23/12/2010 04:04 GMT+7

Noel xưa - Noel nay

THÙY TRANG (Tây Ninh)
THÙY TRANG (Tây Ninh)

AT - Noel xưa tôi vẫn cùng Vân, Huyền dạo một vòng quanh nhà thờ vào buổi chiều để mua hai chiếc "mão" bằng giấy bìa cứng sơn kim tuyến xanh đỏ đủ thứ hình như gà trống, vương miện, đôi bướm, trái tim...

Ba cô nhỏ lớp 10 mà trông cứ như con nít. Bỏ tóc ra, cài "mão" lên đầu, đạp xe vù từ trên đỉnh dốc Ao Hồ xuống dưới chân dốc rồi lại đạp lên, xong lại quay xuống... mấy lượt như vậy rồi trở lại nhà thờ xem lễ. Mà có xem gì, chỉ thấy những tấm lưng mướt mồ hôi chen lấn và bao nhiêu mái đầu đen thui lúc lắc cùng hàng lô hàng lốc trẻ con được cha cõng trên cổ.

b5BVzZqw.jpgPhóng to

Minh họa: Duy Nguyên

Noel xưa Vân buồn: "Mấy đứa bé đó thiệt sướng, được cha cõng trên cổ chứ em có được bao giờ. Ba bỏ mẹ con em từ khi em còn chưa kịp khóc vì mẹ sinh em bị băng huyết, ba ớn quá, bỏ đi luôn vì có lẽ sợ không đủ tiền trả bệnh viện, cũng có lẽ vì sợ mẹ chết phải gà trống nuôi con. Nhưng hai mẹ con vẫn sống nhăn, ba trở lại nhưng ngoại cấm tiệt. Vậy là em thành đứa bé không cha. Hồi nhỏ, mãi đến lúc mười tuổi, em cứ ước được một lần ba cõng trên cổ để đi xem Chúa hài đồng mỗi mùa Noel tới mà có được bao giờ".

"Thôi đừng buồn nữa, không có ba thì có bạn tốt. Mấy năm nay năm nào ba đứa mình hổng đi chơi Noel với nhau. Mà ba mẹ tui cũng thương Vân lắm, ba mẹ bảo hai đứa nhớ về sớm để ăn tiệc nửa đêm, năm nay nhà tui quay cả cặp ngỗng". Nhà Huyền theo đạo Chúa nên mỗi mùa Noel về tôi và Vân đều được xem ba Huyền trang trí hang đá, tượng Chúa hài đồng. Ba mẹ Vân đều thương mến chúng tôi. Nhưng dự tiệc nửa đêm thì chưa bao giờ vì làm sao tôi và Vân có thể được đi chơi tới nửa đêm?

Noel xưa có ba đứa con gái chơi với nhau. Một đứa lớn hơn hai đứa kia hai tuổi nên tuy học cùng lớp nhưng vẫn xưng hô chị - em. Ba đứa có chung những mơ ước... ăn uống rất vĩ đại dù hoàn cảnh gia đình không hơn ai. Tôi nhà năm chị em đều đi học, ba mẹ "oải" lắm, bảo học xong lớp 9 thì nghỉ đi làm nhưng tôi cứ mê được khoác lên mình tà áo dài trắng nên nằn nì xin học nữa.

"Học nữa thì phải tự lo học phí chứ năm chị em làm sao ba mẹ lo xuể?". Tôi tự lo học phí bằng những bài nho nhỏ viết cho các báo và ở trọ nhà Vân (vì nhà tôi xa trường học đến gần 20km). Cũng may lúc đó học phí cấp III khá ít, còn có những hoạt động Đoàn hỗ trợ cho học sinh, đoàn viên giỏi có hoàn cảnh khó khăn, nên tôi không phải bận tâm nhiều.

Vân phải sống với ông bà ngoại già, bà mua ve chai, ông làm "thợ đụng" (*). Mẹ Vân sau khi bị chồng bỏ thì "điên tình" nên hay ngơ ngẩn, có khi cơm đang sôi thì dì bỏ hết lửa, có lúc canh đang nấu thì cho thêm cả ang nước vào, cá kho cứ thành chè cá... Nhà ngoại Vân nghèo càng khó hơn bởi những hao tốn tưởng chừng như không đáng ấy.

Gia đình Huyền khá nhất trong ba đứa, nhưng ba Huyền quê gốc miền Trung nên chi tiêu dè sẻn lắm. Một cây tăm ông có thể dùng được tám lần, lần nào cũng là tăm mới! Có gì đâu, ông bẻ cây tăm ra làm hai, rồi tách làm bốn mỗi phần. Vậy là được tám cây tăm mới rồi! Huyền cười kể cho chúng tôi nghe: "Sao ba "nhím" quá vậy, chỉ là một cây tăm thôi mà?". "Tao mà không "nhím" từng cây tăm thì bây giờ mày cũng không có mặt trên cõi đời này, chứ nói chi đến cái gì khác hả con?". Huyền le lưỡi chạy ào ra vườn, nơi có rất nhiều cây dừa và ba đứa chỉ cần vói tay lên là hái trái uống thỏa thuê.

Noel xưa có ba đứa con gái mỗi khi đi học qua tiệm phở đều đứng lại hít lấy hít để, rồi đứa lớn nhất ước: "Bữa nào tao được thật nhiều tiền nhuận bút, tao sẽ đãi ba đứa mình ăn một bữa phở tới ói luôn! Phở người ta nấu bằng gì mà mùi thơm ngon quá!". "Ừ, em sẽ ăn bốn tô cùng một lúc!" - Vân bảo. "Còn em ăn một tô thôi, ba tô còn lại chị cho em đem về cho... cả nhà em cùng ăn!" - Huyền nói.

Noel xưa có một tiệm kem Bảo Châu duy nhất trong thị trấn, kem ngon và giá tất nhiên rất "trên trời". Cái món trái cây thập cẩm còn ngon gấp ngàn lần kem, ăn xong còn có nước nấu lá dứa uống thơm ơi là thơm, uống hết phích này thoải mái xin phích nữa mà chủ không phàn nàn gì. Vân ước: "Bữa nào bà ngoại vô mánh, em sẽ xin tiền cho ba đứa mình ăn ba dĩa trái cây thật đã thèm!". "Còn Huyền chỉ ước có được mười ngàn, ba đứa mình đi ăn cháo tàu hủ. Chà... hai chục tô chia ba đứa làm sao chia ta?". "Thì tao và Vân mỗi đứa sáu tô thôi, mày được tám tô”. "Như vậy coi bộ không công bằng?". "Kệ, miễn là được ăn một lúc sáu tô cháo".

Noel nay ba đứa con gái ngày xưa đứa nào cũng đã có gia đình riêng. Những ước mơ "vĩ đại" kia bây giờ đã "nhỏ như con thỏ” nhưng để gặp được nhau đã khó thì nói chi đến việc gì khác. Tiệm kem duy nhất trong thị trấn bây giờ không còn chiếm ngôi đầu bảng nữa. Tiệm phở mở hàng loạt, tiệm sau ngon và đẹp hơn tiệm trước. Quán cháo tàu hủ không còn giá năm trăm đồng một tô mà đã tăng gấp tám lần.

Noel nay ba đứa con gái ngày xưa không tìm đâu ra những chiếc "mão" kim tuyến xanh đỏ cho con nít chơi. Cũng không phải đi xem lễ chỉ thấy lưng người, mà phải thức đến tận sau khuya lâu lắm để dọn dẹp mớ chén dĩa của tiệc nửa đêm cho cả nhà. Mọi "mơ ước" thuở 17 giờ đã thành hiện thực, chỉ có tuổi hồn nhiên là ra đi không trở lại.

Noel ơi!

GANC842p.jpgPhóng to

Áo Trắng số 23 (ra ngày 15/12/2010) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

THÙY TRANG (Tây Ninh)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên