13/02/2013 10:01 GMT+7

Nọc rắn trong y học

BS LÊ THÚY TƯƠI 
BS LÊ THÚY TƯƠI 

TTCX - Rắn sống ở khắp nơi trên trái đất này. Gặp người, chúng tự vệ bằng cách dùng răng nanh cắn, phun nọc độc có thể gây tử vong, vì thế đối với một số nền văn hóa chúng bị xem là ma quỷ.

Dù thân hình nhỏ bé chúng vẫn gây nên sự căm ghét và nỗi sợ hãi cho mọi người. Ðể mô tả về tác hại của nọc rắn người ta gán cho những kẻ hay đặt điều, vu cáo là "miệng lưỡi rắn độc" bởi hậu quả gây ra thật khôn lường.

 

CScPSmDe.jpgPhóng to

Bí mật của nọc rắn

Nhìn chung, nọc rắn độc nhưng tùy loài và nơi sinh sống mà mức độ độc khác nhau. Chất độc trong nọc rắn được gọi chung là zootoxin (độc động vật). Thành phần nọc gồm có nước, các muối vô cơ, flavonoid, alkaloid, protein, enzyme.

Alkaloid của rắn có vị đắng gồm những hợp chất chứa ni-tơ có hoạt tính sinh học rất mạnh. Protein rắn khác protein người và các động vật khác nên khi vào cơ thể sẽ gây dị ứng dữ dội. Nọc độc có hàng ngàn protein khác nhau, mỗi loại gây dị ứng mỗi kiểu. Khi gan của rắn sản xuất protein, chúng là những protein bình thường, chỉ những protein di chuyển đến tuyến dưới hàm chúng mới được định hình tạo ra độc tố. Còn các enzyme làm nhiệm vụ xúc tác cho các phản ứng sinh tổng hợp các protein độc ấy.

Trong các enzyme của nọc rắn, các nhà khoa học tìm ra phospholipase nồng độ thấp có tác dụng kềm chế quá trình đông máu khiến nạn nhân chảy máu không cầm được, nhưng phospholipase nồng độ cao lại phá hủy hồng cầu làm nạn nhân ngạt thở chết rất nhanh.

Nọc độc của rắn được chia làm 3 nhóm chính: cytotoxin, neurotoxin và hemotoxin. Khi tấn công con mồi, rắn thường để con mồi chạy thoát hoặc giãy giụa. Nhờ những chuyển động này mà chất độc lan tỏa nhanh theo dòng máu. Neurotoxin sẽ làm tê liệt thần kinh, hemotoxin phá hủy tế bào hồng cầu, còn cytotoxin phong bế các enzyme hô hấp tế bào. Con mồi ngất ngư là lúc rắn chỉ việc há cơ hàm và nuốt trọn. Nọc độc của 1 con rắn có thể giết chết chừng 100 người.

Nhiều người thắc mắc: Rắn độc như vậy thì ăn thịt nó có nguy hiểm không? Câu trả lời là không, bởi nọc độc là hai tuyến nằm ở hàm của rắn chứ không nằm ở thịt chúng. Theo y học cổ truyền: "Thịt rắn có vị ngọt, mặn, tính ôn, quy kinh can, có tác dụng trừ phong thấp, định kinh giản, giảm đau, tiêu độc", người xưa ăn thịt rắn thấy giảm đau là vì vậy.

Ðó là thịt rắn, còn rắn ngâm rượu để nguyên vẹn cả đầu với cái miệng há ra dữ tợn liệu nọc độc trong miệng ấy có gây hại cho các đệ tử lưu linh? Câu hỏi này nghe có lý, bởi khi được gửi thân xác trong hũ thủy tinh cay nồng thì hai tuyến sản sinh ra chất kịch độc lại được giữ nguyên. Tuy nhiên, bạn hãy yên tâm vì alcool của rượu đã hủy tác dụng độc trong nọc.

Thuốc quý từ nọc rắn

Không phải vô cớ mà hình ảnh con rắn đã gắn liền với ngành y dược hàng ngàn năm nay. Theo thần thoại Hi Lạp, vị thần y Asklepios khi đi chữa bệnh cho dân nghèo luôn mang theo mình cây gậy có đầu thô ráp trên có 1 con rắn quấn quanh. Ở Ấn độ và nhiều quốc gia khác, rắn được tôn thờ như một vị thần. Như vậy từ xưa người ta đã phát hiện rắn có tác dụng chữa bệnh, và dường như câu "lấy độc trị độc" của y học phương Ðông đang có cơ hội được chứng minh bằng y học hiện đại.

Có tác dụng giảm đau: Ðông y cho rằng "thịt rắn làm thông kinh mạch bế tắc và trừ phong hàn nên được dùng chữa trị phong thấp". Các nhà khoa học thời hiện đại lại chú ý đến nọc rắn. Nhiều phòng thí nghiệm trên thế giới (Pháp, Úc, Anh, Ðức..) đã nghiên cứu thực nghiệm và thấy rằng "nọc rắn có tác dụng giảm đau mạnh như morphine lại không có tác dụng phụ". Nếu morphine đi vào não dễ gây nghiện thì nọc rắn lại ngăn chặn các cơn đau bằng cách ức chế ASICs (Axit-Sensings) của hệ thần kinh trung ương và ngoại biên.

Nọc rắn làm giảm huyết áp: Những bệnh nhân cao huyết áp được uống thuốc ức chế men chuyển có tên thông dụng là captopril nhưng ít người biết rằng thuốc này được bào chế từ nọc rắn lục (Bothrops jararaca).

Chữa ung thư: Các nhà khoa học thuộc Ðại học Nam Australia đứng đầu là tiến sĩ Tony Woods đã tách được một hợp chất từ nọc rắn có tác dụng phá hủy màng của tế bào mạch máu nuôi khối ung thư. Quá trình nghiên cứu đang có nhiều hứa hẹn. Cùng lúc Giáo sư Heloisa Sobreiro Selistre de Araujo (Ðại học Liên bang Sao Carlos, Brazil) cho biết chất ALT-C trong nọc rắn độc có thể tăng cường (ở liều thấp) hay ngăn chặn sự hình thành các mạch máu mới (ở liều cao). Những khám phá này mang lại hi vọng cho bệnh nhân ung thư bởi chỉ cần tiêm vào hệ mạch nuôi khối u, chúng teo lại làm tế bào suy dinh dưỡng, rồi chết, khỏi cần mổ xẻ hay hóa trị.

Trong lúc chờ đợi những thành tựu mới của các nhà khoa học, thì việc xử lý khi bị rắn cắn để tránh cái chết lãng nhách vì nọc độc của họ hàng nhà chúng vẫn là vấn đề cần quan tâm.

jXouOetJ.jpgPhóng to

Tuổi Trẻ CườiXuân Qúy Tỵ 2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái!

BS LÊ THÚY TƯƠI 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên