Bảo vệ tiếng Việt bắt đầu từ nhà trườngTiếng nước tôi
Phóng to |
Phóng to |
Trong giao tiếp, tôi thường nói nhiều, đáng một câu thì nói hai ba câu, nói đi nói lại bởi không kịp nghĩ, mà cũng bởi nỗi ám ảnh chỉ sợ người trò chuyện với mình không hiểu mình.
Tôi đã thường xuyên nói khá to và lầm tưởng rằng có thể dùng cách đó để chinh phục đối tượng. Ở dạng tự phát của nó, ngôn ngữ còn quá nhiều dư thừa, làm mất của bản thân bao nhiêu thì giờ và làm hoang phí cả thì giờ của người khác.
May mà tôi không đơn độc. Xung quanh tôi, trong gia đình và chỗ các đồng nghiệp, với nhiều phong cách, lối thể hiện khác nhau, số người nói dai nói dài nói dại không phải là ít.
Văn hóa thường chỉ được hiểu là cái hay, cái đẹp. Nhưng văn hóa còn có một nghĩa nữa là đã làm cái gì thì làm với tất cả ý thức của mình, làm thật kỹ lưỡng, luôn rút kinh nghiệm, nói chung là luôn suy nghĩ để làm ngày một tốt hơn.
Theo nghĩa này, cách cư xử cần thiết của một cộng đồng đối với ngôn ngữ của mình là phải hiểu biết nó, tìm thấy ở nó một sự thiêng liêng, làm cho nó thích ứng với những đòi hỏi của phát triển. Đó chính là cái ta đang thiếu.
Thói quen cẩu thả, luộm thuộm chỉ là một dạng dễ thấy của thiếu văn hóa ngôn ngữ. Ngoài ra, nó - sự thiếu văn hóa ấy - còn trăm ngàn biểu hiện khác.
Không thiếu gì người lấy cớ giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt tự thu mình lại, chỉ biết sử dụng một thứ ngôn ngữ dạy đời khô khan với những công thức nhàm chán. Bảo rằng trong tay họ tiếng Việt cùn mòn xơ xác đi cũng không phải oan.
Ngược lại thì có lối nói khinh thường ngôn ngữ, đùa bỡn tùy tiện chêm vào nhiều thứ tiếng lóng đường phố, tự nhủ rằng như thế là làm cho nó thêm sinh động, nhưng thực tế là làm cho nó trở nên tầm thường, nhếch nhác đi.
Quá tự tin, tự hào rằng mình hiểu tiếng Việt, không thiếu gì người nói năng văng mạng, trong khi đó không bao giờ tự nghiền ngẫm về nghĩa của một từ, về khả năng diễn đạt một ý theo những cách khác nhau, sẵn sàng bịa ra những từ lạ, những từ ngữ và cách nói cóp nhặt từ nước ngoài về cốt để lên mặt là người hiện đại.
Giống như giao thông, tiếng nói vốn có chức năng một công cụ giao tiếp thiết yếu, một năng lượng kết dính xã hội. Khi đánh giá về những ách tắc giao thông hiện nay, người ta nói rằng hằng năm nó làm hại cho xã hội tới cả ngàn tỉ đồng. Tôi muốn đề nghị một cách nghĩ tương tự với hệ thống ngôn ngữ. Điều có thể chắc chắn là nó đang níu bước chúng ta trên đường phát triển.
Giống như môi trường, nó đang bị làm hỏng mà ta hồn nhiên không biết.
=====================================================================
* Lâu lắm rồi tôi mới được đọc một bài viết hay như vậy. Phê phán nhẹ nhàng, tế nhị mà sâu sắc. Đọc xong mà cảm thấy đau lòng trước những gì xảy ra trong xã hội hiện nay mà chúng ta đôi khi quên đi không nhìn thấy.
* Tôi xin góp thêm một ý nhỏ trong việc bảo vệ tiếng Việt: các cơ quan báo đài, đặc biệt là đài phát thanh phát hình cần phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và giúp khán thính giả đọc đúng tiếng Việt. Đơn cử như trường hợp các quảng cáo trên TV về GPRS đều đọc là Gờ Pê Erờ Éc (tạm phiên âm), tôi không biết phát âm đúng là như thế nào nhưng không thể trộn lẫn như thế được (hoặc là Giê Pê eRờ écS hoặc Gờ Pờ Rờ Sờ).
Tôi không thể dạy con tôi đọc đúng nếu đài truyền hình hằng ngày đều phát âm sai.
* Bài viết của Vương Trí Nhàn thật hay, đã nêu được suy nghĩ của rất nhiều người yêu tiếng Việt. Tôi cũng mong rằng giới sinh viên học sinh quan tâm nhiều hơn đến diễn đàn “Tiếng nước tôi”, bởi vì không ai khác, chính các bạn ấy sẽ là những người tiếp tục giữ gìn và lan tỏa vẻ đẹp của tiếng Việt cho thế hệ mai sau.
Theo tôi nghĩ, trong chương trình Tiếng Việt lớp 1, khi các em học các chữ cái thì nhận dạng đầu tiên của chữ ấy gắn liền với âm (tức là cách phát âm của chữ đó) chứ không học tên gọi của chữ đó. Ví dụ: chữ B - âm của nó là "bờ" trong khi tên gọi của chữ đó là chữ "bê". chữ C - âm của nó là " cờ" trong khi tên gọi của chữ đó là chữ "xê".
Việc học tên của chữ cái hình như tôi nhớ không lầm là lên lớp 2 mới học thì phải. Với cách dạy này vô tình hình thành thói quen cho rất nhiều học sinh và kể cả người lớn lầm tưởng âm của chữ cái chính là tên của chữ. Do đó mới dẫn đến hiện tượng phát thanh viên, xướng ngôn viên đọc như sau: ví dụ org.vn đọc là "o rờ gờ chấm vi en".
Thiết nghĩ, thứ nhất: khi đọc ta nên đọc thống nhất theo tên của chữ cái. Thứ hai: vì là chương trình của Việt Nam thì khi đọc ta nên đọc theo tiếng Việt, không pha lẫn cách đọc của tiếng Anh.
Và sao ngay từ những ngày bập bẹ học tiếng Việt của các cháu lớp 1, chúng ta không dạy ngay tên của chữ cái rồi mới tập đánh vần. Theo tôi thấy, từ thế hệ 6x trở về trước, chúng tôi đều được học như thế không có gì là khó thuộc cả. Ngay cả tiếng nước ngoài, ví dụ như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga... ai mới bắt đầu học cũng phải học thuộc bảng chữ cái bằng tên gọi của nó.
-------------------
Ý kiến của bạn về vấn đề này ra sao? Hãy chia sẻ với bạn đọc Tuổi Trẻ Online qua địa chỉ email tto@tuoitre.com.vn hoặc trong phần Ý kiến bạn đọc dưới đây. Cám ơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận