Nhân viên cứu hộ tại hiện trường một vụ tấn công khủng bố do nhóm Boko Haram tiến hành ở thành phố Maidugur, vùng đông bắc Nigeria ngày 27-4-2018 - Ảnh: REUTERS
Thông báo bằng email của quân đội Nigeria cho Hãng tin Reuters ngày 7-5 cho biết các con tin được giải cứu chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và một số thanh thiếu niên tại các địa phương Malamkari, Amchaka, Walasa và Gora thuộc bang Borno, miền đông bắc. Họ bị buộc phải chiến đấu cho nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan này.
Cuộc tấn công giải cứu con tin được phối hợp cùng với lực lượng vũ trang của các nước láng giềng.
Tháng 12-2015, chính quyền Nigeria đã khẳng định lực lượng phiến quân Hồi giáo Boko Haram đã bị đánh bại. Tuy nhiên, trong vài tháng qua, nhóm phiến quân này đã thực hiện nhiều cuộc tấn công lớn ở Nigeria bao gồm đánh bom tự sát, tấn công bằng súng và bắt cóc người dân.
Kể từ khi nổi dậy vào năm 2009 đòi thành lập nhà nước Hồi giáo ở vùng đông bắc, Boko Haram được cho là đã bắt cóc hàng ngàn người dân trong nước.
Theo Reuters, Tổng thống Nigeria, ông Muhammadu Buhari, người nhậm chức vào tháng 5-2015 đã cam kết sẽ tiêu diệt lực lượng nổi dậy Boko Haram và đưa mục tiêu này vào ưu tiên hàng đầu trong việc tăng cường an ninh ở Nigeria.
Năm 2002, Muhammad Yusuf thành lập nhóm Boko Haram với tư tưởng chống chính phủ, bài xích văn hóa phương Tây và tôn sùng Luật Hồi giáo gốc Sharia và lôi kéo được nhiều người dân nghèo ủng hộ.
Tháng 7-2009, hoạt động của Boko Haram bị chính quyền mạnh tay trấn áp dẫn đến việc các tay súng Boko Haram tin rằng tổ chức này phải sử dụng bạo lực để theo đuổi các mục tiêu của mình.
Sự gia tăng quy mô và mức độ bạo lực của Boko Haram phần nào được thúc đẩy bởi những bất bình giữa dân chúng với chính quyền địa phương.
Khoảng một nửa trong hơn 168 triệu người dân Nigeria sống trong cảnh nghèo đói (chưa đến 2 USD/ngày) và tỉ lệ người mù chữ chiếm gần 50% trong khi chính quyền bị tố cáo là tha hóa và tham nhũng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận