![]() |
V.Ph. và Hoa L. vui cùng bạn bè trong ngày cưới... |
Cô dâu, chú rể được sống bên nhau, cùng chung tay xây đắp “tổ ấm” cho tương lai... Đằng này, oái oăm thay chú rể lại phải đi tù, còn cô dâu phải dở dang một đời con gái...
Câu chuyện bắt đầu từ những lời hứa hôn giữa hai người cha. Trong lúc trà dư tửu hậu, hai người hứa kết sui gia với nhau, cô Trúc L. sẽ được gả cho anh V.Ph. dù cả hai không hề biết mặt nhau.
Thời gian thấm thoắt trôi qua, cả hai lớn lên, có đôi lần gặp mặt nhau. Lễ dạm hỏi được tổ chức, cả Trúc L. và V.Ph. đều không phản đối cuộc hôn nhân này. Lễ cưới được đôi bên định đoạt vào một ngày trung tuần tháng 6-2004.
Đúng 9g sáng, từ ấp Thừa Thạnh, xã Thừa Đức, họ nhà trai vượt hàng chục cây số sang ấp 4, xã Thạnh Phước rước dâu. Đến giờ đưa dâu, đột nhiên cô Trúc L. đổi ý, không chịu mặc áo cô dâu. Cô lột hết nữ trang, hoa cài đầu vứt bỏ tứ tung rồi nằm lì trong buồng không ra tiếp họ nhà trai để làm lễ vu qui.
Trước tình thế dở khóc dở cười này, cả cha mẹ cô Trúc L., cả họ nhà gái và cả các vị cao niên trong làng cùng vào thuyết phục cô Trúc L. ra làm lễ để đẹp mặt đôi bên nhưng vô vọng. Hổ thẹn với họ nhà trai và bà con xóm giềng, cha mẹ cô Trúc L. liền nghĩ đến chuyện lấy cô Hoa L. - em Trúc L. - ra tạm thay thế để buổi đưa dâu được êm đẹp, không bị tai tiếng.
Phía họ nhà trai cũng không muốn vì chuyện “cô dâu chạy trốn” trong ngày cưới này mà bị thiên hạ gièm pha nên cũng đành chấp nhận. Chú rể V.Ph. cũng đồng ý vì không muốn chuyện đại hỉ của đời mình trở thành đề tài đàm tiếu cho đám thanh niên trai tráng trong làng.
Để cứu thể diện cho cả gia đình, dòng họ và để không bị nhà trai “bắt vạ” bồi thường lễ nghi, Hoa L. đồng ý làm “cô dâu bất đắc dĩ”. Cô nhặt nhạnh những cánh hoa chị mình vứt cài lên đầu, trang điểm qua quít rồi mặc áo vu qui. Lễ rước dâu êm đẹp. Cả làng Thừa Thạnh kéo nhau ra xem mặt tân lang và tân giai nhân, đông vui như ngày hội.
Trưa hôm đó, tại nhà chú rể, bạn bè đến chung vui rất đông, trống, nhạc nổi lên linh đình làm rộn rã cả một vùng quê nghèo nằm cặp bên bờ biển Bình Đại. Trong khi đó, ở bên đàng gái cả nhà vừa dỗ dành, vừa dọa nạt cô Trúc L. bắt phải đồng ý sang nhà chú rể “đổi dâu” để Hoa L. trở về.
Buổi chiều, tại nhà trai, khi những người khách cuối cùng ra về, người ta thấy cô Trúc L. một mình sang nhà chú rể rồi gọi em gái mình ra và nói: “Chị đã suy nghĩ lại, chị đồng ý lấy anh V.Ph., em còn nhỏ chưa tới tuổi lấy chồng, em về đi để chị ở lại làm dâu”. Bất ngờ thay, cô Hoa L. không bằng lòng vì: “Cuộc đời con gái có duyên một lần, nay tôi đã làm lễ cưới coi như tôi mất duyên nên tôi bằng lòng làm vợ anh V.Ph. luôn. Chị về đi”. Chị em thương lượng không thành, đành chấp nhận số phận. Trúc L. vừa giận dỗi vừa xấu hổ bỏ ra về.
Cuộc sống cứ thế trôi qua, người ta thấy cả V.Ph. và Hoa L. cũng hạnh phúc bên nhau. Oái oăm thay, năm tháng sau ngày cưới, công an huyện đến nhà đọc lệnh bắt và dẫn giải V.Ph. đi vì tội “giao cấu với trẻ em”. Đến đây mọi người mới vỡ lẽ, lúc cưới nhau cô Hoa L. chưa đến 16 tuổi.
Sau đó, Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt V.Ph. 3 năm tù giam về tội “giao cấu với trẻ em”, trong trường hợp phạm tội nhiều lần. Gia đình V.Ph. kháng cáo, ngày 18-4-2005, tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TP.HCM cũng tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm vì mức hình phạt này là mức thấp nhất của khung hình phạt về tội danh này.
Tại cả hai phiên xử sơ thẩm và phúc thẩm, hội đồng xét xử đều dành khá nhiều thời gian để phân tích, giáo dục hai bên gia đình trong việc tổ chức đám cưới cho V.Ph. và Hoa L. dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật của V.Ph.. Tuy nhiên tòa xét thấy những người này đều thiếu hiểu biết pháp luật, trình độ học vấn thấp, ở vùng sâu vùng xa và tuổi cao sức yếu nên không truy cứu trách nhiệm của họ.
Chúng tôi tìm đến nhà V.Ph. thì được biết sau khi V.Ph. thụ án, Hoa L. đã trở về nhà mẹ ruột của mình. Những bức ảnh chụp trong ngày cưới của hai người đã ố vàng trên vách ván gỗ nhà V.Ph.. Nhìn khuôn mặt V.Ph. và Hoa L. rạng rỡ trong ngày cưới, tôi cứ tự hỏi họ vui thật hay cố vui để làm đẹp lòng cha mẹ đôi bên.
Với luật pháp, V.Ph. là người phạm tội nhưng với tôi và những người dân ở vùng quê hẻo lánh này, V.Ph. là một nạn nhân - nạn nhân của những giá trị lễ nghi hư ảo mà cha mẹ mình đặt ra. Một người hàng xóm nói: “Cũng chỉ vì ngại cái câu “miệng đời cười chê” ấy mà”.
Nỗi đau để lại sau cuộc hôn nhân sắp đặt này là quá lớn, từ một thanh niên chân chất mới chập chững vào đời, V.Ph. phải trở thành kẻ tù tội. Và Hoa L. cũng là nạn nhân của chính cha mẹ mình. Nhiều người dân trong xóm nói: “Vì muốn làm vừa lòng cha mẹ đôi bên nên nó phải bằng lòng, thuận ý làm “người thế vai” mới ra nông nỗi ấy...”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận