08/12/2013 05:45 GMT+7

Nơi hò hẹn

2 truyện rất ngắn của TẠ MỸ DƯƠNG
2 truyện rất ngắn của TẠ MỸ DƯƠNG

TT - Ấy là một nền nhà hoang, anh tìm thấy trong một khu rừng phi lao, ba phía không còn gì, chỉ còn lại một bức tường trơ trọi bên phía biển như một mặt phẳng được gấp lên.

UvuIcrNo.jpgPhóng to
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

Một vài vết loang lổ không rõ gốc tích, nhưng có một ô cửa sổ còn sót lại với cái khung mục nát tạo ra một bức tranh vì qua nó là nhìn thấy biển. Không có tiếng chim, càng không một tiếng chân người. Biển ì oạp cách vài chục mét.

Hì hục mãi, anh cũng đóng xong và đặt vào đấy, bên ô cửa, một cái bàn và hai cái ghế từ mấy thanh gỗ vụn vung vãi.

Hồi cuối năm ngoái, hình như anh có nợ một cuộc hẹn. Không, anh nợ người hay người nợ anh?

“Em bảo lưu cuộc hò hẹn này”, người nhắn thế. Cuộc bảo lưu đã đi qua hai mùa. Có cuộc bảo lưu đi qua gần cả đời người, nhưng anh không quên.

Họ thỏa thuận sẽ đến đấy nhưng “không cùng nhau”, nghĩa là không hẹn trước. Sẽ không bao giờ hẹn trước. Rất nhiều khi anh muốn gặp một người, nhưng không muốn hẹn. Cuộc gặp không hò hẹn là cuộc gặp “trời cho”.

Họ hẹn nhau, không xác định thời gian, với người chưa bao giờ gặp mặt.

Tất nhiên anh là người đến trước. Lần đầu với một chai ruợu vang, nhưng với hai ly thủy tinh kiểu “trà đá”. Lúc về, chai rượu vơi đi non nửa, một ly còn sạch nguyên.

Những mẩu vụn của một loại bánh ngọt còn vương lại khi anh đến lần thứ hai bảo với anh rằng, hôm qua người ở đây lúc mấy giờ. Chai rượu vơi đi một nửa của một nửa. Cái ly còn lại đã có vết môi.

Lần thứ ba.

Lần thứ tư.

Lần thứ n.

Họ chưa bao giờ gặp nhau. Chai rượu cạn, chai rượu đầy, mẩu bánh mì rơi vãi, tàn thuốc rơi cháy sém một góc bàn. Một nửa cây nến. (Nhưng chưa bao giờ có một cánh hoa). Cái mức ngang của rượu còn lại trong chai ngày hôm trước khi ra về và cái mức ngang của lần trở lại, là dấu vết, là những cái gạch thời gian, là trạng thái tinh thần của mỗi người để lại. Họ đến, ngồi, đợi, ăn, uống, và bình thản nghe biển hát. Họ cũng mong, cũng buồn... nhưng không bao giờ thấy thất vọng. Những tình cảm ướt át là thừa. Một sự định hình là điều chưa thôi thúc lắm. Nhưng họ cần nhau, muốn có nhau ở trong một sự không có gì cả. Mỗi người đều có khoảng trống, nhưng nếu lấp đi thì còn gì nữa. Mỗi người đều cần một chỗ dựa, nhưng nếu có một chỗ dựa vào thì cuộc đời có lẽ còn ngả nghiêng hơn.

Bởi vậy nên họ vẫn đến, nhưng nhất quyết không bao giờ hò hẹn. Rồi có thể một ngày, nếu có sự ngẫu nhiên nào đó, nhưng thôi...

Bóng một người vẫn in trên vách. Rượu vẫn cứ vơi mỗi lần một nửa. Hai cái ly chưa một lần cụng, nhưng vệt môi trên mỗi cái cứ nhập nhằng mà lẫn vào nhau, vì cả hai chả ai biết lần trước người nào uống ly nào.

Ngã tư

7:00 am

Hai gã xe ôm hay đợi khách góc đường, chỗ vỉa hè sạch sẽ. Sáng nào cũng thế, đi qua là nghe chúng chửi mắng nhau. Có lần một gã mắng gã kia: “Mẹ mày, đồ bẩn như chó, ăn đấy ỉa đấy à, phải giữ sạch lấy cái chỗ mà đặt đít chứ”. (Lão kia ăn hút vứt giấy gói, vỏ chai, vỏ bao thuốc lá bừa bãi). Ra lão này kỹ thật, chỗ chờ khách vỉa hè cũng sạch sẽ thế, nhà lão chắc sạch như lau?

Là chửi mắng thế thôi, nhưng biết nhường nhau lắm, thằng đến trước rước khách trước thì đã đành, nhưng có lần khách ghé hỏi đi xe nào, thằng này đùn thằng kia, một lúc vỡ nhẽ, hôm qua thằng đến sau ít khách, con đang ốm, thằng đến trước nhất định bảo: “Từ giờ đến trưa mày đi, tao ngủ vài cuốc, trưa mang tiền vào mà đóng phí”.

Mà sáng nay nghe gã mắng chết rồi (gã bị mắng kể lại), lăn đùng từ trên xe xuống trong một buổi tối trước công viên. Chết đường chết chợ, vì gã chả có nhà. Vợ đi tù, con gửi người quen nuôi, cái vỉa hè nơi gã rơi xuống cũng rất sạch.

7:00 pm

Từ lúc phố nhập nhoạng lên đèn thì có một cô gái ăn mặc bình dị, khuôn mặt không son phấn đi đứng như đợi ai, nhưng nét nửa sợ sệt, nửa ngượng ngùng. Sợ và ngượng, vì sao, đã có gan đứng đường sao còn sợ, và ngượng, hay là dân nhảy dù, nghiệp dư?

Nhưng vài hôm thì thấy khác, đã dạn dày, đã thản nhiên hơn, tự tin từ mặt mày, đi đứng. Ừ mà khôn đáo để, chọn cái chỗ ít ai ngờ nhất, ít dân làm nghề lựa chọn nhất để đứng thì khôn quá, một mình một chợ, mà như một cuộc hò hẹn, đợi chờ tình nhân, gợi quá!

Nhưng mà không phải, có lần khách ghé vỉa hè mặc cả, cô ấy chỉ lắc đầu.

Có người đàn ông làm quen được, qua “tâm tình kể chuyện đời tôi”, vỡ nhẽ: “Em muốn trả thù lão ta, trong cái biệt thự bên kia đường đấy, lão là bồ cũ, hứa hẹn, xơi xong, no xôi chán chè rồi chạy làng, em làm thế này cho lão uất, tối tối thập thò bên cửa sổ nhìn ra rồi đóng cửa tắt đèn, cứ tắt đèn mà lên giường với vợ đi, yên sao được”.

...

Ngã tư của tinh mơ, ngã tư của đêm xuống cuộn lại như một vòng đời chả quá buồn, chả quá vui. Khoảng nối của hai thời khắc ấy là một dòng đời cứ trôi chảy trong cái mũ bảo hiểm và những cái khẩu trang, mắt kính đủ màu.

2 truyện rất ngắn của TẠ MỸ DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên