01/08/2007 02:39 GMT+7

"Nội các chiến tranh"

NGUYỄN NGỌC HÙNG tổng hợp
NGUYỄN NGỌC HÙNG tổng hợp

TT - Thế giới Ả Rập tranh cãi ồn ã về vụ máy bay Syria bị Israel bắn hạ. Ai Cập nhanh chóng phản ứng. Ngày 17-5-1967, Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser trực tiếp đến gặp lực lượng Liên Hiệp Quốc đóng tại bán đảo Sinai từ sau chiến tranh 1956 và yêu cầu lực lượng này phải rút ngay khỏi Ai Cập.

GpCBJlkN.jpgPhóng to
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Kỳ 1: Trước giờ nổ súng

Rối ren nội bộ

Đúng ngày 22-5 ấy, Tổng thống Abdel Nasser tuyên bố đóng cửa eo biển Tiran đối với tất cả tàu thuyền Israel và tàu thuyền nước ngoài vận chuyển các hàng hóa chiến lược tới Israel. Liền sau đó, Thủ tướng Israel Levi Ashkul triệu tập chính phủ và bộ tổng tham mưu quân đội họp tại Tel Aviv để thảo luận tình hình khẩn cấp.

Theo ngoại trưởng Aba Eban, tại cuộc họp này, sự lạc quan phấn khích sau chiến thắng không quân Syria biến đâu mất, thay vào đó là những khuôn mặt đăm chiêu, tư lự. Lần này, Israel sẽ phải đơn độc chống trả cuộc chiến của liên minh giữa Ai Cập và Syria. Có thể Jordan cũng sẽ tham chiến và thậm chí cả một số đạo quân Ả Rập khác nữa. Rabin lập tức gây áp lực để chính phủ cho phép đánh trước, bởi nếu để Ai Cập chủ động thì Israel sẽ bị đánh tan tành.

Tuy nhiên, Thủ tướng Ashkul với sự tham mưu của ngoại trưởng Aba Eban vẫn quyết định “chờ”. Hơn nữa, Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson yêu cầu phải có thêm thời gian để tìm giải pháp chính trị. Ashkul cho rằng không cần phải trả lời đề nghị của tổng thống Mỹ, nhưng chính ông Rabin lại nghĩ là đáp ứng yêu cầu của Mỹ sẽ tạo cho Israel một vị thế khá hơn đối với quốc tế, từ đó mọi bước đi chiến tranh của Israel sẽ trở nên dễ hiểu và dễ được chấp nhận hơn. Một số tướng lĩnh khác không tán thành như vậy, coi đó là “xúc phạm Israel” và là một thắng lợi của Abdel Nasser.

Tướng Rabin rất thất vọng với Thủ tướng Ashkul vì cho rằng Ashkul ngày càng yếu đuối. Hôm sau, Rabin đến gặp tướng Dayan để tranh thủ ý kiến. Biết tin này, Ashkul cho rằng hành động của Rabin là “phản bội”, bởi Dayan là đối thủ chính trị của mình. Với tình hình như thế, Rabin cho gọi tướng Waytsman - tư lệnh hội đồng tham mưu quân đội - đến và đề nghị ông này nhận lãnh chức vụ tổng tham mưu trưởng.

Trong hồi ký của mình, Waytsman viết rằng ông ta thấy Rabin trong tâm trạng khủng hoảng niềm tin cao độ. Vợ ông Rabin đã phải cho gọi bác sĩ tiêm cho ông ta một liều thuốc an thần để ông ta hoàn toàn cách biệt với thực tại suốt 24 giờ liền. Về phần mình, Waytsman trực tiếp gây áp lực với chính phủ để phải quyết định chiến tranh.

Ngày 24-5, ông ta trình lên thủ tướng một kế hoạch chiến tranh dự trù sẽ triển khai vào ngày 26-5, với mục tiêu là hủy diệt không quân Ai Cập và đánh chiếm dải Gaza. Waytsman còn khẳng định rằng quân đội Israel có khả năng cùng lúc chiến đấu trên hai mặt trận chống Ai Cập và Syria. Ông ta đưa Ashkul tới tổng hành dinh hội đồng tham mưu, nơi có mặt các tướng lĩnh ở đó để tiếp tục thuyết phục thủ tướng cần phải đánh trước.

Súng nổ bên bàn họp

jUZZcWwz.jpgPhóng to
Ngày 30-5-1967, nhà vua Jordan Hussein (trái) và Tổng thống Ai Cập Nasser ký hiệp ước liên minh quân sự chống Israel - Ảnh: Wikipedia

Dường như Thủ tướng Ashkul không còn ai trong chính phủ ủng hộ và bắt đầu nổi lên những tiếng nói đòi bãi chức thủ tướng. Lãnh tụ phe đối lập Manahem Bigin đến gặp thủ tướng, yêu cầu ông này rời chức, đồng thời đề nghị bổ nhiệm tướng Mosheh Dayan làm bộ trưởng quốc phòng.

Simon Peres cũng tiến hành một cuộc vận động theo hướng đó. Waytsman bèn can thiệp để yêu cầu một sự đoàn kết nhất trí đứng sau quân đội trong “cuộc chiến tranh tất yếu xảy ra”. Một giải pháp trung gian được chấp nhận.

Ashkul vẫn là thủ tướng, nhưng phải để một số đảng cánh hữu tham gia chính phủ, đồng thời bổ nhiệm Manahem Bigin làm phó thủ tướng và Dayan là bộ trưởng quốc phòng. Chính phủ mới ra đời năm ngày trước khi chiến tranh bùng nổ. Đó rõ ràng là một nội các chiến tranh.

Cũng lúc ấy, thông tin từ Washington cho biết Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson đã cho rằng Israel không còn con đường nào khác hơn là phải khai hỏa. Điều này có nghĩa là Mỹ sẽ không cản đường Israel. Sau khi tỉnh táo trở lại, tướng Rabin quyết đoán rằng “bây giờ chỉ còn chờ cho Tổng thống Abdel Nasser mắc sai lầm vì đang quá phấn khích, để chúng ta lợi dụng và qui trách nhiệm cho ông ta gây chiến”.

Sau khi thành lập chính phủ chiến tranh, Israel muốn Washington “bật đèn xanh” để khởi sự tuyên chiến. Ngoại trưởng Eban công du cấp tốc qua Pháp, Anh vào ngày 25 và 26-5 rồi gặp tổng thống Mỹ vào ngày 27. Các lãnh đạo châu Âu đều không tán thành chiến tranh. Nhưng phía Mỹ thì khác. Lyndon Johnson chỉ yêu cầu Israel không được đánh trước, đồng thời ra lệnh chuyển cấp tốc khối lượng lớn vũ khí trị giá 72 triệu USD cho Israel.

Trong thời gian ông Eban ở Mỹ, Israel còn gây áp lực với Johnson trên hai “mặt trận”. Mặt trận bên trong nước Mỹ do thế lực người Do Thái tiến hành. Mặt khác, Israel gửi hai bức điện đến cho Eban và đại sứ Israel tại Mỹ, trong đó đưa ra những sự kiện “hết sức nghiêm trọng chứng tỏ rằng Ai Cập sẽ đánh Israel vào ngày 28-5”. Mặc dù tình báo Mỹ đã thu và giải mã được bức điện gửi đại sứ Israel và khẳng định thông tin của hai bức điện này là sai sự thật, nhưng Tổng thống Johnson vẫn cảnh báo Ai Cập không được đánh Israel.

Theo tài liệu của Israel, trong cuộc chiến sau đó quân đội Israel thu được tài liệu mật của Ai Cập cho thấy đúng là nước này đã định tấn công vào ngày tháng nêu trên, nhưng phải ngưng lại vì phía Mỹ cảnh cáo.

bZg5AhqV.jpgPhóng to
Sân bay của Ai Cập bị không kích trong chiến tranh 1967 - Ảnh tư liệu

Sáu ngày trước chiến tranh, nhà vua Jordan Hussein II bất ngờ thăm Ai Cập và ký với Tổng thống Abdel Nasser một hiệp định phòng thủ chung. Israel cử cục trưởng tình báo Mosad sang Washington để trình bày rằng các lực lượng Ả Rập sẽ tham gia một cuộc chiến tranh toàn diện chống Israel. Đó là nguy cơ hủy diệt đối với nước này.

Tổng thống Johnson ra lệnh cho bộ trưởng quốc phòng Mc Namara theo dõi sát diễn biến tình hình và lập ra một “nhóm làm việc” để sẵn sàng yểm trợ Israel trong trường hợp rơi vào bế tắc.

Ngày chủ nhật 4-6, Chính phủ Israel họp với bộ tư lệnh quân đội. Ngoại trưởng Eban báo cáo tình hình chuyến công du và cho biết Mỹ đã đồng ý chiến tranh. Cục trưởng tình báo quân đội Ahron Yaref báo cáo ông ta có tin không thật chính xác 100% rằng quân đội Ai Cập sẽ khởi sự vào ngày hôm sau. Khi cuộc họp đang tiếp diễn tại Jerusalem thì nghe có tiếng súng nổ, quân đội Jordan bắn vào một vài vị trí trong thành phố. Ashkul buồn bã chấp nhận phải chiến tranh và bày tỏ sự hối tiếc vì đã không quyết định chiến tranh sớm vài ngày trước.

8g kém 15 sáng thứ hai 5-6-1967, chiến tranh nổ ra, khởi đầu chỉ là phía mặt trận Ai Cập. 10 giờ sáng hôm ấy, Jordan bắt đầu pháo kích vào Jerusalem. Từ đó Trung Đông không còn như trước nữa.

“Cuộc chiến tranh sáu ngày” năm 1967 được người Ả Rập xem là thảm họa lớn nhất đối với họ trong số bốn cuộc chiến tranh tổng lực giữa người Ả Rập với Israel kể từ khi nhà nước Do Thái ra đời năm 1948-1973. Với cuộc chiến tranh này, Ai Cập mất toàn bộ bán đảo Sinai rộng lớn và mất luôn dải Gaza mà họ được Liên Hiệp Quốc giao trách nhiệm ủy trị kể từ sau chiến tranh 1948. Jordan mất hoàn toàn phần lãnh thổ Palestine mà họ cai quản, gồm khu vực Bờ Tây và khu đông thành phố Jerusalem. Còn cao nguyên Golan của Syria thì bị Israel chiếm cho đến nay, khiến thủ đô Damas cũng nằm trong tầm với của đại pháo quân chiếm đóng. Bản đồ địa - chính trị Trung Đông biến dạng nghiêm trọng kể từ sau cuộc chiến tranh này.

40 năm sau cuộc chiến mới chỉ có Sinai và dải Gaza trở về với người Ả Rập. Đường biên giới trước ngày 5-6-1967 vẫn còn là mục tiêu mà người Ả Rập phải bền bỉ đấu tranh để đòi Israel trả lại.

____________________

“Đời nào vui bằng đời thương hồ. Xuống bể lên nguồn, gạo chợ nước sông”.

Câu hát phóng khoáng quen thuộc về khách thương hồ như vậy cứ lan xa trên sóng nước.

Nhưng đời thương hồ không chỉ có chuyện rày đây mai đó lãng mạn, mà đó còn là những chuyện đời tình nghĩa, mưu sinh nhọc nhằn và hiểm nguy trên sông nước đồng bằng.

Số tới, mời bạn đón đọc loạt ký sự về những câu chuyện đời như thế:

Đời thương hồ

NGUYỄN NGỌC HÙNG tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên