​Nội soi không còn là... Nỗi đau

TS BS VÕ XUÂN QUANG, Phòng khám đa khoa quốc tế Yersin
TS BS VÕ XUÂN QUANG, Phòng khám đa khoa quốc tế Yersin

Nội soi đại tràng từng là nỗi ám ảnh của nhiều người nên mới có câu thơ vui: “Bỗng nghe tiếng thét vang trời. Hỏi ra mới biết rằng... soi đại tràng”. Hai câu thơ trên là “hậu quả” của một bác sĩ soi khi nhớ về những năm đầu trong nghề.

Minh họa: Đức Trí

Nội soi đại tràng bắt đầu phát triển lại ở nước ta vào những năm 1980. Lúc đó, việc đưa một cái ống dài loằng ngoằng vào hết ruột già là cả một kỳ công. Với các ca soi khó khăn, bác sĩ phải bơm thật nhiều không khí vào ruột để cố gắng tìm đường đi. Các chỗ gập góc có tác động như van ruột xe làm cho không khí chỉ vào mà không ra được.

Vì thế, nhiều bệnh nhân ra khỏi phòng soi với bụng to như cái trống và cảm giác ậm ách khó chịu, nhiều khi kéo dài cả ngày sau đó.

Không đau

Thay vì dùng phương pháp cổ điển (đẩy, đẩy nữa, tiếp tục đẩy vào...), kỹ thuật mới dựa trên việc kéo máy ra và nắn máy thẳng để vượt qua các chỗ gập góc nhanh chóng, không gây đau và không cần bơm hơi nhiều.

Thời gian soi nhanh và bệnh nhân chỉ cảm thấy hơi ê ẩm mà không đau nhiều như trước. Ngày nay, hầu như tất cả các bác sĩ soi đều dùng kỹ thuật kéo và nắn máy, thời gian soi nhanh hơn và không còn cảnh “đau như đau đẻ“ nữa.

Một quy trình soi hoàn toàn không đau được áp dụng với sự hỗ trợ của các thuốc an thần nhẹ. Nhờ đó, bệnh nhân hoàn toàn không cảm thấy gì trong toàn bộ cuộc soi mà chỉ như một giấc ngủ ngắn. Tuy vậy, do có bơm hơi, một số bệnh nhân vẫn có cảm giác đầy bụng, khó chịu sau khi soi.

Điều này có thể tránh khi sử dụng máy bơm khí CO2 thay vì khí trời trong nội soi đại tràng. Khí CO2 có đặc điểm khuếch tán nhanh nên hoàn toàn không gây cảm giác đầy bụng khó chịu sau soi.

Sạch và yêu cầu an toàn

Lại nhớ chuyện ngày xưa, khi nội soi bác sĩ, y tá thường tủm tỉm: “Bên kia em soi đại tràng... Hương đồng gió nội... bay sang bên này”... Bởi, việc chuẩn bị thời đó được thực hiện chủ yếu bằng “thụt - tháo”. Bệnh nhân được đưa một ống vào hậu môn, qua đó y tá sẽ “thụt” vào khoảng 1.000ml nước ấm. Nhiệt độ ấm và sự căng trực tràng sẽ làm bệnh nhân bị kích thích và muốn “tháo”.

Việc này được lặp lại nhiều lần cho tới khi sạch phân, thường khoảng 3 lần. Phòng soi lúc nào cũng bốc mùi khó chịu và không ít lần bác sĩ hay kỹ thuật viên... gặp nạn.

Hiện nay, việc chuẩn bị cho nội soi đã trở nên “văn minh” và sạch sẽ rất nhiều. Việc chuẩn bị dựa trên các chế độ ăn nhẹ để hạn chế lượng phân và các dung dịch uống để rửa ruột. Tuy lượng dịch uống khá nhiều nhưng hầu hết bệnh nhân đều thực hiện được khá dễ dàng và việc làm sạch ruột diễn ra một cách nhẹ nhàng cho đến khi lòng ruột hoàn toàn sạch và chẳng còn mùi gì cả.

Chỉ đến lúc này, người bệnh mới cảm thấy soi đại tràng cũng chỉ là một loại xét nghiệm như các xét nghiệm thường quy khác và không cảm thấy bối rối hay khó xử trong quá trình chuẩn bị. Bệnh nhân có thể sợ soi đại tràng vì cảm thấy nó dơ, theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen.

“Dơ” có thể xảy ra ngay từ lúc chuẩn bị (bằng thụt tháo) hay cho đến lúc soi (từ ngữ chuyên môn gọi là đại tràng chưa sạch hay chuẩn bị chưa tốt!). Bệnh nhân quan ngại về vấn đề “dơ” trong quá trình xử lý, khử khuẩn máy soi.

Việc thiếu thốn máy soi là khá phổ biến trong khi công tác xử lý máy soi thường là sau màn nên bệnh nhân ít khi có cơ hội làm rõ về độ an toàn của thiết bị sắp được sử dụng trên cơ thể của mình. Vì không chắc chắn về sự an toàn của thủ thuật, nhiều người tránh né mà quên rằng cuộc soi đó vốn là cơ hội để phát hiện sớm một khối ung thư đang phát triển âm thầm bên trong.

Khoa học đã chứng minh được sự liên hệ giữa polyp và ung thư đại tràng, việc soi đại tràng định kỳ và thủ thuật cắt polyp nhanh chóng chứng minh được ích lợi của nó trong việc phòng ngừa ung thư. Đến nay, các hướng dẫn thực hành đều khẳng định chỉ định nội soi đại tràng định kỳ cho người trên 50 tuổi sau mỗi 5-10 năm, có thể sớm hơn nếu có yếu tố nguy cơ như tiền sử gia đình bị ung thư đại tràng hay tiền sử polyp.

Nền y tế Việt Nam có những đặc thù riêng trong quá trình phát triển của nó. Một trong những hậu quả trong quá trình phát triển đó là sự dè dặt và phản cảm của người bệnh đối với thủ thuật nội soi nói chung và nội soi đại tràng nói riêng.  Có nhiều lý do để biện hộ cho thái độ này nhưng tất cả những lý do đó hầu như đã bị loại trừ trong những năm gần đây.   

Bệnh nhân có quyền được cung cấp thông tin đầy đủ về quy trình xử lý thiết bị. Việc sử dụng các thiết bị rửa tự động giúp tiêu chuẩn hóa quy trình xử lý và đảm bảo độ an toàn cho bệnh nhân về vấn đề chống lây nhiễm. Do đó, bệnh nhân đừng ngần ngại đưa ra những câu hỏi về quy trình xử lý máy soi và độ “sạch” của thiết bị trước khi đồng ý thực hiện cuộc soi. Đừng vì sợ máy “dơ” mà bỏ qua thời gian vàng để phát hiện và điều trị sớm một khối ung thư đại tràng.

TS BS VÕ XUÂN QUANG, Phòng khám đa khoa quốc tế Yersin
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên