“Tiến sĩ Cisco” Đặng Quang Minh:
![]() |
"Tiến sĩ Cisco" Đặng Quang Minh đang hướng dẫn các học viên tại phòng lab Trung tâm Trí Việt - Ảnh: Đ.Tươi |
30 tuổi, anh đang là giám đốc Trung tâm tin học Trí Việt (VNPRO) chuyên dạy học viên thi các chứng chỉ của tập đoàn mạng Cisco... Thời ở FPT, anh em gọi anh là đầu tàu công nghệ.
Cần phải chuyên nghiệp
* Anh từng ăn mì gói trong ly, ngủ hai tiếng một ngày, bỏ bù khú bạn bè, chắt chiu từng đồng lương để đầu tư 80-90 triệu đồng học lấy bằng được các chứng chỉ quốc tế. Anh quan niệm thế nào về bằng cấp quốc tế?
- Theo tôi, ai nói không cần bằng cấp là chưa có thái độ chuyên nghiệp trong ngành này và trong thời đại toàn cầu hóa.
* Anh có thể nói rõ hơn?
- Ví dụ, những dự án về mạng hiện đại là kết hợp rất nhiều công nghệ mới như MPLS, VoIP, WAN, VPN… Trong trường hợp này, người kỹ sư phải là một chuyên gia thật sự làm chủ về công nghệ. Làm thế nào để đánh giá? Một trong những cách dễ nhận ra là được chính hãng về công nghệ đó xác nhận trên khuynh hướng toàn cầu. Nếu anh từ chối sự xác nhận này (chứng chỉ) nghĩa là anh chưa chuyên nghiệp.
* Nhưng nhiều người nói có khi chứng chỉ tạo ảo giác, ví dụ “tiến sĩ Cisco” là cách khuếch trương của một tập đoàn mạnh?
- Gặp gỡ chuyên gia người nước ngoài, tôi thường bị hỏi “VN có bao nhiêu CCIEs?”. Thời điểm hiện tại trên toàn thế giới có 11.000 CCIEs (quen gọi là “tiến sĩ Cisco”), trong đó VN chỉ có trên dưới 10 người. Trong số các chuyên gia làm việc trong lĩnh vực mạng, chỉ dưới 3% là có CCIEs.
Các thống kê cho thấy chuyên gia CCIEs luôn được hưởng mức lương cao nhất, do được xác nhận có khả năng làm việc trong những công nghệ mạng tiên tiến và phức tạp nhất. Để có CCIEs, chúng tôi phải học tổng lực hai năm.
Học: con đường tiến thân duy nhất của tôi
* Con đường đi của anh có thể vẽ sơ đồ thế này: học ĐH - làm thuê - cắm đầu cắm cổ học - cắm đầu cắm cổ thi để lấy bằng được các chứng chỉ quốc tế hiếm người có - dạy cho người ta học và thi CCNA, CCNP, CCIE giống như mình...
- Thế thì tại sao nhiều người cũng học và thi mà không làm giống như tôi? Tôi đã làm theo cách mình chọn. Cách đây bốn năm, lúc đó tôi 26 tuổi, chỉ biết kỹ thuật, không nhiều vốn, cũng không nhiều kinh nghiệm và tôi nghĩ khả năng tiến thân duy nhất của mình là học: học cao học hoặc học chuyên sâu nghề nghiệp (chứng chỉ quốc tế). Có người nói đầu tư 70-80 triệu đồng để đi thi quá phí, nay họ bảo “thằng Minh” đã đi đúng hướng.
* Thế sao anh không học cao học?
- Tôi nghiệm ra: học ĐH hoặc cao học ở VN, SV được xem là “đạt” khi được 5 điểm, khác nào đối với một chương trình hoặc một công nghệ nói chung, người kỹ sư đó chỉ cần nắm vững 50% kiến thức và kỹ năng? Những dự án thực tế không thể chấp nhận những người có “thói quen 50%” quyết định (điểm đạt của một chuyên gia có chứng chỉ quốc tế tương đương với khả năng giải quyết vấn đề lên tới 80%).
Ý tưởng cần không giống ai
* Nghe nói vợ chồng anh tích cóp từng khoản lương mua từng con router (thiết bị dạy về công nghệ của Cisco). Đủ bốn cái cho bốn phòng học thì mở trung tâm dạy luôn. Một năm sau đã tăng lên 40 router, 1,5 tỉ đồng. Làm đào tạo hốt bạc tỉ vậy ư?
- (Cười) Có thể tôi làm theo cách người già. Ba má tôi là nông dân, có cái nhỏ thì làm lớn, làm lớn dần ra. Không biết là kiểu gì, chắc kiểu... nông dân quá.
* Ý tưởng phòng thí nghiệm trực tuyến miễn phí lần đầu tiên có ở TP.HCM. Theo anh, người trẻ VN cần vươn ra cho thế giới biết mình bằng những ý tưởng như thế nào?
- Cần bắt đầu bằng những cái đơn giản. Đơn giản không có nghĩa là nhỏ. Và theo tôi, những ý tưởng không giống ai sẽ giúp bạn trẻ vươn ra thế giới. Nhưng để có điều đó, tôi nghĩ bạn trẻ có khi phải làm việc 18 tiếng mỗi ngày, thậm chí hơn, nhất là thời điểm hiện nay, khi VN đang chạy nước rút để phát triển. Lúc mình nỗ lực nghĩa là mình đang sống cuộc đời của mình, sống theo cái mình thích.
_________________
* Tin, bài liên quan:
- Hãy dám làm, vì người trẻ đâu có gì…để mất! (17-6-2004)- Tôi "chiến đấu" vì thương hiệu Việt (27-7-2004)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận