Bà nội tôi là một điển hình của người phụ nữ Huế với những đức tính trầm tĩnh, đôn hậu, dịu dàng, nhẫn nại, khéo tay...Từ khi còn là một cô dâu “mình hạc xương mai” mới mười chín tuổi cho đến khi nhắm mắt xuôi tay đã là một cụ bà tóc bạc phơ - tám mươi lăm tuổi, trong suốt cả cuộc đời, bà tôi luôn toàn tâm toàn ý phục vụ chồng con và gia nương bên nội.
Theo lời bà kể lại, nước mắt của bà tôi hầu như đã vơi cạn theo năm tháng vì nhớ thương ông nội tôi bệnh tật mất sớm và một nửa trong số tám người con lần lượt qua đời vì dịch bệnh. Đến khi bố tôi qua đời ở tuổi bốn mươi thì bà gần như kiệt sức, suy sụp hẳn.
Tôi còn nhớ những tháng năm buồn thảm đó, bà nội tôi khóc suốt đêm ngày, khóc đến mờ cả mắt, bỏ cả ăn uống. Bà tôi kể lể, thương tiếc bố tôi là người con có hiếu, là người mà bà yêu quý nhất. Bà không bao giờ ngờ có ngày phải lâm vào cảnh “tre già khóc măng non”, “lá xanh rụng xuống lá vàng trên cây”. Thế là tất cả tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc bà dồn cả cho chúng tôi như để bù đắp những thiệt thòi của bầy cháu thơ dại sớm phải mồ côi cha.
Tôi còn nhớ những buổi sáng mùa đông lạnh như cắt ở Huế; khi chúng tôi còn cuộn mình trong chăn bông ấm áp, bà tôi đã thức dậy từ sớm, vừa nhai trầu bỏm bẻm vừa nấu bữa ăn sáng cho chúng tôi. Quà sáng của bà thường rất ngon và chắc dạ: lúc thì xôi đậu, cháo nếp; lúc thì bánh gói, cơm chiên... Vào mỗi kỳ thi cuối năm, thời tiết mùa hè nóng bức lại hay bị mất điện, bà tôi thường ngồi bên bàn học quạt mát và đuổi muỗi cho chúng tôi.
Bà không bao giờ quên bồi dưỡng bữa ăn khuya cho chúng tôi: một quả chuối sứ ngọt lừ, bát chè hạt sen mát dịu hoặc là chén bột ngũ cốc thơm lừng. Khi chúng tôi buồn ngủ, bà thường động viên bằng cách kể về các tấm gương thành đạt trong dòng họ hoặc những câu chuyện tiếu lâm đời xưa làm cho chúng tôi cười ngặt nghẽo, quên đi mệt mỏi. Bao giờ bà cũng giục chúng tôi đi ngủ đúng giờ để giữ gìn sức khỏe.
Bà tôi còn là kho tàng cung cấp các kiến thức về lịch sử, về tục ngữ ca dao, nữ công gia chánh và những mẹo vặt, thường thức trong gia đình. Bà tôi thường dạy: “Hằng ngày đãi khách không bao giờ nghèo, hằng đêm ăn trộm không bao giờ giàu”.
Lúc bà còn sinh thời, nhà tôi lúc nào cũng đông khách. Hễ khách vừa đến đầu ngõ là bà tôi đã nhanh tay vo gạo nấu thêm cơm đãi khách. Bà tôi thường nói: “Cơm khô là cơm thảo, cơm nhão là cơm hà tiện”. Các món ăn thường ngày trong gia đình bao giờ cũng tươi ngon, hấp dẫn cho dù giản dị, rẻ tiền, đôi khi sẵn có trong vườn nhà. Bữa ăn trưa hè thường có bát canh rau nấu với tôm sông đặt cạnh đĩa rạm đồng om vàng óng.
Những buổi tối mùa đông, chúng tôi thường được ăn canh khoai từ nấu suông với lá lốt kèm đĩa muối sả thơm ngào ngạt. Tôi còn nhớ những năm tháng cuối đời bà tôi bị chứng bệnh thấp khớp hành hạ, đau nhức triền miên; thế nhưng vào những dịp kỵ giỗ, lễ tết, bà tôi vẫn gắng gượng làm đủ các món bánh mứt nổi tiếng ở Huế như bánh phu thê, bánh hạt sen, bánh lá gai, bánh thuẩn, bánh dẻo, bánh trái cây... qua đó bà muốn chỉ bảo, kèm cặp cho các cháu gái ai cũng được khéo tay như bà.
Suốt đời tôi không bao giờ quên những lời dạy dỗ, bảo ban ân cần cũng như những món ăn đầy ắp tình thương yêu của bà. Tất cả đã đồng hành cùng chúng tôi qua những năm tháng cực kỳ gian khổ của thời bao cấp, nuôi dưỡng chúng tôi khôn lớn.
Hằng năm vào ngày giỗ của bà hay những dịp tết đến xuân về; mấy chị em chúng tôi thường tụ họp làm các món ăn, bánh mứt bà ưa thích; kính cẩn dâng lên để bày tỏ sự tri ân, tưởng nhớ đến bà nội tôi - một người phụ nữ Huế dịu dàng, nhân hậu - một bà tiên có thật trong đời thường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận