05/07/2009 10:59 GMT+7

NSND Phùng Há - 99 năm nhẹ gánh đường trần

T.H.
T.H.

TTO - NSND Phùng Há - cây đại thụ của nền sân khấu cải lương Việt Nam - đã qua đời lúc 0g30 sáng nay (5-7-2009) vì tuổi cao, sức yếu, hưởng thọ 99 tuổi.

FPmBlLnt.jpgPhóng to
NSND Phùng Há - Ảnh: Trần Tiến Dũng
TTO - NSND Phùng Há - cây đại thụ của nền sân khấu cải lương Việt Nam - đã qua đời lúc 0g30 sáng nay (5-7-2009) vì tuổi cao, sức yếu, hưởng thọ 99 tuổi.

Tấm lòng son 97 tuổi đờiNSND Phùng Há - “Đạo đức tựa thiên kim”

Như vậy hai vị tổ sống còn lại của sàn diễn cải lương Nam Bộ - nghệ sĩ Bảy Nam và NSND Phùng Há - đã lần lượt qua đời.

Bà Phùng Há tên thật là Trương Phụng Hảo, sinh ngày 30-4-1911 tại làng Điều Hòa, huyện Châu Thành, Tiền Giang; cha người Trung Quốc, mẹ người Việt Nam. Cuộc đời của NSND Phùng Há gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của nghệ thuật cải lương Việt Nam. Bà hát đào chánh từ năm 14 tuổi với rất nhiều vai từ bi, hài, văn, võ và cả kép võ (giả trai)... Vai chánh đầu tiên của bà là Thúy Kiều trong Kim Vân Kiều của soạn giả Trương Duy Toản.

14g hôm nay, 7-5, lễ nhập quan NSND Phùng Há được tổ chức tại chùa Nghệ sĩ (Gò Vấp) sau đó di quan đến Nhà tang lễ TP.HCM (số 25 Lê Quý Đôn, Q3, TP.HCM). Lễ viếng bắt đầu tại đây lúc 18g cùng ngày.

Đến 10g ngày 8-7, linh cữu được đưa về chùa Nghệ sĩ (Gò Vấp). Lễ truy điệu tổ chức lúc 7g ngày 10-7, sau đó an táng tại Nghĩa trang Nghệ sĩ (Gò Vấp).

Lễ tang NSND Phùng Há do UBND TPHCM, Sở VH-TT-DL, Hội Sân khấu TP.HCM tổ chức.

NSND Phùng Há nổi tiếng với các vai diễn Lữ Bố (Lữ Bố hí Điêu Thuyền), Nguyệt (Tô Ánh Nguyệt), Lựu (Đời cô Lựu), Dương Quý Phi (Tình sử Dương Quý Phi), Nguyệt Nga (Kiều Nguyệt Nga), Thúy Kiều (Kim Vân Kiều), An Lộc Sơn (Đường Minh Hoàng du nguyệt điện).

Gần một thế kỷ gắn liền với nghệ thuật cải lương, bà tham gia rất nhiều gánh hát từ Tái Đồng Ban đến Trần Đắc, Huỳnh Kỳ, Phụng Hảo, Phước Cương, Thầy Năm Tú, Việt Kịch Năm Châu...

NSND Phùng Há đã góp phần rất lớn trong sự nghiệp đào tạo những thế hệ cải lương Việt Nam. Từ năm 1963 bà còn tham giảng dạy tại Trường quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn, trong đó có nhiều học trò thành danh như cố NSƯT Thanh Nga, NSƯT Bạch Tuyết, NSƯT Thanh Sang... Sau giải phóng bà làm cố vấn cho Nhà hát Trần Hữu Trang, với những nghệ sĩ nổi tiếng từ cái nôi này như Vũ Linh, Thanh Thanh Tâm Thoại Mỹ, Hữu Quốc…

NSND Phùng Há cũng là người sáng lập nên Viện dưỡng lão nghệ sĩ ở quận 8, TP.HCM - nơi nuôi dưỡng và chăm sóc các nghệ sĩ già yếu, neo đơn, không nơi nương tựa. Ngoài ra NSND Phùng Há còn đóng góp, sáng lập nên chùa Nghệ sĩ và nghĩa trang Nghệ Sĩ tại Gò Vấp, TP.HCM. Trong những năm cuối đời NSND Phùng Há đã về ngụ tại chùa Nghệ Sĩ (Gò Vấp) cùng với các mạnh thường quân khác tổ chức đóng góp rất nhiều cho công tác từ thiện.

* Chiều 5-7, tại chùa Nghệ Sĩ (Q.Gò Vấp, TP.HCM), lễ nhập quan NSND Phùng Há đã được tổ chức. Đông đảo nghệ sĩ, người thân và khán giả đã đến viếng bà trong niềm tiếc thương.

TQ2ehEr5.jpgPhóng to
Lần cuối thầy trò nhìn nhau, những tâm nguyên của bà với cải lương, NSƯT Bạch Tuyết hứa sẽ khắc cốt ghi tâm để truyền lại cho lớp trẻ - Ảnh: Gia Tiến
AMgqQRix.jpgPhóng to
NSƯT Thanh Thanh Tâm cùng người thân đọc kinh trước linh cữu NSND Phùng Há, cầu cho bà thanh thản rời chốn nhân gian- Ảnh: Gia Tiến
naQDszXx.jpgPhóng to
Một mái đầu bạc tiễn một mái đầu bạc, NSND Huỳnh Nga vẫn không nén được đau buồn - Ảnh: Gia Tiến
JiIR4jlh.jpgPhóng to
Đông đảo nghệ sĩ và khán giả đã có mặt quanh linh cữu khi lễ viếng còn chưa bắt đầu - Ảnh: Gia Tiến

Video clip (Nguồn: YouTube)

- Clip: Nghệ sĩ Phùng Há mừng Thượng Thọ 99 ngày 30-4-2009

- Clip: Đời Cô Lựu - Thanh Nga và Phùng Há

.........................................

Chia sẻ của độc giả

* Vậy là cô Lựu, cô Tô Ánh Nguyệt... của những người yêu thích bộ môn sân khấu cải lương đã không còn. Thật là một nỗi mất mát quá lớn. Tôi cứ ngỡ là Cô Phùng Há (xin phép được gọi Bà là Cô như thể hiện lòng tôn trọng của tôi đối với một đào hát lừng danh của Việt Nam) sẽ sống qua 100 tuổi.

* Thế là cây đại thụ của nền cải lương Việt Nam đã ra đi mãi mãi. Tôi vô cùng bất ngờ và đau xót khi nghe được tin dữ trên. Mặc dù biết bà đã tuổi cao sức yếu nhưng sự ra đi của bà đã tạo ra sự mất mát vô cùng lớn trong sự phát triển của nền cải lương Việt Nam hiện nay.

Cả cuộc đời của bà đã cống hiến trọn vẹn cho nền cải lương Việt Nam bằng việc tạo ra các vai diễn để đời được xem là hình mẫu, là biểu tượng mà các diễn viên thế hệ sau phải học hỏi. Bên cạnh đó, bà còn phát động xây dựng chùa Nghệ sĩ và nghĩa trang Nghệ sĩ làm chốn lui về của các thế hệ nghệ sĩ già cô đơn, bà còn là người tham gia rất tích cực cho công tác từ thiện giúp đỡ bà con nghèo.

Đã từ lâu, tôi vô cùng ái mộ và ngưỡng mộ tài năng và đức độ của nghệ sĩ nhân dân Phùng Há, bà là tượng đài vững chắc của nền âm nhạc cải lương Việt Nam, là tấm gương sáng để các thế hệ nghệ sĩ noi theo. Xin chúc bà vui vẻ và hạnh phúc nơi thiên đường! Nếu có kiếp sau, mong bà sẽ là một nghệ sĩ cải lương tài năng và đức độ như những gì bà làm được ở kiếp này để tiếp tục làm đắm say biết bao con tim người yêu mến nền âm nhạc cải lương. Xin gửi đến bà nén nhang lòng của người hâm mộ!

* Thế hệ như chúng tôi, nếu gọi phải gọi Bà thì phải gọi là bà cố. Vì khi còn nhỏ nghe bà ngoại tôi kể lại, ngày bé mỗi khi Ngoại được bà cố tôi dắt coi cải lương thì Bà Phùng Há đã là một nữ nghệ tài danh và sĩ nổi tiếng khắp Việt Nam, ngày đó mỗi khi Bà Phùng Há về diễn tại Mỹ Tho, vé phải tranh nhau mới mua được, mọi người luôn tranh thủ đi thật sớm để dành chỗ ngồi thật gần sân khấu để nhìn được rõ dung nhan kiều diễm của bà. Sau này thông tin mạng phát triển tôi được xem lại các thông tin viết về bà, về các cống hiến của bà cho xã hội như: xây dựng nhà dưỡng lão nghệ sĩ tại Quận 8, chùa và nghĩa trang nghệ sĩ tại Gò Vấp và biết bao nghĩa cử cao đẹp cho công tác từ thiện xã hội.

Thật vô cùng khâm phục và mến mộ tấm lòng của một nữ nghệ sĩ có cái tâm và tấm lòng như Bà, luôn nghĩ đến công tác chăm lo cho lớp nghệ sĩ cao tuổi và công tác đào tạo thế hệ nghệ sĩ trẻ. Nhìn lại thế hệ học trò tài năng của bà như Bạch Tuyết, Thanh Sang...họ cũng học nhiều từ tấm gương lao động nghệ thuật của bà. Hy vọng các thế hệ nghệ sĩ sẽ luôn trau dồi về tài năng và đức độ để môn nghệ thuật cải lương luôn được phát huy và bảo tồn.

Hôm nay nghe tin Bà qua đời, dẫu biết Bà đã tuổi cao sức yếu, nhưng vẫn cầu mong Bà sẽ sống thọ ngoài trăm tuổi, làm ngọn hải đăng bất diệt để thế hệ chúng tôi hướng về tài năng và đức độ ấy mà noi theo. Cầu mong cho hương hồn Bà được an cư miền cực lạc. Nếu có kiếp sau xin Bà hãy là một nghệ sĩ tài danh như kiếp này, để sân khấu cải lương luôn là cái nôi văn hoá truyền thống cho mỗi người Việt Nam được tự hào với bạn bè năm châu về nền văn hoá giàu bản sắc dân tộc của mình. Cầu mong Bà an nghỉ nơi cõi vĩnh hằng!

* Vậy là cháu không còn có dịp lên Chùa Nghệ sĩ để thăm Bà nữa rồi. Cháu có gọi ĐT cho chú Cơ nhưng không được, có lẽ chú cũng đã biết tin và giờ này đang trên đường trở về chịu tang. Kính mong hương hồn cụ bà sớm tiêu diêu nơi miền cực lạc. Chú thích: Chú Trương Cơ, hiện đang ở Hoa kỳ, là cháu đích tôn, gọi bà Phùng Há là Cô ruột.

* Dẫu biết rằng, sinh tử là lẽ tất nhiên của tạo hoá, dẫu biết rằng Bà đã sống trọn vẹn kiếp tằm nhả tơ... nhưng sao tôi vẫn sửng sốt và bàng hoàng khi hay tin bà ra đi. Cám ơn Bà đã dâng hiến cho đời nhiều vai diễn đẹp. Cám ơn Bà đã sống và tu đức để vinh danh Chân, Thiện, Mỹ ở đời. Cám ơn Bà vì đã thở cùng nhịp thở của dân tộc. Cám ơn tấm lòng của Bà. Dẫu tôi không phải là tín đồ của sân khấu cải lương, nhưng tôi đã trân trọng và luôn ngưỡng mộ tấm lòng của Bà với đồng nghiệp, với đồng bào. Xin được nghiêng mình trước anh linh của NSND Phùng Há.

* Xin kính cẩn nghiên mình trước vong linh người Nghệ sĩ tài danh - Nghệ sĩ Nhân dân Phùng Há. Tuy bà mất đi là theo qui luật vòng đời "Sinh - Lão - Bệnh - Tử ", nhưng tiếng hát của Bà sẽ còn vang vọng mãi đến ngàn đời sau vậy! Xin nguyện cầu cho hương hồn Bà sớm tiêu diêu miền cực lạc!

* Cô Bảy ơi, vậy là Cô Bảy mất rồi! Con là Nhân, hướng đạo sinh bạn anh Biện Văn Phú họa sĩ đi theo xe từ thiện của Cô Bảy đó. Con đi làm nhưng năm nào cũng sắp xếp viếng chùa Nghệ sĩ đôi lần, được thấy Cô Bảy còn khỏe con mừng lắm. Định rằm tháng bảy này ghé viếng chùa thăm Cô luôn nhưng không kịp nữa rồi. Mấy đứa tụi con cứ chờ mau tới ngày mừng thọ 100 tuổi của Cô, chắc vui lắm, bây giờ cũng hết chờ rồi.

Má con kém Cô mấy tuổi mà mất lâu rồi, thấy Cô sống thọ con nhớ Má con lắm, ước gì phải chi Má con cũng sống thọ được như Cô. Bây giờ đến lượt Cô ra đi con thấy buồn gì đâu. Con còn chữ ký Cô Bảy ký tặng đó, cũng hơi lâu lâu rồi . Lần đó tụi con ngồi nghe Cô kể chuyện đi hát hồi xưa, rồi dẩn cho xem hình đóng tuồng thời hồi còn hưng thời của Cô, kể mấy tích cũ mà đến bây giờ vẩn còn nhớ đó Cô ơi. Cầu nguyện hương hồn Cô tiêu diêu nơi miền cực lạc, phù hộ cho con cháu nghệ sĩ mình nha Cô.

* Mặc dù, cháu không biết nhiều về Cải lương, nhưng cháu đã có nghe nói, nghe nhắc tới nhiều tên một người nghệ sĩ, đó là Bà Phùng Há. Cháu chỉ biết Bà, là một người nghệ sĩ Cải lương rất là giỏi, rất là đặc biệt. Vậy mà, khi nghe tin Bà đã ra đi, thì tự dưng trong lòng lại dậy lên một nỗi buồn thăm thẳm. Dẫu không ruột thịt, dẫu không quen biết, cũng không phải vì phong trào, nhưng thực sự là cháu rất tiếc, tiếc cho một con người đa tài, tiếc cho một tài năng, tiếc cho một lịch sử.

Thời gian gần đây, mọi người mất quá nhiều, quá nhiều, quá nhiều những con người tài hoa và nổi tiếng, đã ra đi đột ngột, để lại cho hậu thế, cho thế hệ sau, một sự tiếc nuối, một nỗi buồn không của riêng ai... Con chúc cho Bà về nơi yên nghỉ cuối cùng, và tên gọi của Bà, hình ảnh của Bà, sẽ ở mãi trong lòng mọi người, kể cả con...

T.H.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên