10/03/2004 06:00 GMT+7

Nóng trên dòng Bảo Định

VÂN TRƯỜNG
VÂN TRƯỜNG

TT - Lần đầu tiên, hàng chục ngàn hộ dân sống ở vùng hạ nguồn cống Bảo Định (đang được xây dựng gần ngã ba Trung Lương, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) phải ngửa mặt kêu trời vì hơn 30.000ha hoa màu, cây ăn trái đã lâm vào cảnh thiếu nước. Trong khi đó phía thượng lưu (khoảng 4km từ cầu Công Dân ngược ra công viên Thủ Khoa Huân) nước sông cũng đã đen ngòm, đầy rác rưởi và bốc mùi hôi thối...

oXifv8oB.jpgPhóng to
Rẫy ngò gai ở xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) đang chờ... héo!
TT - Lần đầu tiên, hàng chục ngàn hộ dân sống ở vùng hạ nguồn cống Bảo Định (đang được xây dựng gần ngã ba Trung Lương, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) phải ngửa mặt kêu trời vì hơn 30.000ha hoa màu, cây ăn trái đã lâm vào cảnh thiếu nước. Trong khi đó phía thượng lưu (khoảng 4km từ cầu Công Dân ngược ra công viên Thủ Khoa Huân) nước sông cũng đã đen ngòm, đầy rác rưởi và bốc mùi hôi thối...

Người người xuống ao...

Trong cái nắng cháy da đầu mùa khô, khu vực cầu Công Dân thuộc xã Đạo Thạnh, thành phố Mỹ Tho bị “oanh tạc” bởi bụi mù và tiếng động cơ của gần chục xe ủi, xe xúc, xe tải... chở đất thi công cống Bảo Định.

Cách đó chừng 100m, nơi có một con đập chắn ngang dòng Bảo Định, một nhóm ông già, bà lão, con nít đang chuyền tay nhau từng gàu nước ít ỏi còn sót lại trong mương vườn để cứu hàng trăm gốc cam, nhãn đang tuổi cho trái.

Ông Võ Văn Tốt ở ấp 4, xã Đạo Thạnh chỉ tay ra sông nói: “Người ta đắp đập ngăn con sông này hơn một tháng nay. Nước sông Tiền không vào được nữa. Tuần trước tui đã đào ao xuống thêm nửa thước đất nhưng bây giờ cũng cạn khô hết rồi”.

Dẫn tôi đi tham quan vườn cam cao quá đầu, bên dưới là hàng chục hố chứa nước đã khô khốc rộng cả dang tay, ông Nguyễn Phú Khai - nhà ở ngay cạnh sông Bảo Định - tặc lưỡi than vãn: “Lần đầu tiên tụi tui mới thấy cảnh khổ vì thiếu nước như thế này. Hai công đất trồng cam của tui chắc không qua nổi mùa khô này!”.

Vào sâu một chút là đến ấp 4, ấp 5, xã Đạo Thạnh (thành phố Mỹ Tho), rồi xã Lương Hòa Lạc, Mỹ Tịnh An, Phú Kiết, Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo, vòng trở lên là xã Long An, Thân Cửu Nghĩa, Tân Hiệp, Tân Hương, huyện Châu Thành, tới đâu tôi cũng nghe tiếng máy bơm nước, tiếng người gọi nhau í ới nhộn nhịp cả một vùng mà trước đây cứ “mười bảy nước nhảy khỏi bờ”. Người già, trẻ, bé, lớn đều ra vườn lội xuống móc mương, đào ao sâu thêm để hi vọng có thêm dòng nước tưới.

Dọc theo con đường đá đỏ từ thành phố Mỹ Tho đi Lương Hòa Lạc là hàng chục vườn cây ăn trái, vườn rau màu đang đối diện với nguy cơ chết khô. Hàng trăm hecta mận xanh Lương Hòa Lạc nổi tiếng đang vào mùa thu hoạch rụng đầy vườn. Số còn lại chỉ là mận “bi” giá chỉ có 500 đồng/kg. Trong khi đó vườn nhãn rộng ba công đất được ba năm tuổi của chị Nguyễn Thị Vân ở ấp Long Hòa A, xã Lương Hòa Lạc đang chờ... làm củi vì dưới ao đất đã nứt nẻ.

Gần đó, vườn nhãn, cam, bưởi của anh Sáu Quắn, anh Hai Ngữ, dì Sáu An cũng cùng chung số phận. Ở các xã Lương Hòa Lạc, Mỹ Tịnh An, Phú Kiết, huyện Chợ Gạo; vùng chuyên canh rau màu Thân Cửu Nghĩa và Long An, huyện Châu Thành đều có những vườn cây ăn trái đang héo vàng vì thiếu nước tưới.

Ở một rẫy rau má dọc quốc lộ 1A thuộc xã Thân Cửu Nghĩa, anh Nguyễn Văn Dũng cho biết đã thức trắng canh bơm nước từ tối hôm qua đến chiều nay vẫn chưa đủ tưới cho hơn 1ha. Nhiều hộ trồng rau ở Thân Cửu Nghĩa phải thuê khoan giếng tầng nông (khoan lậu) để lấy nước cứu rau nhưng cũng không đủ...

Riêng ở ngay vùng trung tâm thành phố Mỹ Tho quanh năm có con sông Bảo Định đỏ nặng phù sa cung cấp nước ngọt ngày nào đã trở thành ký ức. Từ ngày đắp đập ngăn dòng Bảo Định đến nay hàng trăm hộ dân thuộc các ấp 2, 3, 4, 5, xã Đạo Thạnh điêu đứng vì thiếu nước sử dụng hằng ngày.

Từ công viên Lạc Hồng đến cầu Công Dân bây giờ nước đã chuyển sang màu đen, cạn dần và bốc mùi hôi thối vì nó đã trở thành con sông “tù” cả tháng nay. Hai bên bờ sông hiện ra những ống cống nước thải ở các khu dân cư đen kịt, tởm lợm. Nhiều lá đơn kêu cứu đã được người dân gửi đi...

Vẫn đợi chờ...

ldPfUoZT.jpgPhóng to
Nhiều hộ dân trồng rau ở xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành (Tiền Giang) phải chắt mót một ít nước còn lại trên kênh để cứu rẫy rau
Công trình cống Bảo Định là công trình thủy lợi quan trọng của cả khu vực. Để thi công cống Bảo Định bắt buộc phải ngăn dòng sông này. Và việc “tiếp nước” cho vùng hạ lưu sông đã được các ngành chức năng tính đến.

Tuy nhiên đã hơn một tháng trôi qua, trong khi hàng chục ngàn hộ dân ngày ngày ngửa mặt kêu trời thì “phương án 1”, “phương án 2”... tạm thời thay thế dòng Bảo Định phía cửa sông Tiền vẫn còn nằm trên bàn giấy.

Khi đến ấp 5, xã Đạo Thạnh, thành phố Mỹ Tho, gặp những lão nông đang hì hục đào mương sâu thêm để tìm nước tưới, họ bảo tôi muốn biết tại sao bà con khổ thì cứ ra cầu Long Hòa, xã Lương Hòa Lạc sẽ rõ.

Sáng 8-3 tôi đã ra cầu (chỉ mới hợp long, còn ngổn ngang đất cát, sắt thép, xà bần…). Ông Lê Văn Chi, nhà ở cạnh cầu này, cho biết đơn vị thi công đã rút quân hơn một tháng nay rồi.

Tuy nhiên điều chướng tai gai mắt hơn lại ở ngay dưới gầm cầu. Con kênh thẳng tắp lấy nước từ cống Gò Cát đưa vào vùng hạ lưu sông Bảo Định mới tới ngay chân cầu đã bị tắc. “Mới mở có 6m thôi, còn hơn 20m nữa mới hết”, ông Chi nói.

Không chỉ ách tắc tại gầm cầu Long Hòa mà cách đó chừng 200m (cũng ngay trên con kênh này) là “trùng trùng điệp điệp” lục bình. “Lục bình dày đặc thế này làm sao nước chảy vô được!” - anh Hiếu, một người dân địa phương, lắc đầu ngao ngán.

Kênh Long Hòa (người dân địa phương gọi như vậy) cũng thuộc dự án Bảo Định, là nguồn tiếp tế quan trọng cho cả vùng rộng lớn phía hạ lưu sông Bảo Định. Trong khi cống Bảo Định đã tạm ngưng sứ mạng lịch sử của mình, lẽ ra kênh Long Hòa phải lập tức vào cuộc, song nó vẫn thinh lặng trong sự thờ ơ không phải của người dân.

Theo ông Nguyễn Thiện Pháp, quyền chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, ngoài việc cải thiện tốc độ lấy nước ở một vài cống trong khu vực để tăng nguồn nước dự trữ trong kênh, ao vườn, tăng cường làm thủy lợi nội đồng, nạo vét kênh mương, thì chỉ có cách... chờ ngày hoàn thành công trình cống Bảo Định (?).

Sở NN&PTNT cũng đã họp khẩn để bàn giải pháp hồi tuần trước. Tại cuộc họp đêm hôm đó, ông Nguyễn Văn Khang - giám đốc Sở NN&PTNT - gút lại thế này: tăng cường lấy nước ở những cống còn có thể lấy nước; các địa phương phải tiến hành nạo vét kênh mương, làm thủy lợi nội đồng ngay.

Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn cho khoan các giếng tầng nông để giải quyết nước sinh hoạt cho những vùng thiếu nước; phối hợp với Sở Tài nguyên - môi trường xử lý nguồn nước ô nhiễm...

Thế nhưng tất cả chỉ mới được “lên kế hoạch” và người dân vẫn phải đợi chờ. Trong khi chờ Nhà nước “ra tay”, không ít người đã lén lút khoan giếng tầng nông ngay tại nhà để tự cứu mình.

Những ngày rong ruổi qua vùng hạ lưu sông Bảo Định, tôi đã được nhiều bác nông dân thật thà tận tình chỉ giúp cách để có được cái giếng tầng nông: chỉ cần bỏ ra sáu bảy trăm ngàn và một cú điện thoại qua Long An mà chẳng cần phải xin phép tắc gì hết...

Dù họ biết làm như vậy là vi phạm pháp luật, nhưng “đợi mấy ổng giải quyết chắc cây và người chết khô hết rồi!” - một lão nông tri điền ở xã Đạo Thạnh trong lúc bực tức đã nói như vậy.

VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên