27/02/2011 02:40 GMT+7

Nỗi đau và một xu hướng kịch

LINH ĐAN
LINH ĐAN

TT - Diễn viên duy nhất Dominique Blanc ngồi lặng lẽ trên chiếc ghế bên phải sân khấu, quay lưng về khán giả từ lâu trước giờ Nỗi đau bắt đầu. Rồi nữ diễn viên từng đoạt bốn Giải César xoay người lại bàn làm việc, lật dần nhật ký.

Trong không gian chỉ có chiếc bàn cùng dãy ghế, bà một mình kể câu chuyện chờ người chồng ra trận trở về. Chất giọng khàn khàn của bà khi như nhịp giáng đều đều của những nhát búa công nghiệp, khi cuống cuồng, lúc đứt quãng, run rẩy.

G2VD2OR1.jpgPhóng to

Hai đạo diễn Thierry Thieû Niang và Patrice Chéreau bàn bạc về vở diễn với diễn viên duy nhất Dominique Blanc (giữa) - Ảnh: www.live-boutique.com

Thành công của La douleur (Nỗi đau) dựa trên nhật ký của Marguerite Duras cũng là thành công của một xu hướng kịch ở Pháp hơn chục năm trở lại đây. Vở kịch do nữ diễn viên nổi tiếng Dominique Blanc độc diễn này được trình diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội tối 24-2.

“Câu ngắn có nhịp điệu, gần với văn nói - đặc điểm trong văn phong của Marguerite Duras khiến lời thoại của vở đậm chất thơ. Tuy nhiên vốn dĩ La douleur không phải là một kịch bản như nhiều tác phẩm khác của tác giả này” - dịch giả Trần Văn Công, đồng thời cũng là một người nghiên cứu Marguerite Duras, nói.

Chính vì thế có thể nói, việc dựng La douleur thành vở kịch theo xu hướng sân khấu một người (one-person show) là lựa chọn của đạo diễn. Đó cũng là xu hướng đã xuất hiện khoảng chục năm nay trên sân khấu Pháp.

“Hoặc một diễn viên, hoặc một đạo diễn... sẽ đóng vai trò người kéo cả nhóm làm việc, và “hút” doanh thu” - dịch giả Nguyễn Đình Thành cho biết.

Xu hướng này sẽ không chỉ đảm bảo chất lượng vở diễn, thu hút khán giả và phần nào giảm tiền dàn dựng. Sự giản tiện trong đầu tư sân khấu, cộng với đòi hỏi “người sân khấu” chất lượng cao sẽ làm nên giá trị của vở. Đương nhiên trong dàn dựng đó cũng là thách thức.

Bỏ lượng, sân khấu một người cần chất. Với La douleur, chỉ trong một căn phòng, người đàn bà vạch không gian ra nhiều phần, đánh dấu nó bằng những nỗi cô đơn khác nhau qua những thể hiện không lặp lại. Sau đôi bàn tay mệt mỏi xoáy xoáy cuộn tóc, dùng chiếc kẹp ghim lại, khán giả thấy cảnh đã chuyển.

Người đàn bà đợi chờ của ngày hôm qua đã ở lại sau. Một tích tắc sau khi tóc được bới cao lên, một ngày chờ đợi mới tinh lại bắt đầu. Nhiều chỗ cho nghệ sĩ thể hiện và người xem tưởng tượng.

Chính vì thế, với khán giả Việt, vở diễn mẫu mực này còn gợi đến một cảm giác tiếc nuối khác - sự khao khát những “người sân khấu” tài năng, khó tính. Phải có những “người sân khấu” để cõng trên vai cả gánh nặng của vở, và sau nữa thắp lên ánh sáng cho những sân khấu ít sáng đèn.

Đó cũng là một cách “xoay xở” để tiền đầu tư cho sân khấu đến được với con người nhiều hơn. Chưa kể sự nhỏ gọn còn là lựa chọn thông minh cho việc xã hội hóa các sân khấu.

Đáng tiếc, một đêm diễn như thế, những gương mặt sân khấu đình đám ở nước ta, có vẻ do rào cản ngôn ngữ gần như không có mặt.

LINH ĐAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên