23/07/2013 14:50 GMT+7

Nơi "lòng không muốn về"

 P.NGUYỄN THIÊN THỦY
 P.NGUYỄN THIÊN THỦY

TT - Tiếp tục cuộc hành trình khám phá những cảnh đẹp của đất nước, đoàn chúng tôi đặt chân đến Cần Thơ, thủ phủ của miền Tây Nam bộ, vùng đất được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều sản vật mà không phải nơi nào cũng có được.

WH3zfOLm.jpgPhóng to
Chợ nổi Cái Răng Ảnh: HOÀNG THẠCH VÂN

Có thể bến Ninh Kiều giờ đây hiếm hoi bóng “chàng đợi người yêu”, thưa vắng những cô em “xinh tươi trong chiếc áo bà ba”, nhưng thức khuya dậy sớm với chợ đêm Tây Ðô, chợ nổi Cái Răng, dừng chân tại vườn cò Bằng Lăng cũng đủ khiến nhiều khách “...lòng không muốn về”.

Bồng bềnh chợ nổi Cái Răng

Khác với không khí êm đềm của bến Ninh Kiều, chợ nổi Cái Răng lại náo nhiệt, ồn ào ngay từ sáng tinh mơ. Chưa đến 4 giờ sáng, hàng trăm ghe thuyền lớn bé đậu san sát họp chợ. Mỗi chiếc ghe là một cửa hàng thu nhỏ với những bảng hiệu ngộ nghĩnh. Thay vì rao hàng, người ta bày hàng bằng cách treo tất cả những mặt hàng mình có lên trên những cây sào dài cắm trước mũi ghe thuyền. Chợ họp đến 8 giờ sáng, thậm chí kéo dài đến 10 giờ nếu gặp phiên chợ ế.

Chương trình “Tự tin khám phá - Tự hào VN” (My Kool Vietnam) do nhãn hàng CLEAR thực hiện dưới sự bảo trợ của Tổng cục Du lịch VN nhằm khuyến khích bạn trẻ khám phá vẻ đẹp của du lịch VN và chia sẻ cảm nhận, hình ảnh, hướng dẫn... cho mọi người về một đất nước VN kỳ thú và hấp dẫn thông qua ứng dụng Kool Vietnam. Tất cả những chia sẻ của bạn sẽ được tập hợp để tạo thành một bản đồ điện tử trên website www.mykoolvietnam.vn

Du khách có thể dễ dàng từ xa ngắm nghía những chùm ớt đỏ xanh, hành tỏi, rau, bắp cải, trái cây treo lủng lẳng trông rất dễ thương, rồi ưng món nào thì tấp vô cửa hàng đó. Hàng hóa ở đây phổ biến là các loại trái cây, các sản vật miệt vườn được bán cả sỉ lẫn lẻ. Những chiếc ghe cỡ trung bình là của người dân địa phương chở hàng nông sản đến tiêu thụ, còn những ghe bầu lớn là của các thương lái đến mua.

Ðây đó mùi đồ ăn thức uống thơm nức mũi trên những “quán nhậu” tròng trành. Chưa hết, chợ nổi còn không chịu thua... chợ cạn bởi chẳng hề thiếu các loại hình dịch vụ như sửa máy, sửa cân, bán xăng dầu, tạp hóa, thuốc tây và những loại nhu yếu phẩm khác...Chợ nổi Cái Răng đông đúc là vậy nhưng giao thông lại rất thông suốt không chỉ bởi các tay chèo thiện nghệ mà còn nhờ ý thức nhường nhịn của mỗi người, để cùng làm nên một nét văn hóa đặc sắc rất riêng của đất và người Cần Thơ.

Vườn cò Bằng Lăng - sản vật trời cho

Ðối với nhiều du khách tứ phương, chưa ghé vườn cò Bằng Lăng xem như chưa hề tới Cần Thơ. Thế nhưng hành trình đi tìm... cò hóa ra không hề đơn giản, bởi ở đây không tồn tại cái gọi là bảng hiệu. Muốn vào tận nơi chỉ có cách nhờ những anh xe ôm tay lái lụa dưới chân cầu Bằng Lăng, bởi đường vào vườn cò khá nhỏ, cầu hẹp và có thể không chịu nổi trọng tải của ôtô. Nhưng cũng chính nhờ thứ phương tiện duy nhất này mà du khách mới có được cảm giác thú vị khi ôm eo các bác tài vừa nhiệt tình, vừa điệu nghệ luồn lách qua những con đường quanh co.

Tuy nhiên, đây không phải là một khu du lịch sinh thái kỳ thú, mà chỉ là một khu vườn bình thường của người dân. Khoảng đầu năm 1983, một đàn cò mình đen, cánh màu xám trắng (còn gọi là cò ma) bay về đậu kín một góc vườn. Bỏ đi một thời gian, rồi gần một năm sau đàn cò quay trở lại với cả chục ngàn con đủ các chủng loại, kích cỡ chọn khu vực này làm nơi cư trú lâu dài. Ban ngày đàn cò bay đi kiếm ăn, khoảng từ 5 giờ chiều chúng bay về đậu rợp cành.

Có tận mắt chứng kiến cả ngàn con cò bay lượn trên trời trong một buổi chiều tháng 7 mới thấy cảm giác vô cùng thú vị. Càng cuối chiều, cò bay về càng đông. Từ cò lửa lông màu đỏ như ráng chiều, cò lép, cò quắm, cò cá mỏ đen - loại có biệt tài bắt cá - đến cò ma, cò rằn, cò xanh, cò ruồi mỏ vàng - loại cò hay đậu trên lưng trâu bắt ruồi. Tuy chưa đến mùa sinh đẻ nhưng các loài cò đã tập trung khá đông tới hàng vạn con. Tiếng cò rối rít gọi bạn, tiếng đập cánh lạch xạch làm xôn xao cả một vùng quê yên bình.

Nhà cổ Bình Thủy - hoài niệm quá khứ vàng son

Nếu bạn đã xem những bộ phim nổi tiếng như L’ amant (Người tình) của đạo diễn Pháp J.J.Annaud hay Những nẻo đường phù sa của đạo diễn Châu Huế, hẳn bạn sẽ nhớ khung cảnh ngôi nhà năm gian, hai mái kiến trúc Pháp cổ kính, sang trọng nhưng vẫn mang đậm cốt cách dân tộc. Ðó chính là ngôi nhà cổ của gia đình họ Dương xây từ năm 1870 tại số 26/1A Bùi Hữu Nghĩa, phường Bình Thủy, thành phố Cần Thơ.

Bước chân vào ngôi nhà rộng với sáu hàng 24 cột gỗ lim đen bóng, du khách có cảm giác mát mẻ, dễ chịu. Kiến trúc nhà kiểu Pháp với bậc hình cánh cung tao nhã, trần cao, trang trí hoa văn, hệ thống cột, xà với chi tiết chạm trổ hết sức tinh vi, những bức phù điêu đắp nổi, bồn rửa tay bằng men sứ trắng, hoa xanh, gạch bông hồng đỏ - đen lát nền nhà, hàng rào sắt đúc tất cả đều được đặt và vận chuyển từ Pháp sang.

Ngôi nhà được thiết kế theo phong cách châu Âu nhưng vẫn mang đậm văn hóa phương Ðông với bàn thờ uy nghi ngay gian giữa, khán thờ được sơn son thếp vàng, giường thờ, tủ chè, sập gụ, trường kỷ đều cẩn ốc xà cừ. Có thể nói Bình Thủy là ngôi nhà cổ hiếm hoi còn sót lại khá nguyên vẹn, giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu đời sống sinh hoạt, văn hóa của cư dân ÐBSCL lúc giao thời giữa hai thế kỷ.

 P.NGUYỄN THIÊN THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên