08/04/2004 04:02 GMT+7

Nữ công nhân: Stress, stress và... stress!

N.T.
N.T.

TT - Với một công thức nhàm chán: “đi làm, về nhà ngủ, đi làm”, hiện nay các nữ công nhân (CN) gần như rơi vào tình trạng stress triền miên.

66PCHwVj.jpgPhóng to
Cuộc chơi có nam là hiếm hoi lắm... - Ảnh: K.A.

Mới đây, theo một khảo sát của Trung tâm Công tác xã hội thanh thiếu niên (thuộc Trung ương Hội LHTN VN) đối với 326 nữ CN làm việc tại ba khu công nghiệp - khu chế xuất (KCN-KCX) TP.HCM là Tân Thới Hiệp, Tân Bình và Linh Trung, có đến 72,2% thường xuyên bị stress!

Không stress mới lạ!

Bà chủ nhà trọ (khu phố 4, P. Tam Bình, Q.Thủ Đức) cho biết: “Gặp nữ CN khó lắm vì ngày nào tụi nó cũng đi làm đến hơn 10g tối mới về”. Chiều chủ nhật tìm đến căn phòng trọ chưa đến 12m2 - chỗ trọ của Vân và năm người bạn, hơn 17g Vân mới về đến, gương mặt phờ phạc. Không kịp nghỉ ngơi cô lại lao vào thau đồ đầy ắp, vừa nói chuyện tay cô vừa thoăn thoắt giặt.

Gương mặt còn khá non nớt so với tuổi 20 của mình nhưng Nguyễn Thị Vân - xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An - đã phải bươn chải vào TP làm CN để kiếm tiền gửi về phụ ba mẹ nuôi sáu đứa em ăn học. Tết không về, hè cũng không vì “từ mồng 4 tết đến giờ ngày nào cũng tăng ca liên tục đến 22g mới về”. Chi tiêu tằn tiện vì thu nhập chưa đến 1 triệu đồng.

Mang tiếng vào TP hơn một năm trời nhưng ngay cả mong muốn nhỏ nhoi đi đến Đầm Sen, Thảo cầm viên, chợ Bến Thành... một lần cho biết cũng cứ bị khất lần lữa vì áp lực công việc. “Sáng 6g30 đã phải dậy đi làm, tối hơn 22g mới về đến nhà. Thời gian ngủ còn chưa có nói chi đến giải trí” - Vân nói.

Bị thiếu việc để làm cũng khiến CN... stress! Trần Thị Hương - nữ CN của một công ty may mặc ở KCN Sóng Thần - cho biết đời cô phụ thuộc nhiều vào đơn đặt hàng. Có những tháng làm việc liên tục ngày nào cũng đến 21g, 22g nhưng cũng có tháng nằm chờ việc. Tháng ba vừa rồi cô chỉ làm việc được sáu ngày.

Những ngày còn lại cô vẫn phải vào công ty “bấm thẻ” rồi ngồi đợi, không có hàng thì về. Đã vậy, công ty còn trừ cấn những ngày nghỉ do thiếu hàng này vào 12 ngày phép/năm. “Được nghỉ mà cứ nơm nớp lo đến tiền nhà, tiền ăn, gia đình ở quê. Tháng vừa rồi nằm ở nhà mà cũng muốn bệnh luôn...”.

Và một chuyện bình thường chính đáng cũng trở thành nguyên nhân chính gây stress đó là công cuộc “lao đao đi tìm nửa tình tôi”. Thanh Hằng - CN may một công ty tại KCX Linh Trung 1 - tâm sự: “Công ty tôi làm việc có đến hàng chục ngàn nữ CN, về nhà trọ cũng hàng trăm nữ trọ cùng khu, nhìn đâu cũng... nữ. Cũng thèm được yêu thương nhưng cọc đi tìm trâu còn không ra lấy đâu trâu đi tìm cọc!”. Thực tế đã có khá nhiều bạn sau khi làm 4-5 năm đã xin công ty cho nghỉ để về quê lấy chồng.

Nhiệm vụ đi tìm... niềm vui!

Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển đô thị và cộng đồng - cho rằng điều quan trọng là TP phải thật sự xem công nhân nhập cư như một công dân của TP, chứ không phải như một lao động tự do mà TP phải “gồng gánh” để từ đó có hướng quan tâm sâu sát hơn.

Tại Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, khi xây dựng một nhà máy, xí nghiệp đều có những chung cư riêng cho CN với câu lạc bộ, phòng vui chơi, giải trí...

Đặc biệt ở Nhật, hằng năm các công ty có chế độ cho CN đi du lịch và kiểm tra chặt chẽ điều này. Các Đoàn cơ sở phải nắm rõ tình hình CN trong địa bàn của mình để đưa họ vào các sinh hoạt của địa phương.

Trước mắt, để tự “cứu” mình, CN nên tự tổ chức những sinh hoạt, tìm đến những hội đồng hương... khi có thời gian rảnh để có điều kiện thư giãn, mở rộng quan hệ.

Sắp tới, Sở Công nghệ môi trường TP.HCM sẽ đưa ra đề tài: “Đời sống văn hóa của CN ở khu lao động tập trung và khu chế xuất” để Nhà nước có hướng giải quyết.

Khi được hỏi “để thoát khỏi stress, bạn thường làm gì?” (trong khảo sát trên), các nữ CN chọn phương án đơn giản nhất là tâm sự bạn bè và... đi ngủ, kết quả là... stress tiếp! Nhiều bạn cũng thú thật: “Túng quẫn tiền bạc làm đầu óc lúc nào cũng u u minh minh. Muốn đi đâu chơi cho bớt nhức đầu cũng không có thời gian và cũng chẳng dám bỏ tiền ra nữa”.

Khảo sát còn cho thấy khi gặp stress, chỉ có 3,5% đến với tổ chức công đoàn, 51% mong muốn được giao lưu, kết bạn và 30,5% muốn được giao lưu văn hóa - văn nghệ.

Thực tế CN chỉ tìm đến công đoàn trong một vài tình huống... éo le. Nguyễn Thị Thủy, 22 tuổi, quê ở Hà Tĩnh, phát hiện ung thư buồng trứng nhưng do không có tiền chữa trị, âm thầm chịu đựng.

Nhiều lúc Thủy quẫn trí đã định tự tử. Bệnh đến thời kỳ cuối, Thủy đã phải đi viện mổ ba lần. Mỗi lần Thủy vào viện, công đoàn Công ty Freetrend đều có mặt bên giường bệnh và phát động quyên góp trong CN hỗ trợ Thủy hơn 8 triệu đồng.

Tuy nhiên, chị Nguyễn Thùy Nga - chuyên trách công đoàn của Freetrend - cho biết: “CN thổ lộ với công đoàn không nhiều. Đa số CN vào đây làm việc đều có gánh nặng gia đình ở quê. Chuyện thu nhập và đời sống ở các khu nhà trọ quá tồi tàn là vấn đề bức xúc nhất mà chúng tôi không thể làm gì giúp CN mình cải thiện cuộc sống. Nhiều hoạt động cần kinh phí và phối hợp của địa phương, các ban ngành khác mới làm được”.

Chuyện giúp CN giao lưu kết bạn lại hóa thành nan giải, như chị Nga cho biết Freetrend loay hoay nhiều lần mà vẫn không tìm được công ty có nhiều nam để phối hợp giao lưu. Đã từng có công ty may ở quận 8 tổ chức giao lưu với đơn vị bộ đội nhưng “lực bất tòng tâm”, khi các tân binh tuổi đời còn quá trẻ toàn xưng hô “chị chị em em”, thế là “âm mưu” làm “ông tơ bà nguyệt” của công ty ấy bị phá sản!

Còn chị Trần Thị Hạnh - chủ tịch công đoàn Công ty NVT (KCN Tân Thới Hiệp) - cho biết với gần 700 CN hết 80% là nữ, việc tổ chức các buổi giao lưu văn nghệ đã hiếm hoi nói chi đến việc giao lưu với các đơn vị khác.

“Đứng ở góc độ công đoàn tôi cũng nhận thấy vấn đề này quả là bức xúc, nhưng tìm khắp trong KCN này cũng chỉ toàn “phe ta với phe ta” làm sao tổ chức giao lưu” - chị Hạnh nói.

Trong khi đó anh Hồ Xuân Lâm, Bí thư Đoàn các KCN-KCX TP, cũng tâm tư: “Đoàn thanh niên đã tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, vui chơi giải trí vòng quanh các KCN, KCX nhưng vẫn không xuể so với sự thiếu thốn tinh thần, vật chất hiện tại của CN”.

Đó là những “tiếng gọi” sự quan tâm của nhiều ban ngành hơn nữa bên cạnh công đoàn và Đoàn thanh niên đối với cộng đồng CN lớn cùng sự phát triển của các KCN- KCX của TP xuất hiện hơn bảy năm qua (tính riêng trong 13 khu KCN- KCX hiện có khoảng 130.000 CN).

Những buổi tư vấn tâm sinh lý chỉ xuất hiện cuối năm 2003 do Trung ương Hội LHTN, Thành đoàn tổ chức mới đếm trên đầu ngón tay, thông tin về các trung tâm tư vấn trong TP đến với công nhân quá ít, những câu lạc bộ kết bạn thì nghèo nàn, những chương trình văn hóa văn nghệ miễn giảm giá cho CN hình như... chưa có. Trong một bối cảnh như vậy, khi “sầu đời”, chẳng trách CN cứ tự chịu trận, bế tắc và... stress!

N.T.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên