Phóng to |
Hoàng Yến trong vở Âm binh - Ảnh: Nhà hát Thế giới trẻ cung cấp |
Không chỉ đoạt HCB ở Liên hoan sân khấu kịch toàn quốc tại Huế, Âm binh chỉ có bốn diễn viên thì đã gom về bốn huy chương cá nhân gồm 2 HCV, 2 HCB. Một trong những HCV cá nhân thuộc về NSƯT Hoàng Yến với vai diễn có khả năng làm người xem bần thần đến se thắt...
Nhi của Hoàng Yến là người đàn bà quê mùa ở mảnh đất Quảng Trị đỏ lửa năm 1972 đang xé lòng vì chia lìa núm ruột mới 3 tháng tuổi bởi những trận pháo ráp. Hai người lính ở hai chiến tuyến tình cờ lạc vào khu vườn lùm lùm những nấm mộ cát đã được Nhi cứu sống. Mấy mươi năm sau đó là khoảng thời gian dài người đàn bà cô độc ấy một mình vượt qua cay đắng của cuộc đời, vượt qua những nghiêng ngửa của lòng người trong khu vườn hoang vắng, xơ xác, đầy âm binh...
* Trong liên hoan sân khấu toàn quốc tại Huế vừa qua, với vai Nhi, chị được xem là điểm sáng, là ngôi sao của hội diễn. Nhưng với không ít khán giả yêu kịch TP.HCM hôm nay, Hoàng Yến vẫn còn là một ẩn số?
- Tôi đã có 12 năm công tác ở Ðoàn kịch nói Nam Ðịnh. Năm 2003, tôi vào Sài Gòn và từng diễn ở sân khấu 5B các vở như Bảy sắc cầu vồng, Chuyện tình nữ phạm nhân... Rồi tôi chuyển biên chế qua Trường ÐH Công nghiệp làm phòng chính trị. Năm 2006, tôi về Trường Sân khấu - điện ảnh TP.HCM, trường có dựng vở Ðặng Thùy Trâm (kịch bản: Nguyễn Quang Vinh, đạo diễn: Phạm Huy Thục) giao tôi đóng vai chính, đi diễn phục vụ cũng được khoảng một năm, rồi tôi sinh em bé, thế là ngưng diễn cũng được sáu năm nay trước khi Âm binh ra đời.
Nhà hát Thế giới trẻ trở lại Tối 16-8 với vở Âm binh, Nhà hát Thế giới trẻ (thành lập năm 2007) của Trường Sân khấu - điện ảnh TP.HCM đã chính thức hoạt động lại sau nhiều năm đìu hiu, ít có cơ hội sáng đèn. Sân khấu sẽ diễn định kỳ vào thứ năm hằng tuần. NSND Trần Ngọc Giàu, giám đốc nhà hát, cho biết: “Sân khấu sẽ chọn các vở diễn tốt nghiệp của sinh viên các lớp diễn viên, đạo diễn được đánh giá cao để giới thiệu đến công chúng; những vở diễn có tính thể nghiệm, sáng tạo; những tác phẩm mang tính chất học thuật hoặc có chút ít kinh điển được dàn dựng nghiêm túc, chất lượng mà không phải ngả nghiêng chiều theo thị hiếu thị trường. Sân khấu hướng tới đối tượng là sinh viên - học sinh, công chức và giới trẻ. Trước mỗi suất diễn đều có tổ chức tiệc buffet nhẹ khoảng 15-20 phút, phục vụ khán giả vừa rời khỏi trường học, văn phòng lót lòng trước khi xem vở diễn. Với những suất diễn đầu tiên, chương trình bắt đầu lúc 19g30. Sau khi thu hút được một lượng khán giả ổn định, nhà hát sẽ cho khởi diễn sớm hơn từ 18g30 và kết thúc khoảng 20g để khán giả về nghỉ ngơi, ngày mai có thể đi làm sớm. Giá vé được ấn định 120.000 đồng/vé, sinh viên - học sinh được giảm 50%. |
- Bạn có biết là 12 năm ở kịch Nam Ðịnh tôi đã đoạt tới 6 HCV các hội diễn và được phong NSƯT khi còn khá trẻ. Khoảng thời gian ấy tôi chỉ biết diễn và diễn. Tới một lúc tôi có cảm giác trái tim mình chai sạn với sân khấu, mảng đời sống hoàn toàn thiếu hụt, nghĩa là tôi đã thiếu đời sống cá nhân cho riêng mình. Vậy là tôi quyết định ra đi, muốn bỏ nghề. Tôi chăm con, chăm gia đình kỹ quá nên hầu như không có thời gian để xem tivi, cũng không bước chân đến các tụ điểm giải trí xem kịch, xem ca nhạc. Nói chung sáu năm đó tôi không "ngó ngàng" đến nghệ thuật mà chỉ chăm chăm làm... ôsin cho gia đình (cười)!
* Vậy lý do nào đã kéo bà nội trợ Hoàng Yến trở lại sàn diễn?
- Tình cờ một lần tôi xem vở kịch của anh Nguyễn Quang Vinh được truyền hình trực tiếp. Tôi nhắn tin chúc mừng, tiện thể nói anh có gì hay thì gửi cho tôi, cũng chỉ như xã giao thôi. Anh đáp lại: "Chờ hai ngày sau". Ba ngày sau anh nhắn sao không hỏi gì hết vậy, tôi chưng hửng và anh gửi cho tôi kịch bản Âm binh. Nhận kịch bản rồi tôi mới giật mình vì nó hay quá và bắt đầu phát hoảng: Giờ phải làm sao đây? Kinh phí như thế nào, dựng ra làm sao, thời gian đâu lo cho gia đình?... Nỗi lo này ám ảnh cả vào giấc ngủ. Sáu năm gần như không quan tâm đến nghệ thuật, tôi không biết được bây giờ người ta làm kịch như thế nào, theo xu hướng nào. Thế là tôi dùng hết bản năng, phân tích để tìm đến với nhân vật. Lo lắng quá nhiều nhưng thật lạ lùng khi bước lên sàn tập, tất cả những trở ngại đều biến mất, tôi hòa nhập như mình chưa hề bị gián đoạn, như mới hôm qua hôm kia mình vẫn diễn đều đặn trên sân khấu.
* Vai Nhi gần như xuất hiện từ đầu đến cuối vở diễn, trải qua nhiều giai đoạn cuộc đời từ trẻ đến già, gập ghềnh trong nhiều triền cảm xúc khác nhau. Ðây có phải là vai diễn vắt kiệt sức lực của chị?
- Nói thật đây là vai diễn tôi thấy dễ nhất. Dễ bởi vì kịch bản có quá nhiều sự kiện, nhiều cái hay để tôi tận dụng khai thác nhân vật chứ không phải đau đầu nhào nặn thêm cái này bớt cái kia. Lên sân khấu tôi cứ thế mà dung dị đi cùng Nhi qua hết quãng đường nhọc nhằn, thô ráp của một đời cát. Tôi có sự tương đồng cảm xúc với nhân vật. Nhi là người đàn bà rất nồng nàn, thậm chí lãng mạn nhưng bị che lấp dưới vẻ ngoài khô khan, cam chịu, đôi lúc hơi gàn bướng bởi đời sống và hoàn cảnh khắc nghiệt. Bản thân tôi cũng rất khác biệt giữa đời thường và trên sân khấu. Bên ngoài không ai bảo tôi là nghệ sĩ cả vì không sành điệu, không trau chuốt, lại không đẹp. Tôi sống khá khép mình nhưng lên sân khấu tôi có thể... bùng nổ, rất sexy hoặc có thể nổi loạn. Nói chung trên sân khấu tôi làm được nhưng ngoài đời tôi không dám làm như vậy (cười)!
* Với Âm binh, có vẻ lửa nghề của chị đã được nhóm lại, tiếp theo sẽ là những vai diễn khác chứ?
- Tôi không dám vì con còn nhỏ, nếu đam mê quá không biết cái gì sẽ xảy ra. Tôi đã hứa với chồng vì Âm binh tôi xao nhãng gia đình một thời gian, sau đó sẽ quay lại chu toàn vai trò của mình. Tuy nhiên tôi cũng lo lỡ gặp một kịch bản hay nữa thì không biết có giữ được lời hứa không nữa...
(*) Kịch bản Nguyễn Quang Vinh, đạo diễn: Xuân Hồng. Bốn diễn viên tham gia gồm NSƯT Hoàng Yến vai Nhi, Xuân Hồng vai Trung, Trọng Hiếu vai Quân, Trí Ðức vai Gốc phi lao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận