![]() |
"Cò" nộp phạt giùm tụ tập chờ trước Đội CSGT số 1 |
Nộp phạt giùm chỉ 15 phút!
10g30 ngày 15-2, có khoảng 40 người đến làm các thủ tục xử lý vi phạm giao thông tại Đội CSGT số 1. Ngồi cạnh chúng tôi, một thanh niên thở dài: “Chờ lâu quá, từ sáng đến giờ vẫn chưa tới lượt”. Anh thanh niên này cho biết trước tết đi quên mang theo giấy tờ lại quẹo khi đèn đỏ nên bị CSGT phạt tạm giữ xe. Nay anh mang biên bản đến để nộp phạt và nhận xe về.
Anh đến từ đầu giờ làm việc buổi sáng, sau khi lấy quyết định xử phạt với mức phạt 170.000 đồng, anh phải đem tiền đến địa điểm nộp tiền ở số 68 Hồ Tùng Mậu, P.Bến Nghé, Q.1. Nghe người bạn đi đóng phạt trước đó mách bảo nên nhờ “cò” đi đóng cho nhanh, chứ không thì rất lâu do người bị xử lý vi phạm quá đông. Anh thanh niên giao giấy tờ cho “cò” đi đóng giùm. “Cò” nói tiền công 20.000 đồng, anh kỳ kèo: “10.000 đồng thôi, bạn tui đã từng nhờ mấy ông với giá này”. “Cò” năn nỉ “tết mà, lì xì thêm cho tụi em”. Chỉ mất khoảng 15 phút đã thấy “cò” quay trở lại giao biên lai thu tiền. Anh thanh niên đưa “cò” 20.000 đồng, rồi nộp biên lai cho bộ phận xử lý chờ nhận giấy trả xe.
![]() |
"Cò" đóng tiền phạt (phải) đang giao dịch với khách trước tổ xử lý vi phạm hành chính Đội 1 CSGT TP.HCM (chụp lúc 14g30 ngày 16-2-2005) - Ảnh: N.HÙNG |
“Không biết chỗ, đi lòng vòng mất thời gian, lại phải chờ đợi lâu khi đã nộp biên lai lấy giấy trả xe do người vi phạm quá đông. Thôi thì ngồi uống cà phê, mất ít tiền giao họ đi nộp giùm cho khỏe” - ông Long, ngụ tận Củ Chi, tâm sự. Chúng tôi nhẩm tính cứ 10 người thì hết 7-8 người nhờ đến dịch vụ nộp tiền phạt giùm... cho khỏe như trường hợp của ông Long! Vòng qua điểm thu tiền phạt tại số 68 Hồ Tùng Mậu thuộc Kho bạc Nhà nước Q.1, số người vào nộp phạt chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Chủ yếu người vi phạm nhờ “cò” đi nộp thay nên ở đây không đông” - nhân viên giữ xe tại đây cho biết.
Tại bộ phận xử lý vi phạm giao thông thuộc Đội CSGT số 3 trên đường Ngô Quyền, Q.5 cũng diễn ra những hình ảnh tương tự. Ở đây, do địa điểm nộp tiền phạt của kho bạc nhà nước gần hơn nên các “cò” chỉ lấy công 3.000 - 5.000 đồng. Ngoài ra, sau khi người vi phạm nộp biên lai thu tiền, lấy giấy trả xe mà không có phương tiện đi lại (do nơi tạm giữ xe ở xa) thì “cò” nhận chở giùm đến nơi tạm giữ xe với giá bằng một cuốc xe ôm.
Tại sao có chuyện đi nộp phạt giùm?
Nói một cách chính xác thì “cò” ở đây là người đi đóng phạt giùm để lấy tiền công. Họ hoàn toàn không được phép vào làm thủ tục thay cho người bị vi phạm, mà chỉ có thể làm dịch vụ ở khâu đi đóng tiền phạt tại kho bạc nhà nước. Nhưng chính sự quá tải ở khâu làm thủ tục xử lý vi phạm, cộng với những “dích dắc” về hồ sơ, giấy tờ đã làm phát sinh “dịch vụ” mới này.
Trung tá Nguyễn Ngọc Loan - đội trưởng Đội CSGT số 1 - cho biết hiện có ba tổ xử lý vi phạm giao thông, tiếp nhận xử lý mỗi ngày hơn 330 hồ sơ, trung bình mỗi hồ sơ phải lập ba bản với... 36 con dấu từ cấp đội đến cấp phòng, trong khi quân số phục vụ chỉ có 30 người. Nếu một người vi phạm bị tạm giữ xe thì sau khi lập biên bản, họ được hẹn ngày đến làm thủ tục nộp phạt. Làm thủ tục nộp phạt xong, họ phải đi đóng tiền phạt tại kho bạc nhà nước cấp quận, sau đó tiếp tục quay trở lại nơi làm thủ tục trình biên lai thu tiền để chờ nhận giấy trả xe, và khi có được tấm giấy này thì đến địa điểm giữ xe ở một chỗ khác để lấy xe ra. “Nhiêu khê lắm, phải mất từ một đến hai ngày mới hoàn tất được các công đoạn này”, đó là tâm sự của nhiều người đi làm thủ tục xử lý vi phạm.
Để có thể giải quyết nhanh chóng lượng hồ sơ người vi phạm giao thông phải xử lý hằng ngày, ông Loan cho biết phải cần gấp đôi quân số nói trên. Với quân số như hiện nay thì “lực bất tòng tâm”!
Lực lượng CSGT phục vụ quá ít trong khi người vi phạm quá đông, không đáp ứng hết được; chậm trễ nên phát sinh “cò” - thượng tá Phạm Văn Thịnh, trưởng phòng CSGT đường bộ Công an TP.HCM, thừa nhận. Ông Thịnh cho biết đang tìm mọi biện pháp cải tiến thủ tục nhằm rút ngắn thời gian làm thủ tục cho người vi phạm giao thông. Trung tá Nguyễn Ngọc Loan cho biết đã trao đổi với Kho bạc Nhà nước Q.1, đề nghị không thu tiền những người đi đóng phạt thay, chỉ thu tiền người bị vi phạm; hoặc kho bạc cử nhân viên xuống tại bộ phận xử lý vi phạm của CSGT ngồi thu tiền, thậm chí ủy quyền cho CSGT trực tiếp thu tiền, sau đó nộp lại cho kho bạc. Làm như vậy sẽ rút ngắn được thời gian cho người vi phạm giao thông, đồng thời loại trừ được tình trạng “cò” lợi dụng...
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Kho bạc Nhà nước Q.1, không có qui định nào cấm người đi nộp tiền thay. Trước mắt, kho bạc ưu tiên thu tiền trước của người vi phạm trực tiếp đi nộp, còn người đi nộp nhiều lần có khả năng là “cò” thì phải nộp sau. Đối với yêu cầu cử nhân viên kho bạc xuống thu tại bộ phận xử lý vi phạm giao thông hoặc ủy quyền cho CSGT thu thì cần phải có các cuộc làm việc cụ thể, xin ý kiến cấp trên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận