẫn nhau giữa chúng".

Với sản phẩm đèn pin thân nhiệt, năm 2013 cô từng giành vị trí á quân trong cuộc thi khoa học tại địa phương và sau đó giành chiến thắng tại cuộc thi Google Science Fair cùng nhiều giải thưởng quốc tế khác.

"Từ khi còn nhỏ tôi đã thích điện tử và chế tạo những thứ linh tinh - Makosinski nói - Tôi muốn giải quyết khó khăn của những người khác và rất thích tìm cách khai thác các nguồn năng lượng thay thế".

Chính những giải thưởng dành cho phát minh đầu tiên đã khiến Makosinski có tên trong danh sách 30 cá nhân xuất sắc dưới 30 tuổi năm 2013 của tạp chí Time.

Sau khi công bố phát minh thứ hai là chiếc cốc sạc điện thoại e-Drink, Makosinski đã được vinh danh trong danh sách 30 cá nhân xuất sắc dưới 30 tuổi năm 2017 của tạp chí Forbes ở hạng mục năng lượng.

Theo chia sẻ của Makosinski với tờ Douglas Magazine, sau ba năm với rất nhiều đầu tư, rốt cuộc cô đã có được bản quyền sáng chế của Mỹ cấp cho chiếc đèn pin thân nhiệt và đang phát triển ký thỏa thuận nhượng quyền sản xuất.

"Chúng tôi sẽ bắt đầu sản xuất đèn pin sớm và sau đó tập trung cho sản phẩm cốc e-Drink" - cô nói.

Cùng với việc thành lập công ty riêng là Makosinski Enterprises, ở tuổi 20 Makosinski hiện là sinh viên toàn thời gian và thi thoảng tham gia các sự kiện với tư cách một diễn giả tại Canada và nhiều nước khác khi được mời.

Không dùng smartphone

Hai năm trước, Makosinski từng có một bài diễn thuyết gây "bão" mạng mà cho tới nay đã có hơn 1,5 triệu lượt xem. 

Trong bài đó Makosinski chia sẻ lý do vì sao cô không sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) và kêu gọi các bạn trẻ hãy rời xa chiếc điện thoại này càng lâu càng tốt để có thời gian làm những việc khác hữu ích hơn.

Vào thời điểm đó, cô nữ sinh viên này cho biết mình thậm chí không có chiếc smartphone nào. Cô cảnh báo việc sử dụng liên tục smartphone trong ngày ngốn rất nhiều thời gian và sự tập trung của mỗi người.

"Tổng thời lượng tương tác (với smartphone) mỗi ngày rất lớn... Bạn cần đặt nó xuống. Hãy để yên nó trong cả một ngày! Hãy thử và xem chuyện gì sẽ xảy ra" - cô đề nghị.

Makosinski tin rằng việc rời xa smartphone sẽ khiến không chỉ trẻ em, mà cả người lớn cũng sáng tạo hơn, một việc đòi hỏi nền tảng tư duy độc lập. Theo chia sẻ của cô, cha mẹ Makosinski thường từ chối mua đồ chơi hoặc không cho cô xem tivi, dùng điện thoại.

"Cha mẹ không muốn tôi bị phân tán và chơi game trên đó, vì như vậy chỉ tốn thời gian - cô kể - Vậy nên để làm mình vui, tôi tự chế đồ chơi cho mình. Không phải việc được cung cấp mọi thứ sẽ khuyến khích bạn sáng tạo... Đó là một trong những bước đầu tiên để tôi học cách sáng chế mọi thứ".

Mặc dù chỉ mới 20 tuổi nhưng từ trải nghiệm bản thân, cô gái trẻ có khá nhiều kinh nghiệm để chia sẻ cùng các bậc cha mẹ nếu muốn nuôi dạy con cái trở thành những nhà phát minh. "Thể thao là một trong những cách giúp trẻ tránh xa điện thoại" - cô nói.

Ghét smartphone nhưng Makosinski không phải là người ác cảm với công nghệ.

Cô đã bắt đầu làm những video cho kênh YouTube riêng của mình và có một chiếc iPod Touch để liên lạc với bạn trai qua ứng dụng Facebook Messenger.

Cho tới giờ Makosinski vẫn chỉ dùng một chiếc điện thoại “cùi bắp” có chức năng liên lạc cơ bản.

Sinh viên phát minh ba lô phản lực dưới nước, giúp bơi 12km/h Sinh viên phát minh ba lô phản lực dưới nước, giúp bơi 12km/h

TTO - Với vận tốc 12km/h, ba lô phản lực dưới nước giúp thợ lặn di chuyển nhanh chóng, có thể phục vụ công tác tìm kiếm, cứu hộ.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên