10/07/2015 09:45 GMT+7

Nộp phạt vi phạm giao thông qua bưu điện

QUỐC THANH - GIA MINH
QUỐC THANH - GIA MINH

TT - Theo đề xuất của Bưu điện TP.HCM, đơn vị cung cấp dịch vụ có thể giúp người vi phạm giao thông ngồi ở nhà nhưng vẫn thực hiện nghĩa vụ nộp phạt và nhận lại giấy tờ bị tạm giữ.

Theo quy trình hiện nay, người vi phạm luật giao thông phải mất thời gian đi lại để đóng phạt, nhận lại giấy tờ. Trong ảnh: CSGT lập biên bản đối với một trường hợp vi phạm luật giao thông tại TP.HCM Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo quy trình hiện nay, người vi phạm luật giao thông phải mất thời gian đi lại để đóng phạt, nhận lại giấy tờ. Trong ảnh: CSGT lập biên bản đối với một trường hợp vi phạm luật giao thông tại TP.HCM - Ảnh: Quang Định

Đề xuất của Bưu điện TP.HCM nhằm cung cấp thêm dịch vụ tiện ích (có thu phí) cho người dân, nhưng do các đơn vị liên quan chưa thống nhất nên đề xuất này vẫn chưa thực hiện được.

Trước sự việc còn có các ý kiến khác nhau, các sở ngành liên quan cần ngồi lại để thống nhất trên cơ sở việc gì có lợi cho người dân thì nên làm.

Ở đây cần nói thêm là pháp luật đều do chúng ta (Nhà nước) đặt ra nên trong quá trình thực hiện nếu quy định nào có thể điều chỉnh, vận dụng để có lợi cho người dân và phù hợp với sự phát triển thì nên kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền để điều chỉnh, áp dụng thực hiện

Ông LÊ THÁI HỶ (giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM)

Nỗi khổ của người trong cuộc

Hơn 10g sáng 9-7, trước trụ sở Công an Q.Tân Bình (TP.HCM), anh Phan Văn Sỹ (25 tuổi, quê Ninh Thuận) cầm trên tay giấy phép lái xe vừa lấy từ Công an Q.Tân Bình ra, vội vàng tới Công an Q.7 cho kịp giờ nhận quyết định xử phạt, đóng tiền, lấy xe máy đang bị tạm giữ.

Anh Sỹ kể: tháng 3-2014, anh vi phạm giao thông tại Q.Tân Bình, bị tạm giữ bằng lái xe. Do công việc thường xuyên phải di chuyển từ Nam ra Bắc và ngược lại, anh không có thời gian để tới Công an Q.Tân Bình nhận quyết định xử phạt, đóng tiền và lấy bằng lái xe. Mới đây, anh chạy xe tại Q.7, bị tạm giữ xe vì không có bằng lái nên mới đến Công an Q.Tân Bình hoàn tất thủ tục, nhận lại giấy phép lái xe.

"Tôi vi phạm thì phải chấp hành việc bị lập biên bản, xử phạt hành chính. Tuy nhiên, do tôi thường xuyên bận công việc nên khó chấp hành việc nộp phạt đúng thời hạn. Ủy quyền cho người khác cũng rườm rà, phải có người thân, người quen ở TP, cả hai phải tới phòng công chứng để chứng thực hợp đồng ủy quyền” - anh Sỹ nói.

Anh Nguyễn Thành Lợi (26 tuổi, quê Nam Định) là nhân viên một công ty có trụ sở ở TP.HCM, nhưng hiện tại anh đang làm việc tại một công trình xây dựng ở Nghệ An. Đầu tháng 7 này, anh Lợi trở lại TP.HCM để giải quyết công việc, trên đường đi bị cảnh sát giao thông (CSGT) lập biên bản vi phạm giao thông nên anh phải ở lại TP để chờ nhận quyết định xử phạt, nộp phạt rồi mới đi Nghệ An làm việc.

"Tôi ở lại TP chờ nộp phạt phải bỏ công ăn việc làm, nhưng nếu không ở lại chờ mà ra Nghệ An rồi trở vào thì cũng mất thời gian và tốn tiền đi lại nhiều hơn” - anh Lợi nói.

Không riêng gì hai trường hợp vi phạm nói trên, nhiều năm nay, đường dây nóng báo Tuổi Trẻ từng nhận được rất nhiều phản ảnh, kêu khổ của những người ở tỉnh thành này lại vi phạm giao thông ở tỉnh thành khác do họ phải đi lại nhiều lần để nộp phạt. Sáng 9-7, chúng tôi phỏng vấn nhanh một số người đi nhận quyết định xử phạt tại một số cơ quan công an ở TP.HCM, tất cả đều cho rằng họ mong đề xuất nói trên của Bưu điện TP.HCM sớm được thực hiện.

Đồ họa: TẤN ĐẠT
Đồ họa: Tấn Đạt

Dịch vụ đóng tiền phạt thay

Theo đề xuất của Bưu điện TP, khi người vi phạm giao thông có nhu cầu cung cấp dịch vụ nói trên, dựa vào nội dung ghi trên biên bản vi phạm hành chính, Bưu điện TP sẽ liên hệ với CSGT để tìm thông tin liên quan đến các khâu xử lý vi phạm sau đó. Khi quyết định xử phạt ban hành, bưu điện sẽ nộp biên bản vi phạm hành chính để nhận bản chính quyết định xử phạt vi phạm. Đồng thời, sẽ liên hệ với Kho bạc Nhà nước (ngân hàng) được chỉ định để đóng tiền phạt.

Sau khi nộp phạt xong, bưu điện sẽ nộp biên lai đóng phạt cho CSGT để nhận lại các giấy tờ bị tạm giữ của người vi phạm. Khi ký nhận đầy đủ các loại giấy tờ bị tạm giữ của người vi phạm cùng với bản chính quyết định xử phạt vi phạm hành chính, biên lai đóng phạt, bưu điện sẽ chuyển phát toàn bộ đến tận nhà người dân. Dịch vụ này áp dụng đối với tất cả người vi phạm giao thông tại TP.HCM.

Nội dung trên đã được Bưu điện TP đề xuất với cơ quan thẩm quyền hơn một năm qua, nhưng do các đơn vị liên quan vẫn còn ý kiến khác nhau nên đến nay chưa triển khai trên thực tế.

Ý kiến về việc này, Công an TP.HCM có văn bản (do ông Trần Đức Tài, phó giám đốc Công an TP, ký) cho rằng theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm phải trực tiếp nộp tiền phạt cho người ra quyết định xử phạt (trường hợp xử phạt không lập biên bản) hoặc nộp tiền phạt trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại (trường hợp xử phạt có lập biên bản). Trong khi đó, Bưu điện TP không phải là người đại diện hợp pháp cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt nên đề xuất nói trên của Bưu điện TP không có cơ sở pháp lý để thực hiện.

Khác với ý kiến của Công an TP, Sở Tư pháp TP có văn bản (do bà Lê Thị Bình Minh, phó giám đốc sở, ký) cho rằng khi thực hiện dịch vụ đóng tiền phạt thay cho người bị xử phạt, Bưu điện TP là đại diện theo ủy quyền của người bị xử phạt bằng hình thức người bị xử phạt điền vào phiếu yêu cầu cung cấp dịch vụ. Phiếu này mang những nội dung ủy quyền cho Bưu điện TP thay mặt người bị xử phạt thực hiện các công việc như: nhận quyết định xử phạt, đóng tiền phạt và nhận lại các giấy tờ bị tạm giữ. Sở Tư pháp TP còn cho rằng pháp luật dân sự quy định ngoài những hình thức ủy quyền phải lập thành văn bản, các bên có quyền thỏa thuận về hình thức ủy quyền...

Bà Rịa - Vũng Tàu: bưu điện nộp phạt hơn 1.800 vụ vi phạm giao thông

Từ ngày 1-3-2014, Bưu điện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ký thỏa thuận thu nộp phạt hộ lỗi vi phạm giao thông thông qua bưu điện.

Theo thỏa thuận, khi người vi phạm lỗi giao thông bị CSGT lập biên bản, phía sau tờ biên bản sẽ đóng dấu số điện thoại của nhân viên bưu điện.

Nếu người vi phạm có nhu cầu sử dụng dịch vụ sẽ gọi cho nhân viên bưu điện để thông báo số tờ biên bản, lỗi vi phạm, biển đăng ký xe và địa chỉ của người vi phạm.

Sau đó, người vi phạm sẽ chuyển tiền vào một tài khoản ủy nhiệm thu của kho bạc ở các ngân hàng để nhân viên bưu điện đóng tiền phạt.

Sau đó, nhân viên bưu điện cầm biên lai đóng phạt đến cơ quan CSGT để nhận lại giấy tờ mà công an trả lại cho người vi phạm rồi chuyển về địa chỉ của người vi phạm.

Bà Trần Thị Thanh Hoa, trưởng phòng kế hoạch - kinh doanh Bưu điện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết từ khi triển khai dịch vụ này đến nay, bưu điện đã nộp phạt thay cho người vi phạm với 1.824 vụ việc vi phạm.

Theo bà Hoa, hiện tại Bưu điện Bà Rịa - Vũng Tàu chưa thu phí dịch vụ này, người vi phạm chỉ phải chịu phí chuyển phát nhanh giấy tờ theo quy định. Cụ thể, nếu chuyển phát nhanh trong tỉnh là 30.000 đồng/lần, các tỉnh lân cận khoảng 60.000 đồng/lần.

Thượng tá Nguyễn Tiến Quý, phó trưởng Phòng CSGT đường bộ Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết việc áp dụng quy định trên đã tạo nhiều thuận lợi cho người vi phạm.

“Một người ở Đồng Nai hay TP.HCM vi phạm lỗi giao thông ở Bà Rịa - Vũng Tàu, nếu họ đi nộp phạt, lấy lại giấy tờ thì sẽ mất hai chuyến xe, ít nhất cũng tốn gần 200.000 đồng và một ngày đi lại. Trong khi hiện tại họ chỉ mất vài chục ngàn phí chuyển phát nhanh” - ông Quý nêu ví dụ.

Ông Quý cho rằng so với quy định của Luật xử phạt vi phạm hành chính là người vi phạm phải ký vào quyết định xử phạt và nộp tiền vào kho bạc thì việc áp dụng trên chưa đúng. Nhưng qua thí điểm hơn một năm nay, Phòng CSGT đường bộ thấy rằng việc làm trên tạo điều kiện thuận tiện cho người dân rất nhiều và ngân sách nhà nước vẫn thu đủ tiền nộp phạt. Hơn nữa, việc này là hoàn toàn do người vi phạm tự nguyện dùng dịch vụ của bưu điện chứ không ai bắt buộc. Và quá trình thực hiện giữa bưu điện và CSGT cũng chưa thấy xảy ra sai sót nào.

Cũng theo ông Quý, Phòng CSGT đường bộ Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có kiến nghị với cấp trên cho triển khai nộp tiền vi phạm giao thông qua bưu điện trên cả nước nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi. Ông Quý cho biết thêm tại Bà Rịa - Vũng Tàu, việc nộp phạt qua bưu điện chỉ áp dụng cho những lỗi nhẹ khi người vi phạm bị giữ giấy tờ xe hay bằng lái, chứ không áp dụng cho những lỗi nặng mà người vi phạm bị tước giấy phép lái xe hay tạm giữ xe.

ĐÔNG HÀ

QUỐC THANH - GIA MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên