12/09/2009 00:02 GMT+7

Nỏ thần - những bài học chưa cũ bao giờ

H.O.
H.O.

TT - "Từng con người trong chiến chinh buộc phải vào khuôn khổ, thì khi thanh bình lại tự buông lỏng kỷ cương. Chiến trường ai cũng nghĩ phải có giáo có gươm, ít ai ngờ chiến trường nằm trong vàng bạc, ngọc ngà, rượu ngon, gái đẹp”...

Nỏ thần - những bài học chưa cũ bao giờ

xoLIB0Ar.jpgPhóng to
Một cảnh trong vở Nỏ thần trên sân khấu kịch Phú Nhuận

Dường như câu nói của nhân vật Nhan Tấn trong vở kịch Nỏ thần nóng hổi hơi thở cuộc sống hiện tại.

Biết bao câu chuyện về tình nước, tình đời ngàn năm qua gắn với dải đất mà biển Ðông ôm dài từ Nam chí Bắc. Trong đó, nổi bật nhất và có sức sống dài lâu trong đời sống tinh thần của người VN là câu chuyện tình Trọng Thủy - Mỵ Châu.

23kWGNb7.jpgPhóng to
Hòa Hiệp (Trọng Thủy) và Vân Anh (Hoàng Dung) trong vở Nỏ thần - Ảnh: Kịch Phú Nhuận cung cấp

Một chuyện tình gắn chặt với vận nước. Một chuyện tình mà mỗi số phận là một bi kịch, dẫu tốn bao nhiêu giấy mực và thời gian cũng chưa nói hết được sự vờn vọc trớ trêu của trong sáng và âm mưu, của chân thành và phản bội.

Nhưng, nếu như thời gian chưa đủ minh oan cho đôi tình nhân đẹp như đôi thiên nga ấy, thì thời gian quá đủ để khắc họa câu chuyện về nỏ thần. Ðó là biểu tượng tâm và lực của người Âu Lạc, thứ vũ khí thần thánh gắn với tâm lực và trí lực con người, đủ sức chống chọi lại sức mạnh quân khí của Triệu Ðà ở phương Bắc - kẻ năm lần bảy lượt thúc quân thống nhất Lĩnh Nam như một con đường sống của nước Triệu.

Thắng không nổi nỏ thần Âu Lạc bằng chính đạo, Triệu Ðà đã dùng tới âm mưu thâm độc: cầu hôn để cầu hòa, thực chất là để phái gián điệp Nhan Tấn vào tìm hiểu bí mật nỏ thần dưới cái vỏ xin cưới công chúa Mỵ Châu của Âu Lạc cho thái tử Trọng Thủy nước Triệu. Câu chuyện diễn ra trong kịch bản Nỏ thần của Lê Duy Hạnh như ta đã biết trong sách, trên sân khấu cải lương và sân khấu chèo: sức mạnh của nỏ thần bị vô hiệu, nước Âu Lạc bị mất, cha con An Dương Vương Thục Phán đều chết ở biển trong sự hối hận khôn cùng.

ACqxNxFC.jpgPhóng to

NSƯT Bảo Quốc (Nhan Tấn): “Chiến trường ai cũng nghĩ phải có giáo có gươm, ít ai ngờ chiến trường nằm trong vàng bạc, ngọc ngà, rượu ngon, gái đẹp...” - Ảnh: Kịch Phú Nhuận cung cấp

Cái khác của Nỏ thần - kịch nói và Chiếc áo thiên nga - cải lương (cùng một tác giả) là có sự xuất hiện của Hoàng Dung - vợ của Trọng Thủy ở nước Triệu, là hình ảnh Trọng Thủy bội phần day dứt giữa tình và hiếu, giữa chính trực và bất lương, giữa phản bội và chung thủy.

Với diễn xuất mới mẻ của Hòa Hiệp, Trọng Thủy đã chiếm được nhiều thiện cảm của người xem so với truyền thuyết. Còn Hoàng Dung - nhân vật không có trong truyền thuyết này - xuất hiện như để thêm một sự khám phá tâm hồn của "kẻ bên kia chiến tuyến". Người phụ nữ ấy thật mạnh mẽ, thật bừng sáng vẻ đẹp của trí tuệ và tình cảm khi ứng xử với người chồng đã phụ tình mình.

Hiểu tình cảm của con người là không thể bị trói buộc. Hiểu liêm sỉ, tín nghĩa của một con người là hệ trọng. Thế nên Hoàng Dung đã xếp lại ghen tuông, đã đau đớn đẩy Trọng Thủy lên đường về Âu Lạc báo tin quân Triệu sắp tiến đánh bên ấy.

Cái lý lẽ thúc đẩy Hoàng Dung đi tới ứng xử ấy thật chặt chẽ và thâm trầm: cái tâm cái tình của Mỵ Châu là trong sáng nên mới khiến Trọng Thủy rung động đến thế. Nhưng cái tâm mà không có lực (đánh mất bí mật của nỏ thần) thì làm được gì đây. Nàng quận chúa nước Triệu trong cái đau tình riêng còn biết tránh cái đau quốc thể: thúc giục Trọng Thủy về với Âu Lạc và Mỵ Châu là để bên ấy biết nước Triệu này còn có người biết giữ chữ tín.

Nỏ thần - kịch nói của Lê Duy Hạnh - đã được đạo diễn Ðức Thịnh cảm nhận sâu sắc và phát triển rất sáng tạo trong dàn dựng. Không thể một mình tướng quân tài ba và trung thành cao độ như Cao Thục mà thắng nổi quân thù. Thế nên Ðức Thịnh đã đưa vào vở một đội hổ tướng đầy sức thuyết phục về hình thể và vũ đạo.

Khi sức mạnh tập thể bền chặt, trăm trận trăm thắng. Khi đội hình hổ tướng bị xé lẻ bởi mưu mô thâm độc của Nhan Tấn, bí mật của nỏ thần bị phơi bày, sức mạnh của từng hổ tướng bị rượu thuốc vô hiệu. Dũng tướng Cao Thục giỏi giang nhường ấy, khôn ngoan nhường ấy đã rơi vào thế vô phương chống đỡ trước trùng trùng quân Triệu...

Huỳnh Ðông thu hút trọn vẹn trái tim người xem bằng lối diễn và đài từ đầy uy lực của anh trong vai mãnh tướng Cao Thục. Như thể anh đã hòa vào truyền thuyết và từ đó sáng tạo ra một Cao Thục mới hơn, hấp dẫn hơn cả Cao Thục của Lê Tứ trong Chiếc áo thiên nga.

Bảo Quốc cũng đã đem tới cho Nỏ thần một Nhan Tấn không lặp lại chút nào với Nhan Tấn - Diệp Lang. Người xem ngạc nhiên khi thấy vẻ mặt đầy đặn phúc hậu của Bảo Quốc đã được chính anh nhào nặn nên vẻ gian tà xảo quyệt của tên gián điệp nước Triệu, lăn vào triều đình, vào quân ngũ Âu Lạc bằng giọng nói, bằng cử chỉ để phá tung nó thành trăm mảnh!

Nỏ thần khép lại với hơn hai giờ diễn. Nhưng những bài học từ trong câu chuyện kể của Lê Duy Hạnh - Ðức Thịnh và tập thể các diễn viên Lê Hay (Triệu Ðà), Lan Phương (Mỵ Châu), Vân Anh (Hoàng Dung), Minh Hoàng (Thục Phán)... thì còn ở lại với người xem.

Có thể là từ câu nói của Nhan Tấn: "Từng con người trong chiến chinh buộc phải vào khuôn khổ, thì khi thanh bình lại tự buông lỏng kỷ cương. Chiến trường ai cũng nghĩ phải có giáo có gươm, ít ai ngờ chiến trường nằm trong vàng bạc, ngọc ngà, rượu ngon, gái đẹp".

Cũng có thể từ lời nói chân thành và vô cùng sâu sắc của Mỵ Châu về vai trò của hiền tài đối với quốc gia: "Âu Lạc không có Mỵ Nương thì vẫn là Âu Lạc. Nhưng nếu không có Cao Thục thì Âu Lạc không còn là Âu Lạc nữa".

Và, cũng có thể từ câu chuyện hôm nay của vợ chồng nhà sản xuất Hồng Vân - Lê Tuấn Anh: "Làm kịch lịch sử không phải để đi thi thố, để "chạy theo phong trào", mà là để thỏa mãn tâm nguyện của một đội ngũ làm nghề ở sân khấu Phú Nhuận. Với Nỏ thần, nghệ sĩ ở sân khấu 5B - Phú Nhuận (TP.HCM) như thoát xác, được tri ân, báo hiếu với các bậc tiền nhân".

Nỏ thần dự hội diễn sân khấu

Với hơn 400 triệu đồng dành cho các chi phí phục trang, cảnh trí, đạo cụ, biên đạo, thuê rạp... Nỏ thần là vở diễn được đầu tư kỷ lục tại sân khấu Kịch Phú Nhuận.

Nỏ thần quy tụ dàn diễn viên hơn 50 người với tinh thần làm việc nghiêm túc cho một vở diễn lớn. Đạo diễn Đức Thịnh cho biết 80% diễn viên tham gia vở đều bị thương khi tập luyện. Nặng nhất là trường hợp của diễn viên Ngọc Thuận phải đưa vào bệnh viện khâu ba mũi. Dù đầu tư lớn và gặp nhiều khó khăn nhưng cả bà bầu Hồng Vân và đạo diễn Đức Thịnh đều xem đây là tác phẩm nghiêm túc để thỏa mãn niềm đam mê nghệ thuật, bên cạnh những vở diễn hài hước hay kinh dị để bán vé. Bởi vậy, dù không mong sẽ gỡ lại vốn đầu tư nhưng những người thực hiện vở đều hi vọng sẽ truyền được những cảm xúc cộng hưởng tới khán giả.

Nỏ thần sẽ ra mắt khán giả từ ngày 12-9-2009 tại rạp Kim Châu (15-17 Nguyễn Thái Bình, Q.1, TP.HCM). Riêng tối 13-9 có một suất diễn tại Nhà hát TP. Vở sẽ đại diện cho sân khấu Kịch Phú Nhuận tham dự Hội diễn sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2009 (từ ngày 26-9 đến 5-10 tại TP.HCM).

H.O.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên