Phóng to |
Thủ tướng Taro Aso nói không với tục lệ “hạ cánh vàng” - Ảnh: Reuters |
Kyodo News cho biết amakudari được xem là một dạng tham nhũng ở Nhật, vì theo tục lệ này, các quan chức sau khi về hưu sẽ tiếp tục được bổ nhiệm vào những vị trí ở các đơn vị có liên quan đến lĩnh vực mà trước đây họ từng làm. Còn theo watari, các quan chức về hưu được giúp đỡ vào làm ở nhiều cơ quan, mỗi nơi trong một thời gian để kiếm chác tiền hưu trước khi “nhảy cóc” sang chỗ khác.
Về hưu, kiếm 3,6 triệu USD
Đặc tính trú ẩn mỗi cơ quan một thời gian ngắn khiến các quan chức watari bị đặt biệt danh là “chim di trú”. Nhờ chịu khó di trú kiểu này mà một cựu tổng giám đốc ở Cơ quan Ngư nghiệp Nhật đã bỏ túi sơ sơ 325 triệu yen (tương đương 3,6 triệu USD).
Sự việc này được nghị sĩ Goshi Hosono báo cáo hôm 3-2 tại phiên họp của Ủy ban ngân sách Hạ viện Nhật. Báo Yomiuri dẫn lời ông Hosono nói quan chức kia sau khi về hưu đã đảm nhiệm vị trí giám đốc tại sáu cơ quan phi chính phủ có quan hệ hồi ông còn đương nhiệm. Nghị sĩ Hosono còn nêu ra một số quan chức chính phủ khác cũng lợi dụng những lệ bất thành văn này để tư lợi.
Theo Yomiuri, watari được xem là một phần của lệ amakudari tồn tại ở Nhật trong hơn nửa thế kỷ qua. Điều này có liên hệ mật thiết đến đặc điểm công việc dựa theo thâm niên. Một bài viết trên The Japan Times phân tích thông thường khi bước sang độ tuổi 52 hoặc 53, các quan chức ở Nhật ít còn cơ hội thăng tiến, nhiều người bị buộc phải rời nhiệm sở. Trước khi chạm ngưỡng 60, chỉ còn một số ít quan chức có thể trụ vững. Do đó ai cũng muốn chuẩn bị sẵn cho một cú “hạ cánh vàng” nếu không lên được vị trí cấp cao trong chính phủ.
Đây là lý do mà nhiều bộ và ban ngành sắp xếp công việc mới cho các quan chức về hưu như một cách thưởng không chính thức cho những năm tháng phục vụ. Theo số liệu Bộ Nội vụ và truyền thông công bố vào tháng 4-2007, với sự giúp đỡ kiểu như trên, từ năm 2004-2006 có hơn 1.300 quan chức được bố trí công việc theo kiểu amakudari tại các công ty có liên quan đến những cơ quan họ từng làm.
Thực - hư còn chờ
Giữa bối cảnh việc làm kiếm được ngày một khó khăn, kiểu “hạ cánh vàng” của các quan chức chính phủ bị dư luận chỉ trích rất dữ dội. Trước áp lực của công luận, ngày 3-2 Thủ tướng Taro Aso tuyên bố sẽ mạnh tay với những tục lệ này. Theo lộ trình được nhóm công tác đặc biệt của nội các thông qua trước đó, chính phủ đề ra thời gian chuyển tiếp ba năm, tức là đến năm 2011 mới cấm amakudari và watari. Tuy nhiên, ông Aso muốn rút ngắn thời gian. “Tôi muốn chính phủ ban sắc lệnh chấm dứt tục lệ amakudari, kể cả watari, trong năm nay” - báo Yomiuri dẫn lời ông Aso tại phiên họp của Ủy ban ngân sách hạ viện.
Tuyên bố của Thủ tướng Aso được đánh giá là một động thái “bất ngờ”, bởi cho đến gần đây ông vẫn tỏ ra do dự không muốn hủy bỏ một sắc lệnh hiện hành cho phép sự dàn xếp kiểu đó trong những trường hợp ngoại lệ. Cần nói thêm việc hủy bỏ amakudari và watari là đề tài gây tranh luận trong thời gian dài nhưng vẫn không có kết quả.
“Nhiều chính trị gia lo ngại việc đóng sầm cánh cửa ở những vị trí trả lương cao đối với các quan chức sau nhiều năm cống hiến với mức lương khiêm tốn sẽ khiến nhiều công chức bỏ sang lĩnh vực tư nhân, làm nhiều nhân tài nản lòng không muốn phụng sự cho chính phủ trong tương lai” - cây bút Hiroko Nakata của The Japan Times nhận xét.
Một bài xã luận đăng ngày 5-2 trên báo Asahi nhận định: “Dĩ nhiên ông Aso phải sửa chữa những gì không đúng”. Tuy nhiên, tờ báo này không quá hào hứng với quyết định của ông Aso, bởi thời gian biểu của lệnh cấm, cùng với sự thay đổi chính sách khó lường trước của ông, không khỏi khiến người ta nghĩ đây là chiêu tìm kiếm sự ủng hộ của cá nhân thủ tướng, với cái giá là công chức nhà nước.
“Để loại bỏ amakudari, hệ thống nhân sự phải được cải tổ toàn diện. Không thể chỉ đơn giản hứa hẹn nếu hệ thống giúp đỡ các quan chức hạ cánh an toàn sau nghỉ hưu vẫn không có gì thay đổi” - báo Asahi bình luận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận