![]() |
“Thi thoảng tôi cũng thấy bé Tuyết cặm cụi ngồi tập viết. Nhưng không lâu, nó bảo: đi lấy nước sướng hơn!” - Ảnh: QUANG PHÙNG |
Xem và đọc chú thích từng tấm ảnh, tôi cảm thấy “ngẩn ngơ”!
Thật không ngờ ở một nơi chỉ cách hồ Gươm không đầy nửa cây số đường chim bay lại có những mảnh đời khốn khó với những đứa trẻ sống như cỏ hoang, cây dại.
Tôi chú ý đến câu hỏi của người thực hiện cuộc phỏng vấn chớp nhoáng đăng cùng trang phóng sự ảnh nói trên: “Có nhiều thứ trong cuộc sống đáng để chụp, sao cụ chỉ thích chụp những đề tài gai góc và xa lạ với mình như thế?”. Và nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng đã có câu trả lời thật xác đáng: “Không phải là tôi thích, mà tôi thấy mình có nghĩa vụ phải chụp”.
Lão nghệ sĩ khẳng định: “Ảnh của tôi là ảnh thực trạng, ảnh minh chứng. Cốt lõi của nhiếp ảnh là nhân chứng của thời đại, của từng giai đoạn lịch sử…”.
Xem ảnh của lão nghệ sĩ Quang Phùng, ta thấy hiện nay đang diễn ra nhiều cảnh đời quá cách biệt: cảnh đời phồn vinh, hạnh phúc ở bên này và bên kia bờ đê, cách hồ Gươm không đầy nửa cây số, “là một thế giới khác, là những cảnh đời đáng được sống hạnh phúc không kém gì chúng ta, vậy mà họ đang phải tồn tại qua ngày với mức sống như thế này”.
Qua các bức ảnh, nhìn những cảnh vật, sinh hoạt của người dân, nhất là của những đứa trẻ ven một đoạn sông Hồng, chúng ta cảm nhận được một nỗi buồn đau đáu. Nhất là cảnh một em bé nghịch nước (mà sau đó vài tháng bé đã lìa đời khi theo bắt con chuồn chuồn - có ai trông nom chăm sóc bé đâu!) và cảnh một cánh tay búp bê của bé nằm lẻ loi, lạc lõng sau khi cha bé chôn búp bê theo bé. Thật là buồn! Buồn như ánh mắt trên khuôn mặt thiên thần của bé Tuyết vậy!
Xin chân thành gửi đến lão nghệ sĩ Quang Phùng lời cảm ơn và nỗi đồng cảm sâu sắc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận