Nhân dịp này, cuốn sách Mẹ trên sân khấu Kim Cương cũng được Nhà xuất bản Văn Hóa Văn Nghệ phát hành.
Phóng to |
Sách là một tuyển tập ba kịch bản văn học của ba vở diễn về mẹ nổi tiếng trên sân khấu Kim Cương: Lá sầu riêng, Huyền thoại mẹ và Bông hồng cài áo. Sách cũng tập hợp nhiều tư liệu, hình ảnh và bài viết về sân khấu kịch Kim Cương qua nhiều thời kỳ của những tên tuổi như Trần Văn Khê, Hoàng Như Mai, Cao Huy Thuần...
NSND Kim Cương cho biết:
- Trở lại sân khấu lần này là lần cuối để trả nợ ân tình, sau khi ba đêm diễn kết thúc thì cái tên Kim Cương cũng chính thức bước ra khỏi sân khấu. Tất cả những hào quang, ánh đèn, nước mắt hay tiếng vỗ tay của khán giả rồi cũng sẽ thành dĩ vãng. Ðể từ biệt, tôi muốn được in lại những kịch bản văn học của mình như một đóng góp rõ ràng bằng giấy trắng mực đen cho sân khấu, cho những bạn bè gần xa đã từng yêu quý phong cách kịch Kim Cương, và cũng để cho những em trẻ sau này dễ dàng tìm được tư liệu nếu cần.
* Chọn đề tài về người mẹ để in sách, như bà nói là để tưởng nhớ mẹ của mình là NSND Bảy Nam, nhưng dường như cũng có lý do rằng đó là những kịch bản hay nhất của sân khấu Kim Cương?
- Theo tôi, điều quý nhất của con người là cái tình. Cái tình làm cho người ta khác với con vật và cây cỏ, trong đó tình mẹ lại là thứ tình thiêng liêng nhất. Ðề tài về mẹ luôn làm tôi xúc động, khi viết và dựng thì dễ lấy nước mắt của khán giả.
Trong hơn 70 vở diễn của mình, tôi cũng không nhớ rõ mình đã viết bao nhiêu vở kịch về đề tài tình mẹ con, trong đó Lá sầu riêng, Huyền thoại mẹ và Bông hồng cài áo là những vở nổi tiếng nhất, ăn khách nhất và diễn nhiều suất nhất. Lá sầu riêng tôi viết khoảng những năm 1960, lúc đầu có tên Duyên kiếp lỡ làng, sau này tôi đổi thành Lá sầu riêng như một cách chơi chữ, mượn cây sầu riêng của miền Nam để nói về nỗi buồn và sự chịu đựng của người phụ nữ thời đó. Huyền thoại mẹ thì tôi viết sau khi đi học thoại kịch ở Pháp về nên văn phong rất Tây, cách dựng và diễn cũng rất phóng khoáng và mới mẻ. Còn Bông hồng cài áo thì viết sau ngày đất nước thống nhất, là vở kịch kết hợp giữa đạo và đời nên đằm thắm và sâu hơn.
Ðó là ba vở diễn đánh dấu ba giai đoạn trưởng thành của tôi trong nghề nghiệp.
* Trong những người mẹ đó, người mẹ nào đã "lấy đi" của bà nhiều nước mắt và tâm sức nhất?
- Mỗi vai diễn có một số phận khác nhau nên tôi cũng "khổ" mỗi kiểu khác nhau. Nước mắt thì vai nào cũng có, vì người mẹ nào cũng khổ, cũng thương con bằng một tình yêu câm lặng và vô bờ. Nhưng tôi thích nhất vai diễn trong Huyền thoại mẹ, đó là hình tượng một người mẹ giang hồ mạnh mẽ và không quỵ lụy, cách diễn rất Tây và mặc đồ cũng... đẹp nữa (cười). Cho đến hết vở, đứa con gái vẫn không hề biết người mà mình nhục mạ, căm ghét đó chính là mẹ mình.
Cũng có nhiều khán giả sau khi xem xong đề nghị tôi sửa lại cho mẹ con họ nhận nhau, vì chẳng lẽ sau từng ấy đau khổ và hi sinh để bảo vệ hạnh phúc cho con, bà mẹ ấy lại ra đi không để lại dấu vết gì trong cuộc đời... Nhưng tôi nghĩ rằng như vậy mới là huyền thoại, vì tình yêu thương của mẹ dành cho con là vô điều kiện và không cần phải giải thích.
* Trong lời đề sách của mình, giáo sư Trần Văn Khê có nhắc đến chuyện bà cố tình viết kịch về mẹ để cho mẹ của bà - NSND Bảy Nam - có đất diễn?
- Có cả ngàn cách để con cái hiếu thảo và lo lắng cho cha mẹ. Tôi là một nghệ sĩ nên cách lo của tôi cũng theo kiểu nghệ sĩ. Hơn ai hết tôi biết má tôi thèm lên sân khấu lắm, nhưng tuổi tác và sức khỏe không cho phép má vào những vai chánh, vai có số phận. Bởi vậy tôi nghĩ ra những dạng vai vừa phải theo kiểu "đo ni đóng giày" nhưng vẫn có thoại đàng hoàng để má diễn. Vậy mà má làm vai nào cũng hay, như vai má cô Diệu trong Lá sầu riêng hay bà mẹ điên trong Bông hồng cài áo, chỉ diễn vài đoạn ngắn thôi mà khán giả nhớ hoài, nhắc mãi.
* Có điều gì giống và khác giữa người mẹ Kim Cương trên sân khấu và người mẹ Kim Cương trong cuộc đời thực của bà?
- Khi học ở Pháp, có lần tôi xem một vở kịch trong đó cô diễn viên da đen đã nói một câu làm tôi nhớ mãi: "Dòng máu của các bà mẹ chảy dưới tất cả màu da". Câu nói này về sau là nguồn cảm hứng để tôi viết nhiều kịch bản người mẹ, đồng thời cũng là kim chỉ nam trong tình cảm mẹ con của tôi ngoài sân khấu. Tôi với con tôi cứ như bạn, tôi lắng nghe những tâm sự, giải quyết những vấn đề của con hay sẵn sàng đứng ra hứng chịu lấy tất cả những điều tồi tệ nếu cuộc đời làm vậy với con tôi.
Dù là sân khấu hay ngoài đời, tôi tin rằng tình cảm của mẹ dành cho con sẽ luôn bao la, độ lượng và bền bỉ cho tới chết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận