29/03/2008 06:29 GMT+7

Nỗi lòng của văn sĩ Hộ

MAI BỬU HOÀNG HƯNG
MAI BỬU HOÀNG HƯNG

AT - Là một người cầm bút hay đơn thuần chỉ là một người đam mê nghiệp văn chương, đã bao giờ bạn cảm thấy xấu hổ về chính tác phẩm của mình chưa? Đã bao giờ bạn cảm thấy thẹn với lòng khi viết "những điều mà người ta quên ngay sau khi đọc" chưa?

Nhân vật văn sĩ Hộ trong truyện Đời thừa của Nam Cao từng bị giày vò như thế. Hộ nghèo thật đấy, nhưng anh có tấm lòng, có khát khao của một nhà văn chân chính, thậm chí còn mơ ước có tác phẩm đoạt giải Nobel. Nhưng rồi Hộ cũng bị gánh nặng "cơm áo gạo tiền", phải "bẻ cong ngòi bút", viết những thứ rẻ tiền để kiếm sống và đêm đêm lại tự chửi rủa bản thân mình...

Không phải ngẫu nhiên mà câu thành ngữ "có thực mới vực được đạo" vẫn còn giá trị đến bây giờ. Nếu ví viết văn như làm ruộng thì sẽ có nhiều nhà văn cần cù làm việc với "mảnh ruộng" của mình mà đến lúc thu hoạch một hạt thóc cũng không có mà ăn! Viết một cuốn tiểu thuyết đòi hỏi thời gian từ vài tháng đến vài năm. Những nhà văn thật sự yêu quí tác phẩm của mình thì khi viết, họ luôn phải tập trung suy nghĩ, hòa mình vào chính cốt truyện, cố giữ cho đầu óc không bị chi phối, và khi đó thì họ không làm được việc khác. J.K.Rowling trở nên nổi tiếng và giàu có nhờ tạo nên Harry Potter.

Nhưng chú bé phù thủy ra đời khi bà đang thất nghiệp! Nếu bà không thất nghiệp, chưa chắc chúng ta đã có một tác phẩm làm say mê hàng triệu độc giả như thế. Vậy vấn đề là các nhà văn, họ sống như thế nào trong suốt cả năm trời "ăn ở không" để sáng tác như thế? Chưa hết, khi gửi tác phẩm đi dự thi chưa chắc đã đoạt giải, gửi đến các nhà xuất bản cũng chưa chắc được in. Vậy người ta viết truyện dài, viết tiểu thuyết để làm gì?

Hằng năm có rất nhiều cuộc vận động sáng tác văn chương với qui mô khá lớn, nhưng khi kết thúc người ta chỉ biết đến những tác phẩm đoạt giải, còn hàng ngàn tác phẩm khác thì không ai quan tâm... Văn chương nghiệt ngã như thế. Có những người thành công ngay trong những tác phẩm đầu tiên, cũng có người phải qua vài chục tác phẩm mới có được thành công.

Tài năng là điều không thể phủ nhận, nhưng còn phải qua thời gian trui rèn để ngòi bút trở nên sắc sảo, uyên thâm. Nhưng xin hỏi được bao nhiêu người có đủ kiên nhẫn, đam mê để chờ đợi sự thành công ấy trong khi xã hội đang vận động không ngừng như hiện nay. Văn học nghệ thuật là nguồn sống cho các giá trị đạo đức xã hội. Người ta cứ than phiền đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp, than phiền lớp trẻ bây giờ cứ mãi cuốn theo những thứ giải trí vô bổ, trong khi những lớp người chăm lo cho các giá trị đạo đức, tâm hồn thì không được ai quan tâm đến...

Một thực tế dễ thấy rằng: bao nhiêu người sống được nhờ vào văn chương? Phần lớn họ đều phải làm thêm nghề tay trái để nuôi sống bản thân, gia đình và cả nghiệp văn chương nữa. Chính sách tài trợ của Hội Nhà văn là để giải quyết khó khăn cơ bản của văn nghệ sĩ, giúp họ có thể chuyên tâm sáng tác.

Theo tôi được biết, qui chế hiện tại chọn đầu tư là trước hết các nhà văn cần phải nộp đề cương tóm lược về đề tài mình định sáng tác. Sau đó Hội nhà văn sẽ xét duyện tính khả thi của đề cương, từ đó mới quyết định đầu tư cho tác phẩm nào. Tiền đầu tư cũng không khoán hết một lần cho nhà văn mà chia ra theo giai đoạn từ 3-5 năm, tùy theo qui mô tác phẩm, như vậy tránh được tính ỷ lại, đồng thời tạo thời gian để nhà văn hoàn thành tác phẩm một cách tốt đẹp chứ không phải để "trả nợ". Cách làm như thế, theo tôi là tương đối hợp lý.

Điều quan trọng là hãy để tiền đến được với người thật sự cần và có đam mê. Khi được đầu tư đúng đắn, các nhà văn sẽ có ý thức, trách nhiệm hoàn thành tốt tác phẩm của mình, chẳng ai muốn "đứa con" của mình bị dị tật hay xấu xí cả. Xin đừng vì những sai sót nhỏ trong cách thức đầu tư mà phê phán mục đích tốt đẹp của Hội Nhà văn.

Tôi tôn trọng các bậc tiền bối đi trước và kính nể họ khi từ chối khoản tài trợ để tự thân sáng tác. Tôi chỉ mong các vị hãy nghĩ đến những đồng nghiệp của mình, những nhà văn chưa thành danh, những nhà văn trẻ ngày ngày đối mặt với cơm áo gạo tiền nhưng vẫn khát khao có được tác phẩm hay, vẫn lặng lẽ sáng tác... Hãy để những chồi non có điều kiện phát triển.

CNkwhPq0.jpgPhóng to

Áo Trắng số 20 (ra ngày 15-03-2008) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

MAI BỬU HOÀNG HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên