Trần Hạnh (phải) và Trần Vân trong vở Hẹn ngày trở về - Ảnh tư liệu Nhà hát Kịch Hà Nội
Ngày 4-3, NSND Trần Hạnh đã nhẹ nhàng đi vào giấc ngủ thiên thu. Vậy là sau 92 năm lặng lẽ sống nhưng có đến hơn 60 năm quay quắt rồi tỏa sáng từ sàn diễn đến phim trường, giờ đây người nghệ sĩ đôn hậu, giản dị và đáng kính này đã thanh thản gác lại niềm "say tìm mộng...".
Cụm từ "say tìm mộng..." tôi vốn được nghe NSND Trần Hạnh khoan khoái ngâm nga trong một trưa hè năm 2017, rằng "Đến bến mong chờ dạ khó yên/ Câu thơ chén rượu những ưu phiền/ Ác tà thỏ lặn say tìm mộng/ Chim biếc bây giờ biết ở đâu?" (vai Nguyễn Trãi trong vở diễn Lam Sơn tụ nghĩa).
Từ anh thợ đóng giày...
Trưa đó, dù đã hết giờ vui với quán hàng, phố phường nhưng người nghệ sĩ ở tuổi U90 ấy vẫn say sưa chìm đắm với ký ức của biết bao tính cách nhân vật trong các vở diễn đình đám được Đoàn Kịch Hà Nội (nay là Nhà hát Kịch Hà Nội) dàn dựng như Lam Sơn tụ nghĩa, Tiền tuyến gọi, Âm mưu và tình yêu, Tôi và chúng ta, Cơn mưa đầu mùa, Đêm trắng, Chiều trên hải cảng, Trở về Hai-pha... từ vai chính cho đến vai thứ chính.
Diễn viên Trần Hạnh vốn là một anh thợ đóng giày của Hợp tác xã Tràng Tiền, tuy không qua một lớp đào tạo kịch nghệ nào nhưng đã tận tụy tự học, tìm tòi, sáng tạo để hóa thân một cách ngọt lịm, thậm chí có những vai diễn mà đồng nghiệp khó lòng vượt qua.
Đó là một người chiến sĩ cộng sản Vũ Khiêm dũng cảm, can trường trong Tiền tuyến gọi, một Nguyễn Trãi nho nhã mưu lược trong Lam Sơn tụ nghĩa, một thằng Uôm nham hiểm, thâm độc trong Âm mưu và tình yêu...
"Ngày ấy, vở Lam Sơn tụ nghĩa "đắt hàng" lắm, không chỉ ở Hà Nội mà còn ở cả những nơi bom đạn như Quảng Bình, Quảng Trị...
Vai Nguyễn Trãi khi ấy không có kíp hai nên có ngày diễn nhiều quá tôi đã ngất xỉu trên sân khấu. Ấy thế mà hôm sau hồi phục lại "say mộng", đúng là "Ác tà thỏ lặn say tìm mộng..." - nhấp chén trà đặc, Trần Hạnh cười sung sướng và vận thơ với niềm say sân khấu của mình như thế.
Đến "ông nông dân thủ đô"
Với phim ảnh, NSND Trần Hạnh quả quyết bảo rằng đấy là nghề tay ngang, chỉ được ông ưu tiên sau khi nghỉ hưu.
Ấy thế mà người trai phố cổ Hà thành này (ông sinh ra và lớn lên ở ngõ Phất Lộc, Hoàn Kiếm) đã khiến khán giả hôm nay nhung nhớ, yêu mến, thương cảm trước một hình mẫu nhân vật điển hình - người nông dân khổ hạnh, chất phác, hiền lành, đôn hậu - trong hàng chục bộ phim như Tướng về hưu, Cuốn sổ ghi đời, Chiếc bình tiền kiếp, Cỏ lau, Làng nổi, Bão qua làng, Ngõ lỗ thủng, Nước mắt đàn bà, Cha cõng con, Người yêu đi lấy chồng...
Lý giải cho điều này, lúc sinh thời NSND Trần Hạnh cười lớn bảo tại cái vẻ mặt hiền lành "nhàu nhĩ" ở tuổi hưu trí - tuổi 60 đã "bắt mắt" đạo diễn. "Nhắc đến tôi là khán giả nhắc đến "ông nông dân thủ đô" ấy mà. Cũng hay. Nhưng tôi vẫn tiếc vì chưa có cơ hội để thể hiện nhiều gương mặt của mình trên phim ảnh giống như ở sân khấu vậy" - lúc cập tuổi 90 NSND Trần Hạnh vẫn ao ước cống hiến như vậy.
Có một chuyện thú vị nữa, nếu như ở sân khấu từ những năm 1960 ông đã sớm nổi danh với những giải vàng, giải bạc tại các hội diễn sân khấu thì ở phim ảnh ông cũng sớm ghi danh khi đoạt giải nam diễn viên xuất sắc nhất trong phim Nước mắt đàn bà tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 11-1996.
Nhưng dịp vinh danh này ông đã không nhận được giấy mời nhận thưởng của ban tổ chức. Hỏi ông có thấy giận không, ông cười khà rằng: "Có thể vì mải bận mà ban tổ chức... quên. Mà có gì đâu phải giận kia chứ, tôi còn bao việc phải làm. Như giờ đã 88 tuổi rồi nhưng mấy hôm tới tôi vẫn đi đóng phim sitcom miễn phí cho các bạn trẻ trường nghệ thuật đấy. Tôi làm nghệ thuật vì tình yêu, niềm đam mê chứ đâu có vì giải thưởng".
Trong suốt cuộc đời thượng thọ của mình, NSND Trần Hạnh đã cứ giản dị sống và lặng lẽ cống hiến như thế. Và niềm "say tìm mộng" nghệ thuật của ông cũng gác lại từ đây để rồi hậu thế không khỏi nghiêng mình...
Ảnh: ĐỨC TRIẾT
"Là nghệ sĩ sáng giá trên sân khấu và cả trên phim ảnh nhưng cha tôi chưa khi nào dư dả. Vậy mà ông luôn yêu đời, sống nhân hậu và coi những gì mình có là rất mãn nguyện, hạnh phúc.
Trước khi đi xa, ông có hai tháng chỉ ở trong phòng do tuổi cao, sức yếu. Dẫu vậy, ông lúc nào cũng mủm mỉm cười, đôi khi khe khẽ kể chuyện, nhắc nhớ những vai diễn của mình năm xưa..." - chị Trần Thị Dung, con gái cả của NSND Trần Hạnh, chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận