12/11/2007 05:14 GMT+7

Nói nghe rè rè

BS LÊ THÚY TƯƠI
BS LÊ THÚY TƯƠI

TT - “Nghề dạy học mà không nói được khổ quá!”. Đó là tâm sự của một số giáo viên gửi đến Tuổi Trẻ trong thời gian qua. Có người viêm thanh quản đã ba năm cứ ngưng thuốc là tái phát. Có người nói tiếng khàn “rất khó chịu”.

F4z1DHb0.jpgPhóng to
Một tiết dạy của giáo viên Trường THCS Thông Tây Hội, Q.Gò Vấp, TP.HCM (ảnh có tính minh họa) - Ảnh: Hoàng Hương
TT - “Nghề dạy học mà không nói được khổ quá!”. Đó là tâm sự của một số giáo viên gửi đến Tuổi Trẻ trong thời gian qua. Có người viêm thanh quản đã ba năm cứ ngưng thuốc là tái phát. Có người nói tiếng khàn “rất khó chịu”.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Thanh quản bao gồm hai chức năng: hô hấp và phát âm. Có thể nhận thấy rằng nhiễm trùng đường mũi họng, xoang, đường hô hấp hay bệnh lý toàn thân cũng có thể ảnh hưởng đến thanh quản, làm biến đổi giọng nói.

Dễ bị viêm thanh quản là những chuyên gia “bán cháo phổi” giảng bài suốt ngày, ngoài giờ tiếp tục dạy kèm. Hoặc những ca sĩ đắt sô, luôn “chạy” từ tụ điểm này sang sân khấu ca nhạc khác. Những nhân vật này bị viêm thanh quản thường được gọi là bệnh nghề nghiệp.

Những vị suốt ngày đốt thuốc lá, khói thuốc quyện với dịch nhầy tạo ra một lớp keo màu bồ hóng dính vào khí quản và thanh quản nên thường ho và viêm thanh quản, khạc đờm thường xuyên. Quí vị nào mà rượu bia trở thành một phần tất yếu của cuộc sống cũng hay bị viêm thanh quản bởi “cửa ải” này ngộ độc chất cồn mỗi ngày. Bởi thế mỗi khi từ “chiến trường nhậu” trở về, bà xã thường nghe giọng ông chồng “rè” hơn, lâu dần nó giống như tiếng gõ vào “ống bơ gỉ”. Thỉnh thoảng ta cũng gặp vài chị la con, cãi lộn với hàng xóm với cường độ âm thanh chói tai để rồi vài ngày sau dây thanh âm “đình công”.

Cấy tìm vi khuẩn

Viêm thanh quản thường gặp khi bị cảm cúm, virus khoái cư ngụ ở vùng họng và làm thanh quản phù nề, dây thanh âm cũng bị virus đánh cho te tua. Trẻ nhỏ hay bị viêm thanh quản sau sởi, ho gà, bạch hầu, viêm dị ứng... Vi khuẩn cũng có thể từ hàng xóm chạy qua như viêm xoang, viêm nướu răng... Yếu tố thuận lợi là nhiệt độ thay đổi từ nóng chuyển sang lạnh, thời tiết chuyển mùa đặc biệt với trẻ thể tạng tân (tiết dịch nhiều) càng dễ viêm thanh quản.

Nếu bạn bị viêm thanh quản kéo dài, dùng nhiều loại kháng sinh không đỡ thì tốt nhất nên đến khám ở Bệnh viện Tai mũi họng. Các bác sĩ sẽ soi thanh quản, dùng tăm bông vô trùng lấy dịch, cấy tìm vi khuẩn, làm kháng sinh đồ mới mong túm cổ được thủ phạm. Đôi khi đó là một trường hợp lao thanh quản. Nếu bạn vừa khan tiếng, vừa cảm thấy nuốt vướng, cơ thể mệt mỏi, suy nhược cũng cần soi thanh quản để tìm khối u.

Viêm thanh quản cũng xảy ra khi ta hít phải hóa chất độc hại nếu bạn sống cạnh nhà máy hóa chất hay môi trường chứa nhiều khói bụi. Một bệnh lý ít gặp nhưng cũng cần phải kể ra là viêm thanh quản do nấm. Vi nấm phát triển ở thanh quản tạo ra một lớp màng giả, phù nề thanh quản gây khàn tiếng hoặc mất tiếng kéo dài.

Ăn giá đậu xanh

Bạn mua chừng 200g giá đậu xanh, rửa sạch, ăn sống từng chút một. Bạn nào không ăn sống thì giã nát, đổ vào đó 200ml nước sôi và uống từng ngụm nhỏ. Trong một ngày "dàn âm thanh" được cải thiện ngay. Ngoài ra súc họng bằng nước muối ấm, chưng trái tắc với đường phèn để ngậm, xông hơi bằng tinh dầu... đều là những biện pháp rẻ tiền mà hữu hiệu.

Khàn tiếng

Bình thường tiếng nói của bạn trong trẻo, âm sắc rõ ràng nay sau ít cơn ho tiếng mất âm sắc, người nghe thấy rè rè, nói khó. Nặng hơn là phều phào, yếu ớt, đứt quãng, hơi thở yếu không đủ rung dây thanh âm được gọi là mất tiếng. Nói cứng nghe có cảm giác người nói phải “rặn” ra từng tiếng thường gặp trong ung thư thanh quản. Nói âm đôi thường do viêm thanh quản hoặc mổ tuyến giáp chạm vào dây thanh, một bên dây thần kinh quặt ngược bị liệt. Khàn tiếng kéo dài thường gặp trong lao thanh quản, viêm thanh quản do nấm.

15 phút nhấp giọng một lần

Giữ ấm vùng mũi, họng, ngực, mặc ấm, không sử dụng môđen thiếu vải đi chơi khuya. Nếu bị viêm mũi, viêm xoang, viêm nướu răng cần chữa sớm để tránh vi khuẩn di cư sang họng và tấn công thanh quản. Với giáo viên, ca sĩ là những người sử dụng “dàn âm thanh” liên tục cần uống nước đủ, cách 15 phút nhấp giọng một lần để làm ẩm thanh quản. Có người đứng “hát” hai giờ liền, họng khô, dây thanh âm bị kéo căng tối đa dễ làm cho “dàn âm thanh” bị trục trặc, sinh bệnh. Nếu viêm họng kèm sốt, ho, khàn tiếng cần đến với chuyên khoa tai mũi họng để khám và điều trị sớm.

Với các bạn giáo viên đã gửi thư đến báo, việc quan trọng là tìm xem viêm thanh quản do vi khuẩn gì. Nếu bạn hút thuốc lá, uống rượu bia thì đành chia tay với chúng. Còn nếu “ngưng thuốc tái phát” thì chắc là bạn phải quay lại Bệnh viện Tai mũi họng để họ tìm cho ra tên vi khuẩn nào cứ đánh thì núp như thế. Cũng không nên vừa uống thuốc vừa bắt cơ quan phát thanh làm việc quá sức, lại còn làm yếu nó bằng những ca nước đá lạnh. Nước đá làm thay đổi nhiệt độ vùng thanh quản đang trong giai đoạn sửa chữa sẽ làm cho chúng rạn nứt giống như ta vá cây cầu rồi cho xe chạy rầm rầm.

BS LÊ THÚY TƯƠI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên